Rào cản đối với sự phát triển của kế toán quản trị môi trường ở Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2, số tháng 3/2017

Môi trường và bảo vệ môi trường đang trở thành một vấn đề bức thiết mang tính toàn cầu. Các yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày càng chặt chẽ và trở thành rào cản thương mại buộc các doanh nghiệp phải có cách nhìn nhận thực sự về vấn đề này khi tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc tiếp cận với kế toán quản trị môi trường sẽ giúp các doanh nghiệp giải quyết vấn đề này bằng cách xác định rõ chi phí môi trường trong quản lý và sản xuất, từ đó, giúp đánh giá được đầy đủ các chi phí môi trường nhằm cân đối thu, chi và phân bổ vào từng sản phẩm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tổng quan về kế toán quản trị môi trường

Cho đến nay, trên thế giới vẫn chưa có sự thống nhất về phạm vi, thủ tục hoặc các định nghĩa về kế toán quản trị (KTQT) môi trường. Tuy nhiên, theo Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC, 2005): “KTQT môi trường là quản lý hoạt động kinh tế và môi trường thông qua việc triển khai và thực hiện hệ thống kế toán và hoạt động thực tiễn phù hợp có liên quan đến vấn đề môi trường”; Còn theo Ủy ban Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (UNDSD, 2001): “KTQT môi trường là việc nhận dạng, thu thập, phân tích và sử dụng hai loại thông tin cho việc ra quyết định nội bộ: Thông tin vật chất về việc sử dụng, luân chuyển và thải bỏ năng lượng, nước và nguyên vật liệu (bao gồm chất thải) và thông tin tiền tệ về các chi phí, lợi nhuận và tiết kiệm liên quan đến môi trường”.

Từ những khái niệm trên cho thấy, kế toán quản lý môi trường (EMA) được xem xét dưới hai khía cạnh sau: Công tác kế toán và công tác quản lý môi trường. Việc sử dụng hệ thống EMA giúp các nhà quản lý trong việc xác định chi phí môi trường trong hệ thống kế toán hiện hành.

Các nghiên cứu trước cũng cho thấy, việc áp dụng EMA có thể sẽ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN) như: Tiết kiệm chi phí; Giảm rủi ro môi trường và xã hội; Cải thiện hiệu suất chất lượng và tăng cường lợi thế cạnh tranh.

Thực trạng kế toán quản trị môi trường ở Việt Nam

Ở Việt Nam và các nước đang phát triển chưa có nhiều DN quan tâm đến EMA, do đó nhận thức về vai trò quan trọng của EMA cũng chưa được đầy đủ. Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ năm 2014, nhưng đến nay hành lang pháp lý vẫn chưa hoàn thiện chế độ kế toán có liên quan đến việc tổ chức kế toán môi trường trong DN. Chế độ hiện hành cũng chưa có các văn bản hướng dẫn DN trong việc bóc tách và theo dõi được chi phí môi trường trong chi phí sản xuất kinh doanh; Hoặc chưa có các tài khoản cần thiết để hạch toán các khoản chi phí môi trường cũng như doanh thu hay thu nhập môi trường.

Thực tế cho thấy, yếu tố chi phí môi trường và thu nhập do môi trường mang lại không nằm trong một tài khoản cụ thể nào của kế toán. Rất nhiều chi phí liên quan đến môi trường đang phản ánh chung trong các tài khoản chi phí khác nhau (TK 621 – Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp; TK 622 – Chi phí nhân công trực tiếp; TK 627 – Chi phí sản xuất chung; TK 642 – Chi phí quản lý DN…) và các nhà quản lý kinh tế khó có thể phát hiện cũng như thấy được quy mô, tính chất của chi phí môi trường nói chung và từng khoản chi phí môi trường nói riêng…

Rào cản của sự phát triển kế toán quản trị môi trường ở Việt Nam

Phát triển EMA ở Việt Nam đang ở giai đoạn đầu, vì vậy, các DN đang phải đối diện với rất nhiều rào cản, khi đưa các vấn đề môi trường vào hệ thống kế toán thực hành. Qua nghiên cứu, có thể nhận diện những rào cản đối với sự phát triển KTQT môi trường ở nước ta như sau:

Thứ nhất, chưa hình thành được một tổ chức học tập. Tổ chức học tập là quá trình nâng cao hiệu suất bằng việc tạo ra, thu thập và chuyển giao kiến thức trong một tổ chức (Senge, 1994; Burton và Obel, 2004). Vì vậy, nếu DN quan tâm đến việc thường xuyên tổ chức đào tạo kiến thức về môi trường cho các nhân viên sẽ góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện công tác hạch toán các khoản chi phí và doanh thu liên quan đến môi trường.

Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển, kế toán viên tham gia mức độ rất thấp trong các hoạt động quản lý môi trường. Sự tham gia của nhân viên kế toán có xu hướng cao hơn ở các khu vực liên quan đến kỹ năng kế toán truyền thống như: Thực hiện báo cáo tài chính, lập kế hoạch ngân sách và thẩm định đầu tư. Vì vậy, các DN cần yêu cầu và tổ chức cho đội ngũ kế toán nghiên cứu các quá trình hoạt động và xử lý chất thải trong DN mình nhằm nâng cao kiến thức về môi trường và lồng ghép các vấn đề môi trường vào thực hành kế toán. Nói cách khác, kế toán viên và các chuyên gia môi trường cần chia sẻ về kỹ năng với nhau trong việc giải quyết các vấn đề môi trường.

Thứ hai, các DN thường tập trung quá mức vào hiệu quả kinh tế, bỏ qua các vấn đề liên quan đến môi trường. Theo truyền thống ở các nước đang phát triển, việc theo đuổi lợi nhuận được coi là tiền đề quan trọng khi điều hành một DN. Các DN có xu hướng tập trung nhiều hơn vào các mục tiêu ngắn hạn hơn là dài hạn. Nhiều nhà quản lý được hỏi đều trả lời rằng, khách hàng của họ tập trung nhiều hơn vào chất lượng và giá cả thấp, khi họ đưa ra quyết định mua hàng hơn là trách nhiệm môi trường của DN. Hơn nữa, lo ngại về chi phí cũng là rào cản quan trọng cho sự phát triển của EMA, đặc biệt đối với các DN vừa và nhỏ - những DN có nguồn lực hạn chế.

Thứ ba, thiếu sự hướng dẫn về KTQT môi trường. Ở các nước phát triển, sức mạnh điều tiết của chính phủ có khả năng buộc các chiến lược của công ty phải thay đổi theo định hướng chiến lược phục vụ cho môi trường và xã hội. Ngược lại, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có ít tác động hơn đến trách nhiệm môi trường của DN do thực thi pháp luật yếu, các quy định không phù hợp, thiếu ý chí chính trị và thiếu sự hợp tác giữa các bên liên quan (Mitchell, 2006).

Những vấn đề trên có thể được coi là rào cản đối với sự phát triển của EMA ở Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam cần nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia phát triển đã thực hiện thành công và có hiệu quả hệ thống EMA. Ví dụ như, Chính phủ Bồ Đào Nha đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của EMA thông qua việc ban hành pháp luật về kế toán và chuẩn mực về việc công nhận, đo lường và công bố hoạt động môi trường.

Nhìn chung, EMA là một công cụ được thiết kế để theo dõi giá trị tiền tệ và phi tiền tệ của các hoạt động môi trường trong các tổ chức. Tuy nhiên, ở Việt Nam, EMA là một khái niệm tương đối mới, do đó thực sự không dễ dàng để tích hợp các vấn đề môi trường vào hệ thống kế toán truyền thống. Có ba nguyên nhân gốc rễ của các rào cản đối với sự phát triển của EMA ở Việt Nam hiện nay, đó là: (i) Thiếu hụt tổ chức học tập; (ii) Tập trung quá mức vào hiệu quả kinh tế; (iii) Thiếu sự hướng dẫn về EMA. Việc hiểu biết sâu sắc hơn về những rào cản này sẽ hỗ trợ các bên liên quan trong việc phát triển thành công kế toán quản trị môi trường và cải thiện chất lượng môi trường ở Việt Nam trong thời gian tới.    

Tài liệu tham khảo:

1. Burton, R. and Obel, B. (2004), Strategic Organizational Diagnosis and Design:The Dynamics of Fit;

2. PGS., TS. Phạm Đức Hiếu, PGS., TS. Nguyễn Thị Kim Thái, Kế toán môi trường trong DN, NXB Giáo dục, 2012;

3. IFAC (2005), Guidance Document: Environmental Management Accounting;

4. METI (2002), Environmental Management Accounting (EMA) Workbook, Ministry of Economy, Trade and Industry, Japan;

5. Min, H. and Galle, W.P. (1997), “Green purchasing strategies: trends and implications”;

6. UNDSD (2001), Environmental Management Accounting: Procedures and Principles.