TP. Hồ Chí Minh: Trên 70% nợ xấu có khả năng mất vốn
(Tài chính) Nợ xấu trên địa bàn TPHCM hiện nay là 45.850 tỉ đồng, chiếm 4,85% tổng dư nợ. So với cuối năm 2013, nợ xấu trên địa bàn thành phố tăng 1.153 tỉ đồng và nợ có khả năng mất vốn chiếm trên 73% tổng nợ xấu.
Theo một báo cáo về tình hình sản xuất của doanh nghiệp nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh, trong số nợ xấu 45.850 tỷ đồng, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tiếp tục chiếm tỷ trọng cao, đến 73,02% tổng nợ xấu.
Tuy nhiên, nếu so với tỷ trọng nợ nhóm 5 thời điểm cuối năm 2013 chiếm đến 75,7% thì hiện tỷ lệ nợ nhóm 5 trên địa bàn thành phố có giảm đôi chút.
Tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đến cuối tháng 3/2014 đạt 954.000 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, dư nợ tín dụng tăng rất chậm trong quí I, cụ thể, dư nợ cuối quí I chỉ tăng 0,57% so với cuối năm ngoái.
Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM thì dư nợ cho vay bằng ngoại tệ tăng nhanh trong khi dư nợ cho vay bằng tiền đồng liên tục giảm. Đến cuối tháng 2/2014, dự nợ cho vay bằng tiền đồng đạt 790.682 tỷ đồng, giảm 1,38% so với cuối năm 2013. Trong khi đó, dư nợ bằng ngoại tệ vẫn duy trì tốc độ tăng trường đều trong hai tháng đầu năm, đến cuối tháng 2/2014 dư nợ cho vay bằng ngoại tệ đạt 155.611 tỷ đồng, tăng 2,96% so với cuối năm 2013.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, trong thời điểm hiện tại, dư nợ tín dụng tăng rất chậm do sức cầu kinh tế còn yếu, và nợ xấu của các ngân hàng còn lớn, khiến việc cho vay cũng dè dặt.
Trong quí I này, dư nợ tín dụng tăng trưởng dương phần lớn nhờ vào tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ vọt lên trong tháng 1, khi nhiều doanh nghiệp nhập khẩu vay ngoại tệ để nhập hàng bán tết. Con số này cũng đã giảm dần trong 2 tháng gần đây.
Trong quý I/2014, doanh nghiệp ở 5 lĩnh vực được ưu tiên tại thành phố gồm nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã vay 133.000 tỷ đồng, tăng gần 5,4% so với thời điểm cuối năm 2013.
Trong đó, nhóm doanh nghiệp vay nhiều nhất lần lượt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (81.766 tỷ đồng), nông nghiệp, nông thôn (24.287 tỷ đồng), xuất khẩu (19.292 tỷ đồng), công nghiệp hỗ trợ (7.230 tỷ đồng) và thấp nhất là nhóm doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chỉ vay 506 tỷ đồng. Lãi suất cho vay đối với 5 nhóm ưu tiên này không quá 9%/năm.