TP.Hồ Chí Minh: “Bắt mạch” những hạn chế của doanh nghiệp nhà nước
Nhiều doanh nghiệp hoàn thành việc cổ phần hóa vẫn chưa tham gia đăng ký, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Hầu hết các Tổng Công ty vẫn hoạt động theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Việc tập trung đầu tư để phát triển ngành kinh doanh chính còn dàn trải. Việc thoái vốn không đạt như kế hoạch đã đề ra...
Đó là một số tồn tại, hạn chế của khối các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh vừa được chỉ ra.
Thông tin tại Hội thảo khoa học TP. Hồ Chí Minh thành tựu 50 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển, Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp Thành phố (trước sắp xếp) cho biết, giai đoạn từ 2011 đến 2020, TP. Hồ Chí Minh đã tập trung thực hiện sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN. Trong đó, cơ cấu lại hoạt động cơ bản của các DNNN theo hướng chuyên ngành (Công nghiệp, Thương mại - Dịch vụ, Cơ khí - Giao thông - Vận tải, Đầu tư tài chính, Bất động sản - Xây dựng - Địa ốc) và lĩnh vực công ích (Môi trường, Thoát nước, Cây xanh, Thảo cầm viên). Qua đó đã huy động được nguồn lực xã hội rất lớn (góp vốn đầu tư, quản trị doanh nghiệp), xã hội hóa (đấu thầu) một số hoạt động trong doanh nghiệp công ích.
Kết quả, số lượng DNNN tại TP. Hồ Chí Minh đã giảm so với năm 2011 (hiện còn 46/95 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước). Số doanh nghiệp hiện nay hoạt động tập trung vào các lĩnh vực then chốt để thực hiện nhiệm vụ theo mục tiêu của Thành phố. Quy mô doanh nghiệp đã được nâng lên, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và lớn. Qua thực hiện đề án tái cơ cấu, nhiều doanh nghiệp đã tích cực đổi mới, nâng cao năng lực quản lý…
Tuy nhiên, đại diện Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp Thành phố cũng nhìn nhận, bên cạnh các kết quả đạt được như đã nêu trên, quá trình tổ chức thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2020, TP. Hồ Chí Minh vẫn còn một số hạn chế. Đó là việc thực hiện cổ phần hóa các DNNN tuy đạt kế hoạch đề ra nhưng chưa dự báo hết những khó khăn, phức tạp khi Nhà nước không còn giữ quyền chi phối về vốn, dẫn đến một số trường hợp không còn vai trò của Nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong quyết định chiến lược hoạt động của doanh nghiệp. Việc định giá tài sản để cổ phần hóa tuy thực hiện đúng trình tự quy định (đặt biệt là đất đai) nhưng chưa tính đến việc thay đổi mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa, cũng dễ dẫn tới chưa tính đúng, tính đủ lợi ích của Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp hoàn thành việc cổ phần hóa vẫn chưa tham gia đăng ký, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
Bên cạnh đó, về công tác thoái vốn, tuy các Tổng Công ty, Công ty mẹ - con đã tích cực triển khai các thủ tục liên quan nhưng kết quả thoái vốn vẫn còn nhiều hạn chế, không đạt như kế hoạch đã đề ra, do nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan. Một số khoản vốn thoái không có nhà đầu tư tham gia cho thấy phương án hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa có nhiều khởi sắc, chưa thu hút được các nhà đầu tư quan tâm. Một số khoản vốn thực hiện thoái chưa dự báo hết tính phức tạp, hoặc thoái dưới mức không còn chi phối nên không nắm bắt được chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, hiện nay, hầu hết các Tổng Công ty vẫn hoạt động theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Việc tập trung đầu tư để phát triển ngành kinh doanh chính còn dàn trải...
Từ những tồn tại, hạn chế này, Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp Thành phố cho rằng, trong thời gian tới, các DNNN cần nâng cao hiệu quả hoạt động bằng việc tiếp tục bám sát mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Tiến hành rà soát xác định rõ phạm vi ngành, lĩnh vực then chốt để xây dựng chiến lược phát triển, ngành nghề, định hướng kinh doanh cho phù hợp tình hình thực tế tại doanh nghiệp. Tập trung xử lý dứt điểm các doanh nghiệp, các dự án, công trình đầu tư của DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài.
Trong đó, khẩn trương giải quyết, khắc phục các khó khăn, vướng mắc tồn đọng của các DNNN, đặc biệt là các tồn tại ở các dự án, khoản đầu tư, tình hình tài chính, quản lý sử dụng đất; hợp tác đầu tư sai quy định...
Bên cạnh đó, cần sắp xếp lại DNNN trực thuộc UBND Thành phố theo mô hình chuyên môn hóa cao nhằm phát huy vai trò của DNNN trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố, góp phần chính trong tạo lập, định hướng, dẫn dắt thị trường. Thu hẹp những ngành, lĩnh vực Nhà nước nắm giữ 100% vốn để phù hợp với các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Tập trung chú trọng đến các nhóm ngành có ý nghĩa quan trọng trong cơ cấu kinh tế Thành phố như: nhóm ngành thương mại - dịch vụ, đầu tư tài chính, xây dựng - địa ốc, công nghệ thông tin - chuyển đổi số, du lịch, dịch vụ công ích, môi trường.
“Cần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách của Thành phố về DNNN; hoàn thiện tổ chức để thực hiện chức năng Nhà nước là chủ sở hữu đối với DNNN, cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp. Kết hợp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước tại Thành phố đối với DNNN. Hoàn thiện các hệ thống khuyến khích, đòn bẩy kinh tế và nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong DNNN thuộc Thành phố. Đồng thời, trao quyền hoặc giao nhiệm vụ cho một số DNNN thuộc Thành phố nhằm phát triển các hạ tầng, nền tảng để có thể ứng dụng kinh tế chia sẻ. Đẩy mạnh phát triển công nghệ số trong tương lai với một số chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số…”- Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp Thành phố phân tích.