Trao đổi về kế toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp
Thuế thu nhập doanh nghiệp là một trong những nguồn thu lớn nhất trong các khoản thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước. Việc thực hiện toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp, gồm kế toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành và kế toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại là nhiệm vụ thường xuyên của doanh nghiệp. Bài viết trao đổi về các vấn đề liên quan đến việc kế toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm giúp bộ phận kế toán doanh nghiệp hiểu rõ để thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
Đặt vấn đề
Hiện nay, chưa có văn bản nào được ban hành chính thức định nghĩa về loại thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Tuy nhiên, dựa trên cơ sở pháp lý và quy định về Luật thuế TNDN, có thể hiểu, thuế TNDN là loại thuế trực thu, đánh vào DN, tổ chức kinh tế có mức thu nhập phải chịu thuế bao gồm từ hoạt động kinh doanh, hoạt động sản xuất, hoạt động vận chuyển hàng hóa, dịch vụ và những thu nhập khác của DN theo quy định của pháp luật. Thuế TNDN là một trong những nguồn thu lớn nhất trong các khoản thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN).
Thuế TNDN có vai trò rất lớn trong nền kinh tế - xã hội của Đất nước như: Tăng NSNN để duy trì các hoạt động chính trị, xã hội; Đảm bảo sự công bằng xã hội, giảm khoảng cách giàu nghèo nhờ cách tính lũy tiến; Là công cụ giúp Nhà nước tái tạo nguồn vốn trong nền kinh tế, điều tiết các hoạt động kinh tế - xã hội; Thúc đẩy phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh đồng bộ và phù hợp với định hướng quốc gia...
Để giúp DN dễ dàng thực hiện việc kế toán, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 200/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn chế độ kế toán DN, trong đó tại Điều 95 đã hướng dẫn rõ đối với việc kế toán chi phí thuế TNDN thông qua Tài khoản 821 – Chi phí thuế TNDN. Bài viết trao đổi về các vấn đề liên quan đến việc kế toán chi phí thuế TNDN theo quy định hiện hành nhằm giúp bộ phận kế toán DN hiểu rõ để thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
Nguyên tắc kế toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp
Nguyên tắc chung
Theo Điều 95, Thông tư số 200/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính, Tài khoản 821 – Chi phí thuế TNDN dùng để phản ánh chi phí thuế TNDN của DN bao gồm chi phí thuế TNDN hiện hành và chi phí thuế TNDN hoãn lại phát sinh trong năm làm căn cứ xác định kết quả hoạt động kinh doanh sau thuế của DN trong năm tài chính hiện hành.
Trong đó, chi phí thuế TNDN hiện hành là số thuế TNDN phải nộp tính trên thu nhập chịu thuế trong năm và thuế suất thuế TNDN hiện hành. Chi phí thuế TNDN hoãn lại là số thuế TNDN sẽ phải nộp trong tương lai phát sinh từ việc: Ghi nhận thuế thu nhập hoãn lại phải trả trong năm; Hoàn nhập tài sản thuế thu nhập hoãn lại đã được ghi nhận từ các năm trước. Thu nhập thuế TNDN hoãn lại là khoản ghi giảm chi phí thuế TNDN hoãn lại phát sinh từ việc: Ghi nhận tài sản thuế thu nhập hoãn lại trong năm; Hoàn nhập thuế thu nhập hoãn lại phải trả đã được ghi nhận từ các năm trước.
Nguyên tắc kế toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành
Hàng quý, kế toán căn cứ vào tờ khai thuế TNDN để ghi nhận số thuế TNDN tạm phải nộp vào chi phí thuế TNDN hiện hành. Cuối năm tài chính, căn cứ vào tờ khai quyết toán thuế, nếu số thuế TNDN tạm phải nộp trong năm nhỏ hơn số phải nộp cho năm đó, kế toán ghi nhận số thuế TNDN phải nộp thêm vào chi phí thuế TNDN hiện hành. Trường hợp số thuế TNDN tạm phải nộp trong năm lớn hơn số phải nộp của năm đó, kế toán phải ghi giảm chi phí thuế TNDN hiện hành là số chênh lệch giữa số thuế TNDN tạm phải nộp trong năm lớn hơn số phải nộp.
Trường hợp phát hiện sai sót không trọng yếu liên quan đến khoản thuế TNDN phải nộp của các năm trước, DN được hạch toán tăng (hoặc giảm) số thuế TNDN phải nộp của các năm trước vào chi phí thuế TNDN hiện hành của năm phát hiện sai sót. Đối với các sai sót trọng yếu, kế toán điều chỉnh hồi tố theo quy định của Chuẩn mực kế toán – “Thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và các sai sót”.
