Trao đổi về kế toán tài sản dài hạn trong các doanh nghiệp Việt Nam

ThS. Đặng Thị Huế

Khảo sát thực tiễn cho thấy, giá trị tài sản dài hạn của doanh nghiệp dù đã được thể hiện trên phần tài sản của bảng cân đối kế toán, nhưng chỉ bao gồm 2 nhóm chỉ tiêu: Tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn; còn chỉ tiêu về tài sản dài hạn nắm giữ để bán và hoạt động bị chấm dứt thì lại chưa được thể hiện cụ thể trong mẫu báo cáo tài chính hiện hành của chế độ kế toán Việt Nam. Thực tế này đã tác động rất lớn đến quyết định của nhà đầu tư, do họ không nhận diện được “sức khỏe” của doanh nghiệp tại thời điểm đầu tư. Việc làm rõ một số nội dung cơ bản liên quan đến tài sản dài hạn nắm giữ để bán và ngừng hoạt động trong doanh nghiệp là điều cần thiết, cũng như việc đề xuất một số giải pháp cụ thể, sẽ có ý nghĩa cho việc hoàn thiện hệ thống khung pháp lý kế toán hiện hành tại Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Xác định giá trị tài sản dài hạn phân loại là giữ để bán

Trước khi xác định giá trị tài sản phân loại là giữ để bán, đơn vị phải phân loại tài sản dài hạn nắm giữ để bán nếu giá trị ghi sổ của tài sản đó sẽ chủ yếu được thu hồi thông qua một giao dịch bán, chứ không phải thông qua việc tiếp tục sử dụng. Theo đoạn 15, báo cáo tài chính quốc tế 5 (IFRS 5), DN phải xác định giá trị tài sản dài hạn nắm giữ để bán theo giá trị thấp hơn giữa giá trị ghi sổ và giá trị hợp lý trừ chi phí bán.

Giá trị hợp lý của tài sản được xác định trên thị trường hoạt động. Việc xác định giá trị hợp lý của tài sản cố định được thực hiện theo quy trình xác định giá trị hợp lý và chuẩn mực báo cáo tài chính (BCTC) quốc tế số 13 (IFRS 13). Xác định giá trị hợp lý của tài sản dựa trên thứ tự ưu tiên như sau:

- Cấp độ 1: Giá trị của tài sản được niêm yết trên thị trường hoạt động, không cần điều chỉnh. DN sử dụng giá trị đó để phản ánh giá trị hợp lý của tài sản.

- Cấp độ 2: Dữ liệu đầu vào có thể quan sát một cách trực tiếp hoặc gián tiếp trên thị trường. Ví dụ, giá cả của tài sản tương tự có thể quan sát trên thị trường, DN xác định giá trị hợp lý của tài sản cố định thông qua giá đã điều chỉnh.

- Cấp độ 3: Dữ liệu đầu vào không thể quan sát trên thị trường. DN cần dự báo dòng tiền từ việc sử dụng tài sản, giá trị hợp lý của tài sản cố định được xác định trên cơ sở giá trị hiện tại của dòng tiền thuần. Chi phí bán tài sản là những chi phí liên quan trực tiếp đến việc bán tài sản hoặc đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng để bán như: chi phí pháp lý, chi phí làm hồ sơ giấy tờ, chi phí sửa chữa tài sản trước khi bán…

Mặc dù DN đã phân loại một tài sản là giữ để bán, tuy nhiên nếu các tiêu chí về tài sản dài hạn nắm giữ để bán không còn đáp ứng, thì phải ngừng phân loại tài sản đó là loại tài sản giữ để bán. Nghĩa là, DN phải xác định giá trị của tài sản dài hạn bị ngừng phân loại là giữ để bán (hoặc không còn được xếp vào nhóm tài sản thanh lý được phân loại là giữ để bán) theo giá trị thấp hơn giữa: Giá trị ghi sổ trước khi tài sản đó được phân loại là giữ để bán và Giá trị có thể thu hồi của nó tại ngày ra quyết định không bán sau này.

Chẳng hạn, tại thời điểm kết thúc năm tài chính N, công ty Z công bố chuyển nhượng một thiết bị sản xuất với nguyên giá là 4,5 tỷ đồng và giá trị còn lại ghi trên sổ kế toán là 1,8 tỷ đồng. Giá trị thuần có thể thực hiện được của thiết bị này tại thời điểm cuối năm N là 2,1 tỷ đồng. Nếu trong năm N+1, công ty Z không thay đổi quyết định với thiết bị này và sẵn sàng bán nếu đạt được giá trị mong muốn, thì giá trị ghi sổ của thiết bị trên của công ty Z sẽ được ghi nhận như một tài sản dài hạn nắm giữ để bán trong năm tài chính N+1. Ngược lại, nếu trong năm tài chính N+1, công ty Z có bất kỳ thay đổi mục đích bán và chuyển nhượng thiết bị trên, thì tài sản này sẽ không được ghi nhận là tài sản nắm giữ để bán ngay trong năm tài chính N+1.

