TP. Hồ Chí Minh: Tạm giữ trên 1.800 sản phẩm không có hoá đơn chứng từ
Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh vừa đồng loạt kiểm tra các điểm kinh doanh hàng hóa tại khu vực chợ Bến Thành và Trung tâm thương mại Sài Gòn Square nhằm phát hiện hàng hóa nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.
Qua kiểm tra 47 điểm kinh doanh, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh phát hiện một số lượng lớn hàng hoá không có hoá đơn chứng từ. Các Đội Quản lý thị trường đã tạm giữ 1.834 đơn vị sản phẩm là túi xách, ví, thắt lưng, đồng hồ, bút, giày dép, quần áo, mũ có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Longchamp, Under Armour, Rolex, Bvlgari, Chopard, Patek Philippe, Hermes, Franck Muller, Audermars Piguet, Montblanc, MCM, Burberry, Chanel, Mont Blanc; hàng hóa hoàn toàn không có hóa đơn chứng từ. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 256.487.000 đồng.
Hiện các Đội Quản lý thị trường đang tiếp tục làm rõ các vi phạm nêu trên để xử lý theo quy định.
Trước đó, trong tháng 6, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các lực lượng: Cục Quản lý thị trường thành phố, Phòng Cảnh sát điều tra điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an thành phố) và Công an Quận 6 tiến hành kiểm tra đối với Chi nhánh Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ kho bãi Minh Tâm và các kho thuê của các tổ chức, cá nhân chứa hàng tại số 621 Phạm Văn Chí, phường 7, Quận 6.
Cơ quan chức năng đã kiểm tra 18 kho hàng thuộc 12 doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh. Đoàn kiểm tra đã đối chiếu số lượng hàng hóa thực tế với hóa đơn xuất trình và phát hiện số lượng lớn hàng hóa doanh nghiệp không xuất trình được hóa đơn chứng từ. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ đưa về Cục Quản lý thị trường; đối với một số hóa đơn có dấu hiệu nghi vấn, đoàn kiểm tra kiến nghị với cơ quan thuế xác minh nguồn gốc của hóa đơn có hợp pháp hay không.
Đến thời điểm này, Đoàn kiểm tra xác định các dấu hiệu ban đầu gồm: Hàng cấm kinh doanh gồm 775 sản phẩm (đồ chơi trẻ em bạo lực như súng, gươm…); hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc gồm 1.538 kg bao bì, 84.495 chiếc, bộ các loại (nhãn mác in tiếng Việt để đóng gói sản phẩm xuất xứ Trung Quốc); hàng hóa có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam là 2.067.338 sản phẩm (đồ gia dụng, ấm, chén, bát, đĩa xuất xứ Trung Quốc); không niêm yết giá theo quy định; kinh doanh không đúng địa điểm trong giấy đăng ký kinh doanh; hàng hóa lắp ráp, sản xuất thuộc đối tượng phải chứng nhận hợp quy mà không thực hiện chứng nhận hợp quy: 356 sản phẩm (loa, linh kiện điện tử xuất xứ Trung Quốc); hàng hóa không thể hiện xuất xứ hàng hóa trên thùng hàng và trên sản phẩm, hàng hóa có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định, còn trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu đính kèm hóa đơn giá trị gia tăng có thể hiện xuất xứ Trung Quốc gồm 1.972 sản phẩm (ấm, chén, bát, đĩa, tô, sành sứ của Trung Quốc).
Theo nhận định của cơ quan chức năng, đây là vụ việc phức tạp, với khối lượng hàng hóa cực lớn, hiện các lực lượng chức năng đang tiếp tục kiểm đếm, phân loại, phối hợp với nhiều cơ quan chức năng để xác định sai phạm.