Làm sao ngăn chặn:

Trăm, ngàn phương kế “rửa riền”…

Lê Hiền

(Taichinh) - Công tác phòng, chống “rửa tiền” không chỉ của các cơ quan quản lý, cơ quan pháp luật hay các tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh, mà ngay cả người dân bình thường cũng phải có trách nhiệm phát hiện và báo cáo khi thấy các hiện tượng nghi vấn.

Ngăn chặn sự biến tướng của đồng tiền "bẩn". Nguồn: internet
Ngăn chặn sự biến tướng của đồng tiền "bẩn". Nguồn: internet

Chính phủ đã tiên liệu và đưa ra nhiều quyết sách nhằm phòng, chống tội phạm “rửa tiền”

Chúng ta có thể liệt kê ra các hành vi dễ bị lợi dụng để “rửa tiền” như: Mua bán chứng khoán; Mua bán, đầu tư bất động sản; Đầu tư qua cổ phần hóa doanh nghiệp; Thành lập công ty ma, công ty sân sau, công ty đầu tư; Thông qua casino, các hoạt động vui chơi có thưởng; thừa kế tài sản… để khoanh vùng giám sát, điều tra…

Chúng ta cũng có thể thanh lọc các hoạt động như: Đầu tư (số tiền, tỷ lệ, tỷ suất đầu tư); Lỗ đầu tư (thời gian, số tiền chịu lỗ); Phá sản doanh nghiệp (tình hình, thời gian, số tiền phá sản); kinh doanh nhà hàng, du lịch, khách sạn… để xác định hành vi “rửa tiền”

Chúng ta có thể điểm danh các đối tượng như: Người nước ngoài (thực hiện các giao dịch mở - đóng tài khoản chuyển tiền, mua bán doanh nghiệp,…); Các quan chức dễ bị mua chuộc, tham ô, tham nhũng, có tài sản và tiền gửi lớn…; Các đối tượng tội phạm có tiền án tiền sự (buôn bán ma túy, trộm cắp)… để thường xuyên theo dõi, phát hiện kịp thời các hành vi bất thường cấu thành tội phạm “rửa tiền”.

Chúng ta ta cũng đã tìm mọi cách để ngăn chặn như: ban hành các luật để phòng, chống “rửa tiền”; Đưa ra các quy định trong giao dịch trên mọi lĩnh vực: ngân hàng, chứng khoán, đầu tư, mua bán…; Quy định các hình thức và mức xử lý tội phạm nghiêm khắc nhằm răn đe, quy kết tội phạm “rửa tiền”…

Tuy nhiên, rất khó lôi loại tội phạm này ra ánh sáng: tội phạm “rửa tiền” là những kẻ hoạt động trong “bóng tối”, có thể tìm mọi kẽ hở của pháp luật và có trăm phương ngàn kế để lách luật. Như con bạch tuộc, chúng tìm địa điểm, quốc gia, lĩnh vực kinh tế tài chính có thể lách vào để bám vòi, phun mực, hoành hành. Những nơi như Việt Nam, nền kinh tế đang trên đường phát triển và hội nhập, Nhà nước đang kêu gọi vốn và mở rộng cửa cho các nhà đầu tư, kinh doanh. Đương nhiên cửa mở rộng thì không chỉ người tốt mà kẻ xấu cũng dễ lọt vào. Nhất là khi chúng ta còn đang trên đường xây dựng pháp luật, không tránh khỏi nhiều quy định chưa được chặt chẽ, nhiều hoạt động kinh tế chưa được quản lý theo chuẩn mực… đây chính là mảnh đất mầu mỡ để tội phạm gieo tiền “bẩn” gặt tiền “sạch”. Chúng ta lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong truy tìm tội phạm, kết án tội phạm…

Nhiều quan điểm còn chưa nhất quán: Có nhiều bài viết khi phân tích tội phạm “rửa tiền” đã phân biệt tiền đầu tư vào bất động sản từ tham nhũng khác với tiền đầu tư vào bất động sản để “rửa tiền”. Thực chất không phải như vậy. Nguồn tiền từ tham nhũng hay từ các hình thức buôn bán phi pháp, tội phạm gian lận, trá hình… đều là tiền bẩn, và khi các đối tượng này thực hiện các giao dịch chuyển hóa khối tiền đó thì đều là hành động “rửa tiền”. Chúng ta phải thẳng thắn quy kết tội phạm, không phân biệt nặng nhẹ. Dù từ nguồn gốc nào, dù là nhiều hay ít, “tiền bẩn” đang làm hung hại đến sự phát triển công bằng, bền vững của quốc gia, làm lung lay niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo quản lý của Nhà nước…