Ngoài ra, khi lập báo cáo tài chính, kế toán phải kết chuyển chi phí thuế TNDN hiện hành phát sinh vào Tài khoản 911 - “Xác định kết quả kinh doanh” để xác định lợi nhuận sau thuế trong kỳ kế toán.
Nguyên tắc kế toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại
Bảng 1: Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 8211 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành |
|
Kết cấu |
Nội dung phản ánh |
Bên Nợ |
Thuế TNDN phải nộp tính vào chi phí thuế TNDN hiện hành phát sinh trong năm |
Thuế TNDN của các năm trước phải nộp bổ sung do phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước được ghi tăng chi phí thuế TNDN hiện hành của năm hiện tại |
|
Bên Có |
Số thuế TNDN hiện hành thực tế phải nộp trong năm nhỏ hơn số thuế TNDN tạm phải nộp được giảm trừ vào chi phí thuế TNDN hiện hành đã ghi nhận trong năm |
Số thuế TNDN phải nộp được ghi giảm do phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước được ghi giảm chi phí thuế TNDN hiện hành trong năm hiện tại |
|
Kết chuyển chi phí thuế TNDN hiện hành vào bên Nợ tài khoản 911 - “Xác định kết quả kinh doanh” |
|
Nguồn: Thông tư số 200/TT-BTC |
Bảng 2: Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 8211 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại |
|
Kết cấu |
Nội dung phản ánh |
Bên Nợ |
Chi phí thuế TNDN hoãn lại phát sinh trong năm từ việc ghi nhận thuế thu nhập hoãn lại phải trả |
Số hoàn nhập tài sản thuế TNDN hoãn lại đã ghi nhận từ các năm trước |
|
Kết chuyển chênh lệch giữa số phát sinh bên Có TK 8212 - “Chi phí thuế TNDN hoãn lại” lớn hơn số phát sinh bên Nợ TK 8212 - “Chi phí thuế TNDN hoãn lại” phát sinh trong kỳ vào bên Có tài khoản 911 - “Xác định kết quả kinh doanh” |
|
Bên Có |
Ghi giảm chi phí thuế TNDN hoãn lại |
Kết chuyển chênh lệch giữa số phát sinh bên Có TK 8212 - “Chi phí thuế TNDN hoãn lại” nhỏ hơn số phát sinh bên Nợ TK 8212 - “Chi phí thuế TNDN hoãn lại” phát sinh trong kỳ vào bên Nợ tài khoản 911 - “Xác định kết quả kinh doanh” |
|
Nguồn: Thông tư số 200/TT-BTC |
- Khi lập báo cáo tài chính, kế toán phải xác định chi phí thuế thu nhập hoãn lại theo quy định của Chuẩn mực kế toán “Thuế TNDN”.
- Kế toán không được phản ánh vào tài khoản này tài sản thuế thu nhập hoãn lại hoặc thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh từ các giao dịch được ghi nhận trực tiếp vào vốn chủ sở hữu.
- Cuối kỳ, kế toán phải kết chuyển số chênh lệch giữa số phát sinh bên Nợ và số phát sinh bên Có TK 8212 - “Chi phí thuế TNDN hoãn lại” vào Tài khoản 911 - “Xác định kết quả kinh doanh”.
Tài khoản 821 - “Chi phí thuế TNDN” không có số dư cuối kỳ và có 2 tài khoản cấp 2: Tài khoản 8211 - Chi phí thuế TNDN hiện hành và Tài khoản 8212 - Chi phí thuế TNDN hoãn lại. Cả hai tài khoản này cũng không có số dư cuối kỳ.
Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
Kế toán chi phí thuế TNDN là công việc thường xuyên và bắt buộc phải thực hiện đối với DN. Để làm được việc này, bộ phận kế toán DN phải nắm rõ nguyên tắc cũng như phương pháp kế toán một số giao dịch chủ yếu. Trong đó, cần chú ý hai nội dung quan trọng gồm kế toán chi phí thuế TNDN hiện hành và kế toán chi phí thuế TNDN hoãn lại.
Đối với phương pháp kế toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành
- Hàng quý, khi xác định thuế TNDN tạm phải nộp theo quy định của Luật thuế TNDN, kế toán phản ánh số thuế TNDN hiện hành tạm phải nộp vào NSNN vào chi phí thuế TNDN hiện hành, ghi:
Nợ TK 8211- Chi phí thuế TNDN hiện hành
Có TK 3334 - Thuế TNDN.
Khi nộp thuế TNDN vào NSNN, ghi:
Nợ TK 3334 - Thuế TNDN
Có TK 111, 112,…
- Cuối năm tài chính, căn cứ vào số thuế TNDN thực tế phải nộp theo tờ khai quyết toán thuế hoặc số thuế do cơ quan thuế thông báo phải nộp:
+ Nếu số thuế TNDN thực tế phải nộp trong năm lớn hơn số thuế TNDN tạm phải nộp, kế toán phản ánh bổ sung số thuế TNDN hiện hành còn phải nộp, ghi:
Nợ TK 8211- Chi phí thuế TNDN hiện hành
Có TK 3334 - Thuế TNDN.
