Kinh doanh đa cấp: Tiềm ẩn biến tướng
Trong thời gian qua, tình trạng bán hàng đa cấp biến tướng được Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành xử lý quyết liệt và đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn các hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng vẫn còn rất lớn.
Vẫn diễn biến phức tạp
Sau hàng loạt các giải pháp chấn chỉnh được thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong giai đoạn 2016 - 2018, hoạt động bán hàng đa cấp đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Các doanh nghiệp hoạt động bất chính hoặc kém hiệu quả dần bị loại khỏi thị trường, các doanh nghiệp hoạt động chân chính có xu hướng kinh doanh hiệu quả hơn.
Theo Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), năm 2018, không có doanh nghiệp (DN) nào được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, có 3 DN chủ động chấm dứt hoạt động và 1 DN bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Đến hết tháng 3/2019, số lượng DN bán hàng đa cấp tiếp tục giảm còn 23 DN.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, vẫn nhiều DN có nhu cầu gia nhập ngành bán hàng đa cấp tại Việt Nam vào thời điểm này, trong đó chủ yếu là DN có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, vẫn còn có DN lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo, trục lợi thông qua hình thức đầu tư với đối tượng không phải là hàng hóa như hoạt động đầu tư tiền vào các dự án tài chính, khóa học, ví điện tử không thuộc phạm vi quản lý của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) - cho biết, qua thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp, vẫn còn hiện tượng công ty có người tham gia bán hàng đa cấp tại các tỉnh nơi công ty chưa được cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Bên cạnh đó, là các hiện tượng lưu hành hợp đồng không đúng mẫu đã đăng ký; chỉ định đào tạo viên không đáp ứng điều kiện của pháp luật để đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp; lưu hành danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp không đúng danh mục đã thông báo/đăng ký với cơ quan có thẩm quyền….
Thắt chặt quy trình cấp giấy chứng nhận
Mặc dù đạt kết quả nhất định song công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp còn gặp nhiều khó khăn cũng như “vướng” về thể chế, pháp lý, thực tiễn và nguồn nhân lực. Theo phản ánh của một số địa phương, quy định hiện hành không yêu cầu DN bán hàng đa cấp phải có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc cơ sở kinh doanh tại địa phương nên công tác giám sát ở địa phương chưa thực sự hiệu quả.
Ngoài ra, Luật Cạnh tranh sửa đổi năm 2018 có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 đã bỏ quy định liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp, theo đó các quy định điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp sẽ chủ yếu nằm ở các văn bản ở cấp nghị định trở xuống. Vì vậy, để bảo đảm khung khổ pháp lý quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, xây dựng quy định thay thế quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp tại Nghị định số 71/2014/NĐ-CP từ ngày 1/7/2019.
Bộ Công Thương sẽ thực hiện chặt chẽ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Cụ thể, xem xét các DN đã có hoạt động tại các quốc gia khác trên thế giới, hay kế hoạch trả thưởng của DN có hướng người tham gia vào đúng bản chất của hoạt động bán hàng đa cấp thông qua việc bán hàng để hưởng hoa hồng… Ngoài ra, đối với một số DN có nguồn gốc từ Trung Quốc, Đài Loan, Bộ sẽ tìm hiểu thêm thông tin về chủ sở hữu để tránh trường hợp “biến hình” của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy.
Tháng 3/2019, Bộ Công Thương thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 5 DN được xác nhận đáp ứng đủ điều kiện tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP. Đến tháng 7/2019, Bộ tiếp tục xử phạt 2 DN là Công ty TNHH MTV New Image Việt Nam và Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam số tiền 835 triệu đồng.