TPP: Thắng lợi của ASEAN, thất bại của WTO?

Theo daibieunhandan.vn

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được cho là sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Nhưng với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), TPP sẽ buộc tổ chức này chứng tỏ sự tồn tại hữu ích của mình.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

ASEAN được gì?

Tác động của TPP lên khu vực ASEAN sẽ khác biệt với từng nước, phần lớn do thực tế rằng chỉ có 4/10 quốc gia ASEAN tham gia TPP. Tuy nhiên, Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam được trông đợi là “người chiến thắng” khi có quyền tiếp cận rộng rãi hơn các thị trường khác, đặc biệt là những thị trường nhiều lợi ích như Mỹ và Nhật Bản.

Việt Nam được dự báo sẽ là một trong số những nước chiến thắng lớn nhất trong khu vực, đơn cử như thuế đánh vào hàng hóa xuất khẩu sẽ giảm đáng kể, mang lại lợi ích cho ngành may mặc và các ngành công nghiệp đánh bắt cá. TPP cũng cho phép Việt Nam tận dụng được lợi thế lao động chi phí thấp và dồi dào. Singapore cũng có thể được coi là người chiến thắng, mặc dù Singapore là nền kinh tế phát triển và nước này hiện đã có thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ và Nhật Bản.

Lợi ích của các thành viên TPP thuộc khu vực ASEAN còn là cách TPP tác động lên chính sách kinh tế của mỗi nước và cách Chính phủ các nước này chuẩn bị cho những thay đổi. Nói cách khác, TPP có khả năng buộc Chính phủ các nước thành viên đưa ra các chính sách đổi mới để đáp ứng các điều kiện của thỏa thuận. Ví dụ, số lượng lớn các công ty liên kết với Chính phủ (GLCs) hoặc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở Malaysia sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt do TPP sẽ loại bỏ rào cản trong lĩnh vực mua sắm chính phủ, các nhà cung cấp không phân biệt quốc tịch đều bình đẳng tiếp cận các thị trường. Điều này có thể tạo ra một sự thay đổi về chính sách của quốc gia liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, để giúp các các doanh nghiệp tăng hiệu quả và cạnh tranh tốt hơn trong một thị trường rộng mở hơn.

Nhưng dù mới chỉ có 4 thành viên tham gia TPP, ASEAN vẫn được hưởng lợi với tư cách một khối. Tận dụng lợi thế của Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), các mạng lưới sản xuất có thể tồn tại sẽ mở rộng tới nhiều nước trong khu vực và có điểm đến cuối cùng ở những nước tiêu thụ phát triển nhất trong TPP. Phạm vi của những mạng lưới sản xuất tiềm tàng sẽ lớn hơn các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) khác do yêu cầu xuất xứ trong nước thấp hơn so với FTA Bắc Mỹ (62,5%), giúp các doanh nghiệp ASEAN có sự linh hoạt hơn.

WTO cần chứng minh lý do tồn tại

Với sự xuất hiện cùng lúc của nhiều khối thương mại tự do, quản trị thương mại toàn cầu sẽ trở nên phức tạp về mặt địa lý. Các quy tắc và quy định cũng có nguy cơ chồng chéo và mâu thuẫn nhau.

Điều gì sẽ xảy ra với WTO sau khi TPP đạt được tự do hóa thương mại mà không cần đến vai trò của WTO? Một số cộng đồng doanh nghiệp đã tỏ ra nghi ngờ khả năng tạo dựng một môi trường tự do thương mại toàn cầu của WTO, bởi với số lượng thành viên quá lớn tổ chức này sẽ gặp khó khăn trong tìm kiếm thỏa thuận.

Mặc dù gói Bali đã đạt được trong năm 2013, nhưng các cuộc đàm phán gần như vẫn dậm chân tại chỗ. Với thành công trong đàm phán ký kết TPP, rõ ràng WTO sẽ đứng trước áp lực phải thay đổi chương trình nghị sự ở Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 10 sắp diễn ra tại Nairobi, Kenya trong tháng 12 tới.

Hội nghị Nairobi nên đề cập đến những biện pháp ứng phó với rào cản trong biên giới, tăng cường tính minh bạch trong quy định liên quan đến xúc tiến thương mại, thông qua các tiêu chuẩn và thực hành quốc tế tốt. Làm như vậy, WTO mới có thể chứng tỏ được mục tiêu tồn tại của tổ chức này. Triển vọng của hệ thống thương mại quốc tế phụ thuộc vào vòng đàm phán Nairobi sắp tới.