Cần nhận định rõ tội phạm: Có thể hình tượng “rửa tiền” là hành động dấu tay trong bị, là cầm gươm đâm vào huyết mạch lưu thông tiền tệ của nền kinh tế. Trong bóng đêm, nhiều phi vụ “rửa tiền” vẫn đang diễn ra và trót lọt. Tội phạm “rửa tiền” khi lọt lưới, đường đường chính chính trở thành các đại gia, các ông chủ thành công, có máu mặt trên thương trường, và quá khứ không rõ trắng - đen lại được thêu dệt và trở nên sáng giá… Đâu chỉ tội phạm có tên mới có khả năng “rửa tiền”, có thể quan chức chính phủ với nhiều quyền lực cũng đang nhúng tay hoặc dung túng cho các phi vụ “rửa tiền”. Đồng tiền “bẩn” thì bẩn nhiều hay bẩn ít cũng là tiền bất chính. Hoạt động “rửa tiền”, dù “rửa” nhiều hay “rửa” ít cũng là tội phạm. Do vậy, quy định mức để tra cứu xem có phải là “rửa tiền” hay không, nhiều khi đang làm lọt lưới nhiều đồng tiền “bẩn”. Những giao dịch lẻ tẻ, ít một, dưới ngưỡng quy định đang ngày đêm “rửa sạch” những đồng “tiền bẩn”, như con kiến tha lâu cũng đầy tổ, “tiền bẩn” được rửa từng ít một cũng đầy bồ “tiền sạch”. Như ở Australia, quốc gia có hoạt động “rửa tiền” mạnh nhất thế giới, Chính phủ quy định các ngân hàng phải báo cáo các hành vi chuyển tiền, tiêu tiền có giá trị từ 10.000 AUD trở lên, nhưng có hàng ngàn các giao dịch chuyển tiền, gửi tiền, mua bán… có giá trị dưới 10.000AUD, đều có dấu hiệu “rửa tiền”.

Làm sao để không lọt lưới những đồng tiền “bẩn”?

Năm 2008, sau 2 năm hoạt động, Trung tâm Thông tin phòng, chống rửa tiền (nay là Cục Phòng, chống rửa tiền - NHNN) mới nhận được 20 báo cáo về các giao dịch đáng ngờ; Sang năm 2012, có 160 báo cáo về các giao dịch đáng ngờ có liên quan đến hoạt động “rửa tiền” được chuyển lên cơ quan công an xác minh (số tiền lên tới 51.000 tỉ đồng). Đến năm 2013, có hơn 700 báo cáo giao dịch đáng ngờ liên quan đến hoạt động “rửa tiền” được gửi đến Cục Phòng chống “rửa tiền” (các giao dịch chủ yếu liên quan đến ngân hàng, một phần liên quan đến chứng khoán và bất động sản). Năm 2014, cơ quan công an đang thống kê, chưa có con số cụ thể, nhưng các giao dịch khả nghi là rất lớn. Các con số trên đây cho thấy quy mô của các giao dịch đáng ngờ có liên quan đến “rửa tiền” ngày càng tăng mạnh. Với con số đó, nếu phát hiện ra, và mỗi giao dịch chỉ vài chục triệu đồng thì số tiền được rửa cũng lên tới hàng chục tỷ. Trong khi ngân khố quốc gia còn khó khăn, phải lo nhặt nhạnh từng đồng để thực hiện nhiệm vụ thu - chi thì các hoạt đổng "rửa tiền” thực chất là hoạt động ngoài luồng, là cú đấm sau lưng, đang đánh vào cán cân thanh toán của Nhà nước, làm suy yếu nền kinh tế.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai thực hiện các biện pháp để triệt phá các đường dây “rửa tiền” và hạn chế đến mức thấp nhất các mầm mống, nguy cơ có thể phát sinh hoạt động “rửa tiền”. Cụ thể:

Quy định trách nhiệm cho các cơ quan chức năng:

- Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm tổ chức ra bộ phận và phân công nhân sự chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống “rửa tiền”; Xây dựng các cơ chế, chính sách để phòng, chống rửa tiền; Hướng dẫn, kiểm tra các giao dịch của các tổ chức tín dụng; chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tổ chức có đăng ký kinh doanh ngoại tệ, vàng bạc, đá quý; tổ chức tại Việt Nam thay mặt hoặc đại diện cho các định chế tài chính của nước ngoài… qua đó, theo dõi nhóm khách hàng có rủi ro cao; Định kỳ (hàng ngày và đột xuất khi có vụ việc) báo cáo kết quả kiểm toán nội bộ về Cục Phòng, chống rửa tiền; Có trách nhiệm hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc trao đổi thông tin, tài liệu liên quan đến các giao dịch đáng ngờ trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, các bên cùng có lợi và được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp các Điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác.

- Cục Phòng, chống rửa tiền (thuộc cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng): là đầu mối tham mưu trình các cấp ban hành Luật Phòng, chống rửa; Hỗ trợ Ngân hàng, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng ban hành các thông tư hướng dẫn công tác phòng, chống rửa tiền; Có chức năng, nhiệm vụ thu thập, xử lý và chuyển giao thông tin liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố cho cơ quan điều tra có thẩm quyền; Là đầu mối phối hợp với các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong thực thi các các hoạt động về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố.

- Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, trò chơi có thưởng (casino, sổ số…) như các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, tổ chức môi giới đầu tư, công ty bảo hiểm, các công ty sổ số, các sàn quản lý casino…; Xây dựng các cơ chế, chính sách, các quy định về tài chính, kế toán, kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, giám sát… để phát hiện và thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền.

- Bộ Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Xây dựng các cơ chế, chính sách đầu tư, kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng… Đặc biệt, phải kiểm soát chặt chẽ dòng tiền do người nước ngoài mua nhà vì đây là cũng con đường để “tiền bẩn” xâm nhập vào Việt Nam, làm mất cân đối cung cầu, đẩy giá lên, khiến đời sống người lao động Việt Nam càng khó khăn hơn và Nhà nước khó điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô của mình…

- Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì đàm phán, ký kết các Điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp, dẫn độ và hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến rửa tiền; tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách và Điều ước quốc tế về phòng, chống tội phạm có liên quan đến rửa tiền.

Các đơn vị này không chỉ thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, theo dõi, phát hiện tội phạm trong lĩnh vực thuộc ngành mình quản lý mà còn phải phối hợp chặt chẽ với các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác; đặc biệt là Cục Phòng chống rửa tiền, thông qua các chính sách, cơ chế đồng bộ, tăng cường phối hợp trao đổi thông tin, làm hậu thuẫn cho nhau trong kiểm tra, giám sát, xử lý…

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền hoạt động phòng, chống rửa tiền:

Tuyên truyền để toàn dân nắm vững: Hoạt động “rửa tiền” là gì, tác hại của hoạt động “rửa tiền”, đặc biệt là tội phạm “rửa tiền” nhằm tài trợ khủng bố.

Tuyên truyền để toàn dân thấy rõ: Công tác phòng, chống “rửa tiền” không chỉ của các cơ quan quản lý, cơ quan pháp luật hay các tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh, mà ngay cả người dân bình thường cũng phải có trách nhiệm phát hiện và báo cáo khi thấy các hiện tượng nghi vấn.

Tuyên truyền để toàn dân hiểu rằng: Mọi công dân tôn trọng và thực thi pháp luật; thực hiện kinh doanh lành mạnh, canh tranh công bằng; thực hiện công khai thông tin, minh bạch báo cáo về thu nhập, lợi nhuận, tài sản của công và của cá nhân; thực hiện trách nhiệm trong phòng, chống “rửa tiền”... chính là đang chung tay góp sức xây dựng một nền kinh tế vững vàng, một môi trường sống trong sạch; xây dựng một quốc gia văn minh, giàu có, thượng tôn pháp luật; không để đất cho các loại tội phạm lợi dụng. Đặc biệt là tội phạm “rửa tiền”, một loại tội phạm chỉ có thể hoành hành ở nơi có nền kinh tế bấp bênh, pháp chế lỏng lẻo, vừa thiếu vốn vừa yếu kém về quản lý...

Không để “đục nước béo cò”, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, chúng ta phải mài sắc vũ khí để siết tội phạm “rửa tiền” - là vũ khí toàn dân, toàn diện cùng vào cuộc, tạo thành vòng kim cô chụp đầu tội phạm, như đã nêu ở trên.