TPP sẽ thúc đẩy FDI vào công nghệ cao

Theo Baodautu.vn

Tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ đổ vào Việt Nam không chỉ trong các lĩnh vực dệt may, da giày, mà còn làcông nghệ cao.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Một tháng trước đây, Samsung Display (Hàn Quốc) đã nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để bỏ thêm 3 tỷ USD vào nhà máy sản xuất các loại màn hình thế hệ mới, trước đó có vốn đầu tư 1 tỷ USD ở KCN Yên Phong (Bắc Ninh). Nhưng Samsung Display không phải là nhà đầu tư duy nhất đặt chân tới Việt Nam vào thời điểm này. Cơ hội sẽ còn lớn hơn nữa, thậm chí là “chưa từng có”, “lớn nhất trong lịch sử”, khi TPP chính thức được ký kết.

Điều này trên thực tế đã được các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước khẳng định từ lâu. Bởi theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, TPP mở ra cơ hội giao thương thuận lợi giữa Việt Nam và 11 quốc gia thành viên còn lại của TPP. Thương mại phát triển, thị trường rộng mở sẽ kéo theo FDI.

Chưa kể, cùng với TPP, Việt Nam cũng đã và đang tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do khác (FTA), cũng như sẽ gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay. Trong bối cảnh hội nhập, ít nhà đầu tư mở nhà máy sản xuất chỉ để phục vụ tiêu thụ nội địa, mà cái đích xa là cơ hội đưa hàng vào thị trường rộng lớn mà Việt Nam có thể kết nối sau khi thực thi các cam kết FTA.

Không chỉ là dệt may hay da giày như nhiều nhận định, theo Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson, với việc cả Trung Quốc và các đối thủ chính của Việt Nam tại Đông Nam Á đều không tham gia TPP, thì Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, nhằm tiến thêm một bước trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thực tế thì sau sự xuất hiện của Intel khoảng 10 năm trước đây, đã có một làn sóng đầu tư của các đại gia công nghệ đổ vào Việt Nam. Sự xuất hiện sau đó của Samsung, LG, Microsoft… và nhiều tên tuổi khác, như Bosch, Nidec, Jabil… đã chứng minh điều này.

Chưa kể, thời gian gần đây, liên tục có thông tin về việc các đại gia công nghệ này đã chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất toàn cầu của mình. Intel, Samsung, Microsoft, rồi LG, Jabil đều đã khẳng định điều này. Samsung cho đến nay đã đầu tư 14,2 tỷ USD tại Việt Nam. Jabil đã cam kết đầu tư thêm 500 triệu USD nữa ở TP.HCM. Còn Microsoft và LG đều đang dịch chuyển các cơ sở sản xuất vào Việt Nam.

Cú hích TPP sẽ tác động lớn hơn nữa tới dòng vốn này. Bởi một trong những cam kết trong TPP là Việt Nam và các quốc gia thành viên sẽ phải thực thi nghiêm túc và triệt để quyền sở hữu trí tuệ.

“Bảo vệ nghiêm ngặt quyền sở hữu trí tuệ chính là điều cần thiết để khuyến khích FDI tại Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đã cải thiện khuôn khổ pháp lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong những năm gần đây, nhưng hành vi vi phạm và việc thực thi luật pháp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ vẫn là mối quan ngại chung của các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam”, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nói.

Cũng theo vị này, nếu sở hữu trí tuệ được thực thi hiệu quả, sẽ góp phần quan trọng để tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực nhằm thu hút FDI và khuyến khích sáng chế - một trong những yếu tố hàng đầu Việt Nam đang quan tâm để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Các cam kết liên quan đến bảo hộ đầu tư cũng được cho là sẽ có tác động tích cực đến thu hút FDI ở Việt Nam. TPP cho phép sử dụng các vấn đề về cơ chế dân chủ, do đó Nhà nước và doanh nghiệp có thể kiện lẫn nhau, điều mà xưa nay hiếm gặp ở Việt Nam.

Thực hiện cơ chế này, theo ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, nguy cơ bị kiện của Chính phủ Việt Nam sẽ cao hơn trước đây rất nhiều. Nhưng bù lại, thì đó lại là điều mà các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm: một cơ chế minh bạch và hiệu quả, không bị cơ quan quản lý “xử ép”, không lo bị thu hồi tài sản nếu không phải vì phục vụ mục đích công…

Một trong những cam kết lâu nay khiến các nhà đầu tư nước ngoài đau đầu, đó là phải thực hiện tỷ lệ nội địa hóa khi sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam có thể cũng sẽ được bãi bỏ, bởi TPP nghiêm cấm việc đặt ra các yêu cầu kiểu như vậy. Có nghĩa là, một cơ chế hoàn toàn mở sẽ được thiết lập và điều này sẽ tác động tích cực tới các quyết định đầu tư vào Việt Nam, vốn lâu nay vẫn được coi là địa điểm sản xuất hàng đầu thế giới.

Chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng đã nhiều lần khẳng định rằng, Việt Nam chấp nhận hội nhập mạnh mẽ hơn với các FTA. Qua đó, Chính phủ và doanh nghiệp mong muốn nhất là mở rộng thị trường, chứ không chỉ bó hẹp ở quy mô 93 triệu dân. Và đó cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài.

“Tuy nhiên, để làm được điều này, phải cải cách thể chế kinh tế, hệ thống pháp luật theo thông lệ quốc tế, đồng thời chấp nhận cạnh tranh, mở rộng đầu tư”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.