Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng:
Trả lời trực tiếp, cụ thể vào những vấn đề “nóng”
(Tài chính) Từ chiều 10/6/2014, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã bắt đầu phần trả lời chất vấn trước Quốc hội. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Tài chính trả lời chất vấn và cũng là Bộ trưởng đầu tiên trong số 4 Bộ trưởng đăng đàn trong kỳ họp này. Vì vậy, phiên họp đã thu hút nhiều sự quan tâm của cử tri và Đại biểu (ĐB) quốc hội.
Là ngành có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế xã hội của cả nước, những vấn đề liên quan đến ngành Tài chính được rất nhiều ĐB Quốc hội đặt câu hỏi. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết đã nhận được 64 phiếu chất vấn của ĐB và hơn 390 kiến nghị của cử tri cả nước, tập trung về các vấn đề nợ công, khả năng trả nợ và giải pháp đảm bảo an toàn tài chính quốc gia; tình trạng chuyển giá, gian lận hoàn thuế, gian lận thuế; kiểm soát giá cả thị trường; thúc đẩy tái cơ cấu, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đạt hiệu quả…
Trong phần trả lời chất vấn, bên cạnh báo cáo chi tiết về nội dung chất vấn đã gửi đến các ĐB, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trả lời trực tiếp, cụ thể, không tránh né từng vấn đề “nóng” mà các ĐB đặt ra.
Đã chi gần 2 triệu tỷ đồng ngân sách cho nông nghiệp nông thôn
ĐB Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) đặt câu hỏi đầu tiên về việc tăng đầu tư cho nông nghiệp nông thôn từ năm 2009 theo Nghị quyết của Quốc hội. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết theo Nghị quyết 26, từ năm 2008 – 2013, ngân sách nhà nước (NSNN) đều tập trung bố trí từ 32,8 – 41,8% tổng chi NSNN cho nhiệm vụ này, riêng năm 2014 đã bố trí 41,7% tổng chi. Tính trong 6 năm vừa qua, NSNN đã chi gần 2 triệu tỷ đồng. Mức tăng chi bình quân 21%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân 16,5%/năm của NSNN. Tuy nhu cầu lớn so với khả năng đáp ứng, nhưng đầu tư cho nông nghiệp nông thôn đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết.
Quan tâm đến vấn đề quản lý giá cả thị trường, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đặt câu hỏi về kết quả rà soát hạch toán giá thành điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), về quản lý tạm nhập tái xuất, giá xăng dầu. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết Bộ Tài chính đã kiểm tra và báo cáo Chính phủ. Theo đó, các chi phí xây dựng nhà ở
chuyên gia, cán bộ, công nhân… được hướng dẫn đưa vào chi phí sản xuất kinh doanh; chi phí khấu hao nhà ở, chung cư… mà EVN cho cán bộ, công nhân thuê sử dụng không được đưa vào chi phí sản xuất kinh doanh, yêu cầu thu hồi để bù đắp chi phí, hạch toán riêng. Đối với chi phí cho nhà trẻ, bể bơi, tennis, yêu cầu EVN sử dụng quỹ phúc lợi để bù đắp.
Về việc sửa Nghị định 84 và công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng đánh giá công tác điều hành vừa qua cơ bản đáp ứng yêu cầu là gắn với thị trường, nhân dân đã quen với giá điều chỉnh lên xuống theo thị trường. Về cơ bản khắc phục được những bất cập, hạn chế cú sốc về giá cả, từ đó tránh ảnh hưởng đến lạm phát, kinh tế vĩ mô. Kiểm toán Nhà nước đã đánh giá cao Quỹ Bình ổn giá, được coi như chiếc van điều hành khi giá xăng dầu tăng giảm, bớt những cú sốc cho thị trường.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng cần đẩy mạnh hơn lộ trình điều hành theo giá thị trường. Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ cùng với Bộ Công Thương lấy ý kiến, ban hành quy định sửa đổi nghị định 84 trong thời gian sớm nhất. Theo đó, sẽ rút ngắn thời gian điều hành giá cơ sở để sát với thị trường hơn, tiến tới mạnh dạn trả về cho DN để điều tiết theo thị trường.
Cùng với đó, Bộ trưởng khẳng định việc chuyển giao điều hành giá xăng dầu sang Bộ Công Thương chủ trì là phù hợp với Luật Giá. Theo đó, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước về giá, các bộ khác là cơ quan quản lý chuyên ngành, điều hành giá cụ thể.
Đơn giản thủ tục nhưng không từ bỏ quyền thu thuế
Đề cập tới vấn đề “nóng bỏng” khác là quản lý tạm nhập tái xuất xăng dầu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết việc tập trung tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại thời gian qua đã có nhiều kết quả cụ thể. Cơ quan hải quan đã bắt khởi tố 2 chuyên án buôn lậu xăng dầu ở vùng biển Thanh Hóa, Nam Định và một chuyên án ở Cao Bằng, bắt giữ 3.500 tấn xăng dầu, đã khởi tố, chuyển cơ quan công an cả 3 vụ.
Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị với Quốc hội về sửa đổi Luật Quản lý thuế. Theo đó, đối với hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất nói chung và xăng dầu nói riêng sẽ phải nộp thuế trước khi làm thủ tục tạm nhập, nếu chưa nộp thì phải có bảo lãnh của ngân hàng mới được tạm nhập, đồng thời quy định trách nhiệm, nội dung quản lý kiểm tra đối với hàng tạm nhập tái xuất. Đảm bảo quản lý chặt chẽ, không để tình trạng lợi dụng hình thức tạm nhập, tái xuất xăng, dầu để gian lận như các năm qua.
Đối với việc truy thu thuế tạm nhập, tái xuất xăng dầu mà Hiệp hội Xăng dầu có ý kiến, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã gặp gỡ và giải thích nhiều lần cho DN. Theo đó, Thông tư 194, do cải cách thủ tục hải quan có quy định không đăng ký tờ khai mới nhưng DN vẫn phải có văn bản gửi cơ quan hải quan. Bộ trưởng nhấn mạnh đây là việc cải cách thủ tục hành chính cho DN nhưng DN phải có trách nhiệm khai thuế và nộp thuế, cơ quan hải quan thay mặt cho Nhà nước phải có trách nhiệm thu thuế, Nhà nước không từ bỏ quyền thu thuế. Do vậy, nếu DN không khai thì yêu cầu phải khai để nộp để truy thu.
Với nhiều ý kiến quan tâm sâu sát của các ĐB trong vấn đề này, Bộ trưởng khẳng định đây là chỗ dựa vững chắc để ngành quyết tâm hơn trong mặt trận chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Vay đảo nợ không làm phát sinh nợ mới
Tại phiên họp, những vấn đề xoay quanh quản lý nợ công cũng được nhiều ĐB quan tâm đặt câu hỏi. Về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết nợ công những năm gần đây có xu hướng tăng nếu xét về số tuyệt đối. Tuy nhiên, so với GDP thì tỷ lệ thay đổi không nhiều. Tỷ lệ nợ công trên GDP năm 2010 là 51,7% và đến năm 2013 ước tính là 54,1%, dưới mức quy định của Quốc hội là 65%. Riêng nợ Chính phủ hiện nay là 41,5% thấp hơn chỉ tiêu 55% Quốc hội cho phép. Cùng với tăng trưởng GDP ở mức trung bình trong những năm tới kết hợp với việc kiểm soát chặt chẽ, tính bền vững thì khả năng trả nợ sẽ tiếp tục duy trì.
Về thời điểm trả nợ, vấn đề lớn hiện nay theo Bộ trưởng là cơ cấu nợ công. Hiện nay, trong cơ cấu nợ có khoảng 50% là nợ trong nước, thời hạn huy động ngắn. Từ cuối năm 2013 đầu năm 2014, Bộ Tài chính đã có những bước cho phát hành TPCP tăng dần tỷ trọng thời hạn dài so với trước.
Đối với chỉ tiêu tỷ lệ trả nợ trên tổng thu ngân sách vượt ngưỡng 25%, Bộ trưởng cho rằng “đại biểu sốt ruột là đúng”. Tuy nhiên, Bộ trưởng phân tích rõ mặc dù tổng số vượt ngưỡng 25% nhưng thực tế trong đó có trên 10% là vay đảo nợ, mà khoản vay này không làm phát sinh thêm nghĩa vụ nợ. Do vậy, nếu trừ nghĩa vụ vay đảo nợ thì tỷ lệ vẫn nằm ở mức khoảng 20-21%, dưới mức 25%.
Thời gian tới, vấn đề đặt ra là phải tái cơ cấu nợ công, theo hướng vay dài hạn hơn, bố trí ngân sách để trả nợ huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực trong nước để phục vụ cho đầu tư, phát triển, vừa phục vụ cho vay đảo nợ. Quán triệt tinh thần điều hành thận trọng, nhận thức đầy đủ các yếu tố rủi ro trong vay nợ, Bộ Tài chính đã thường xuyên đánh giá danh mục nợ công không chỉ trên phương diện số tuyệt đối mà kể cả số tương đối tỷ trọng so với GDP và các chỉ tiêu đánh giá an toàn khác. Ngoài ra, trả lời ĐB Huỳnh Nghĩa, Bộ trưởng cho biết hiện nay nợ công đã được tính bao gồm cả nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh cho DN và nợ chính quyền địa phương.
Tại phiên họp, Bộ trưởng cũng cảm ơn đối với chia sẻ của các ĐB trong đề nghị phải thắt lưng buộc bụng để thực hiện các mục tiêu cấp bách, cảm ơn các địa phương đã rất quyết liệt trong đôn đốc công tác ngân sách. “Nếu từng địa phương không đề cao trách nhiệm của mình thì rất khó khăn trong cân đối ngân sách trung ương”, Bộ trưởng nói.
Ngoài các nội dung trên, Bộ trưởng cũng đã trả lời cụ thể về các vấn đề được ĐB đưa ra như quy định trách nhiệm trong cổ phần hoá DNNN, nợ của Vinalines và Vinashin, về tình hình vượt thu năm 2013, kế hoạch bội chi, hiệu quả quản lý đầu tư công, phối hợp quản lý giá thuốc, thu thuế GTGT với hàng nông lâm thuỷ sản chưa qua chế biến…. với sự phối hợp trả lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng. Nhìn chung các ĐB đánh giá phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính khá rõ ràng, cụ thể, đi thẳng vào vấn đề.