TPP - Cơ hội phát triển mới cho thị trường chứng khoán

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Theo Bộ Tài chính, so với cam kết WTO, với Hiệp định TPP, Việt Nam cam kết mở cửa bổ sung một số loại hình dịch vụ mới trong lĩnh vực chứng khoán, qua đó mở ra cơ hội phát triển mới cho TTCK.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Một câu hỏi mà giới đầu tư đang quan tâm là khi dự kiến có hiệu lực từ năm 2018, TPP có là “bản sao” của WTO trong tạo ra những hiệu ứng tích cực cho TTCK như khi Việt Nam chính thức là thành viên của tổ chức thương mại lớn nhất thế giới diễn ra cách đây 8 năm? Giới chuyên gia cho rằng, sự bùng nổ của TTCK như khi Việt Nam tham gia WTO sẽ khó lặp lại với TPP, bởi WTO là sân chơi lớn, bao trùm cả TPP.

Mặt khác, trước khi đặt chân vào WTO, Việt Nam chưa mấy hội nhập sâu rộng về kinh tế, thương mại với thế giới, nên luồng gió mới WTO đã tạo ra sự hưng phấn lớn đối với cả giới đầu tư trong và ngoài nước. 8 năm sau, khi nếm trải những cung bậc thăng trầm của thị trường, giờ đây khi TPP hiện hữu, giới đầu tư đã tỏ ra chín chắn hơn khi phát đi những thông điệp về phản ứng tâm lý trên thị trường.

Với những gì ghi nhận trên TTCK kể từ thời điểm TPP kết thúc đàm phán đến nay có thể thấy, TPP không thể là “bản sao” của WTO, chí ít là trên khía cạnh tâm lý thị trường. Còn ở phương diện tác động đến các yếu tố có thể lượng hóa được, việc đưa ra dự báo lúc này là quá sớm. Nhưng với tính chất và mức độ cam kết mở cửa sâu hơn trên không ít lĩnh vực, thị trường trong TPP, theo nhìn nhận của nhà quản lý cũng như các chuyên gia, sẽ mang lại cơ hội phát triển mới cho TTCK.

Trên khía cạnh mở ra cơ hội phát triển mới cho DN, tại cuộc họp báo thông tin về Hiệp định TPP, do Bộ Tài chính vừa tổ chức, ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính nhìn nhận, khi TPP có hiệu lực, sẽ mở ra nhiều cơ hội cho DN cải thiện hiệu quả kinh doanh.

Các nước trong TPP cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu dành cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực khoảng 78 - 95% số dòng thuế và xóa bỏ hoàn toàn từ 97 - 100% dòng thuế. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 - 5 năm như: nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ, điện tử…

Ngược lại, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế trong TPP theo lộ trình: 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi TPP có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực...

Với nội dung cam kết sâu rộng như trên, cơ hội đan xen với thách thức. Do đó, nếu ngay từ bây giờ Nhà nước cùng DN sau khi đã nhận diện được những ngành mang lại cơ hội xuất khẩu hấp dẫn vào các thị trường trong khối TPP để có chiến lược chuẩn bị, đầu tư bài bản, thì sẽ giúp nền kinh tế, DN tận dụng tối đa các cơ hội do TPP mang lại, giảm thiểu các mặt tác động không mong muốn.

Trên khía cạnh mở cửa TTCK, ông Thăng cho biết, các cam kết thuộc Chương dịch vụ tài chính của Hiệp định TPP tạo ra 3 thành tố cơ bản hướng tới đẩy mạnh sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ở Việt Nam, bao gồm mở rộng cam kết về mở cửa thị trường đi kèm với cơ chế minh bạch hóa, tạo cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn cho các NĐT nước ngoài; áp dụng cơ chế bảo hộ đầu tư nhằm đảm bảo đầy đủ lợi ích của các NĐT; đảm bảo không gian chính sách để thực hiện các biện pháp quản lý thận trọng, nhằm xây dựng nền tài chính vĩ mô ổn định.

Ở thành tố thứ nhất, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, so với cam kết WTO, Việt Nam cam kết mở cửa bổ sung đối với một số loại hình dịch vụ mới nhằm tạo cơ hội tiếp cận thị trường cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, như dành đối xử quốc gia cho các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài đối với một số dịch vụ như xử lý dữ liệu tài chính qua biên giới; dịch vụ tư vấn và các dịch vụ phụ trợ qua biên giới liên quan tới giao dịch tài khoản tự doanh hoặc tài khoản của khách hàng; mở cửa dịch vụ quản lý danh mục đầu tư qua biên giới.

Về cơ chế bảo hộ NĐT nước ngoài, việc mở cửa thị trường dịch vụ tài chính kết hợp với nghĩa vụ bảo hộ đầu tư thông qua bổ sung các nghĩa vụ cam kết liên quan đến bảo hộ đầu tư như cơ chế giải quyết tranh chấp, nguyên tắc đối xử tối thiểu. Trong đó, cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định chi tiết theo các cấp độ: nhà nước và nhà nước, NĐT và nhà nước.

Đặc biệt, cơ chế giải quyết tranh chấp giữa NĐT và nhà nước cho phép đảm bảo đầy đủ quyền lợi của các NĐT khi tham gia thị trường. Quy trình giải quyết tranh chấp được quy định rõ ràng, cụ thể, đảm bảo tính minh bạch, có hiệu quả.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, các cam kết mới trong lĩnh vực chứng khoán sẽ thúc đẩy các cơ hội đầu tư, góp phần đẩy mạnh sự phát triển của TTCK trong thời gian tới.