Xác định giá trị có thể thu hồi

Giá trị sử dụng được xác định bằng cách xác định giá trị hiện tại của luồng tiền ước tính trong tương lai từ việc sử dụng tài sản. Có hai bước để ước tính giá trị sử dụng của tài sản: (1) Ước tính dòng tiền vào và dòng tiền ra trong tương lai phát sinh từ việc sử dụng và thanh lý tài sản; (2) Áp dụng tỷ lệ chiết khấu phù hợp cho những dòng tiền trong tương lai đó.

Đề xuất đối với các doanh nghiệp Việt Nam

Sức ép của yêu cầu hội nhập và phát triển của nền kinh tế thị trường chỉ ra rằng, giá trị hợp lý và việc sử dụng giá trị hợp lý ở Việt Nam tuy đã có những bước khởi đầu nhất định song vẫn mang tính chắp vá, chưa có một định hướng rõ ràng và việc sử dụng giá trị hợp lý. Tồn tại này biểu hiện cụ thể qua các điểm chủ yếu như: Định nghĩa giá trị hợp lý chưa rõ ràng, chưa đầy đủ; Các quy định về giá trị hợp lý và sử dụng giá trị hợp lý trong kế toán nằm rải rác trong các chuẩn mực, mang tính chắp vá, thiếu tính hệ thống; Chưa có hướng dẫn chính thức và thống nhất về phương pháp xác định giá trị hợp lý trong kế toán; Giá trị hợp lý sử dụng chủ yếu cho ghi nhận ban đầu, chưa sử dụng để trình bày các khoản mục sau ghi nhận ban đầu, do đó chưa đạt được mục đích ghi nhận và trình bày các khoản mục theo những thay đổi của thị trường.

Kế toán tài sản dài hạn nắm giữ để bán và hoạt động bị chấm dứt hiện nay đã được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines.... Vì vậy, Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp lý theo hướng sau:

- Cần sớm ban hành chuẩn mực kế toán mới về Tài sản dài hạn nắm giữa để bán và hoạt động bị chấm dứt, nhằm thống nhất nội dung trong hạch toán, ghi nhận và trình bày thông tin trên BCTC về giá trị tài sản dài của DN. Đồng thời, đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư khi sử dụng thông tin trên BCTC của đơn vị.

Trao đổi về kế toán tài sản dài hạn trong các doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 1
 - DN phải trình bày riêng tài sản dài hạn nắm giữ để bán và các tài sản trong nhóm tài sản thanh lý phân loại là nắm giữ để bán nhằm tách biệt với các tài sản khác trong Bảng cân đối kế toán. Các khoản nợ phải trả của nhóm tài sản thanh lý phân loại là giữ để bán phải được trình bày tách riêng khỏi các khoản nợ phải trả khác trên Bảng cân đối kế toán. Nghĩa là, DN nên trình bày tài sản dài hạn nắm giữ để bán thành một chỉ tiêu riêng thuộc nhóm tài sản ngắn hạn.

- Sớm ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cụ thể liên quan đến quản lý và hạch toán tài sản dài hạn nắm giữ để bán và hoạt động gián đoạn.

Trao đổi về kế toán tài sản dài hạn trong các doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 2
 Nhìn chung, việc công bố thông tin về tài sản dài hạn nắm giữ để bán sẽ góp phần nâng cao tính minh bạch của BCTC, sẽ giúp nhà đầu tư đánh giá đúng khả năng tài chính thực tế của đơn vị mà mình quan tâm đầu tư hiệu quả hơn; giúp chủ DN có cái nhìn tốt hơn về giá trị DN của mình cũng như thông tin hữu ích về DN khác trong cùng ngành hoặc cùng mức độ tương đương, đặc biệt trong việc mua bán, sát nhập... thì việc cung cấp các thông tin cơ bản có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn.        

Tài liệu tham khảo:

1. Hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS, IFRS);

2. Bộ Tài chính (2009), 26 Chuẩn mực kế toán Việt Nam và toàn bộ thông tư hướng dẫn các chuẩn mực, NXB Thống kê;

3. Practical Implementation Guide and Workbook. Abbas Ali Mirza et al. John Wiley &Sons, Inc, 2009;

4. Các website: http://www.ifrs.org/IFRSs/IFRS, http://www.tapchiketoan.com.