+ Nếu số thuế TNDN thực tế phải nộp trong năm nhỏ hơn số thuế TNDN tạm phải nộp, kế toán ghi giảm chi phí thuế TNDN hiện hành, ghi:
Nợ TK 3334 - Thuế TNDN
Có TK 8211- Chi phí thuế TNDN hiện hành.
- Trường hợp phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước liên quan đến thuế TNDN phải nộp của các năm trước, DN được hạch toán tăng (hoặc giảm) số thuế TNDN phải nộp của các năm trước vào chi phí thuế thu nhập hiện hành của năm phát hiện sai sót.
+ Trường hợp thuế TNDN hiện hành của các năm trước phải nộp bổ sung do phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước được ghi tăng chi phí thuế TNDN hiện hành của năm hiện tại, ghi:
Nợ TK 8211 - Chi phí thuế TNDN hiện hành
Có TK 3334 - Thuế TNDN.
+ Trường hợp số thuế TNDN phải nộp được ghi giảm do phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước được ghi giảm chi phí thuế TNDN hiện hành trong năm hiện tại, ghi:
Nợ TK 3334 - Thuế TNDN
Có TK 8211 - Chi phí thuế TNDN hiện hành.
- Cuối kỳ kế toán, kết chuyển chi phí thuế thu nhập hiện hành, ghi:
+ Nếu TK 8211 có số phát sinh Nợ lớn hơn số phát sinh Có thì số chênh lệch, ghi:
Nợ TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 8211- Chi phí thuế TNDN hiện hành.
+ Nếu TK 8211 có số phát sinh Nợ nhỏ hơn số phát sinh Có thì số chênh lệch, ghi:
Nợ TK 8211- Chi phí thuế TNDN hiện hành
Có TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh.
Đối với phương pháp kế toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại
- Chi phí thuế TNDN hoãn lại phát sinh trong năm từ việc ghi nhận thuế thu nhập hoãn lại phải trả (là số chênh lệch giữa thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh trong năm lớn hơn thuế thu nhập hoãn lại phải trả được hoàn nhập trong năm), ghi:
Nợ TK 8212 - Chi phí thuế TNDN hoãn lại
Có TK 347 - Thuế thu nhập hoãn lại phải trả.
- Chi phí thuế TNDN hoãn lại phát sinh trong năm từ việc hoàn nhập tài sản thuế TNDN hoãn lại đã ghi nhận từ các năm trước (là số chênh lệch giữa tài sản thuế thu nhập hoãn lại được hoàn nhập trong năm lớn hơn tài sản thuế thu nhập hoãn lại phát sinh trong năm), ghi:
Nợ TK 8212 - Chi phí thuế TNDN hoãn lại
Có TK 243 - Tài sản thuế thu nhập hoãn lại.
- Ghi giảm chi phí thuế TNDN hoãn lại (số chênh lệch giữa tài sản thuế thu nhập hoãn lại phát sinh trong năm lớn hơn tài sản thuế thu nhập hoãn lại được hoàn nhập trong năm), ghi:
Nợ TK 243 - Tài sản thuế thu nhập hoãn lại
Có TK 8212 - Chi phí thuế TNDN hoãn lại.
- Ghi giảm chi phí thuế TNDN hoãn lại (số chênh lệch giữa thuế thu nhập hoãn lại phải trả được hoàn nhập trong năm lớn hơn thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh trong năm), ghi:
Nợ TK 347 - Thuế TNDN hoãn lại phải trả
Có TK 8212 - Chi phí thuế TNDN hoãn lại.
Kết luận
Việc kế toán chi phí thuế TNDN nhằm giúp bộ phận kế toán hiểu rõ để thực hiện đúng các quy định của pháp luật có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ giúp nhà quản trị DN nắm rõ các chi phí để có thể đưa ra các quyết định điều hành chính xác, phù hợp mà còn là yêu cầu bắt buộc để thực hiện các quy định pháp luật về thuế, tránh bị xử phạt do vi phạm các quy định của pháp luật. Do vậy, việc nghiên cứu các nguyên tắc kế toán, các phương pháp kế toán chi phí thuế TNDN hiện hành và chi phí thuế TNDN hoãn lại có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội (2008). Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12;
- Quốc hội (2015). Luật Kế toán số 88/2015/QH13;
- Bộ Tài chính (2014). Thông tư số 200/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp;
- Một số website: mof.gov.vn, thuvienphapluat.vn, dichvuluat.vn...