Trao đổi về quy định mới của dự thảo luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Trong cơ cấu thị trường tài chính, tín dụng giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho nền kinh tế. Do đó, Luật Các tổ chức tín dụng là cơ sở pháp lý quan trọng trong vận hành, quản lý giám sát của Nhà nước. Để tạo sự phát triển năng động, hiệu quả thị trường tài chính, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Dự thảo Luật kế thừa các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12, Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010 để điều chỉnh một số nội dung phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Tổ chức tín dụng
Theo Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12: Tổ chức tín dụng (TCTD) là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. TCTD bao gồm ngân hàng, TCTD phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và Quỹ Tín dụng nhân dân. Hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ liên quan đến nhận tiền gửi; cấp tín dụng; cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản. Theo đó, TCTD là đơn vị thực hiện kinh doanh cả 3 mảng dịch vụ trên hoặc một số các dịch vụ.
Hình thức tổ chức của tổ chức tín dụng
Ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 và trường hợp thực hiện phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt. NHTM nhà nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.
TCTD phi ngân hàng trong nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn. TCTD liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn. Ngân hàng hợp tác xã, Quỹ Tín dụng nhân dân được thành lập, tổ chức dưới hình thức hợp tác xã. Tổ chức tài chính vi mô được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn.
Quyền lợi của khách hàng
TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật và công bố công khai việc tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi tại trụ sở chính và chi nhánh; Tạo thuận lợi cho khách hàng gửi và rút tiền, bảo đảm thanh toán đủ, đúng hạn gốc và lãi của các khoản tiền gửi; Từ chối việc điều tra, phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng... Trường hợp ngừng giao dịch trong thời gian giao dịch chính thức, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải niêm yết tại nơi giao dịch chậm nhất là 24 giờ trước thời điểm ngừng giao dịch. Trường hợp TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ngừng giao dịch từ 5 ngày làm việc trở lên thực hiện theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 28 của Luật này.
Quy định mới của Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) với những quy định mới như giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của cá nhân, người có liên quan, nhằm siết lại tình trạng sở hữu chéo và lạm quyền cấp tín dụng cho một nhóm cổ đông tại ngân hàng. NHNN dự kiến giảm mạnh tỷ lệ cho vay tối đa với một khách hàng và nhóm khách hàng có liên quan ngân hàng; đồng thời, giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của các cổ đông ngân hàng. Tại dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi), NHNN đề xuất nhiều quy định mang tính "siết chặt" hơn về giới hạn cho vay của ngân hàng, cũng như tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông cá nhân hoặc tổ chức tại ngân hàng.
Giới hạn cấp tín dụng
Quy định về giới hạn cấp tín dụng, tại Dự thảo Luật quy định, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 10% vốn tự có của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Quỹ Tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô. So với quy định hiện hành, tỷ lệ này giảm 5 điểm % so với mức 15% đang áp dụng. NHNN cũng quy định tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Quỹ Tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, cũng thấp hơn mức 25% hiện hành.
Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 25% vốn tự có của TCTD phi ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không vượt quá 50% vốn tự có của TCTD phi ngân hàng. Ở quy định hạn chế cấp tín dụng, NHNN đã bổ sung thêm đối tượng mà các ngân hàng không được cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi.
Tỷ lệ sở hữu của cổ đông cá nhân và tổ chức tại ngân hàng
Bên cạnh việc siết tỷ lệ cho vay tối đa với người và tổ chức có liên quan, NHNN cũng siết tỷ lệ sở hữu của cổ đông cá nhân và tổ chức tại ngân hàng. Theo đó, một cổ đông cá nhân sẽ không được sở hữu quá 3% vốn điều lệ ngân hàng, thấp hơn quy định hiện tại là không quá 5%. Một cổ đông là tổ chức sẽ không được sở hữu quá 10% vốn điều lệ ngân hàng (trừ một số trường hợp), cũng thấp hơn mức 15% đang cho phép.
Một số trường hợp được sở hữu quá 10% vốn ngân hàng được NHNN đề xuất là cổ đông sở hữu cổ phần tại TCTD được kiểm soát đặc biệt theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt; sở hữu cổ phần của TCTD tại công ty con, công ty liên kết theo quy định; sở hữu cổ phần Nhà nước tại TCTD cổ phần hóa; sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài quy định.
Xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của nợ xấu
Dự thảo Luật bổ sung nguyên tắc áp dụng pháp luật đối với hoạt động xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu. Nguyên tắc này là luật hóa trên cơ sở quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội.
Việc xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của nợ xấu được áp dụng các quy định bao gồm: Nợ xấu của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nhưng chưa thu hồi được nợ và đang theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán theo quy định của NHNN.
Nợ xấu tổ chức mua, bán xử lý nợ xấu đã mua của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhưng chưa thu hồi được nợ. TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ. Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được mua khoản nợ xấu đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của TCTD, trừ TCTD liên doanh và TCTD 100% vốn nước ngoài, được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường theo hướng dẫn của NHNN. Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân. Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thỏa thuận với TCTD phân chia phần giá trị còn lại (nếu có) của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu sau khi trừ giá mua và các chi phí xử lý.
Tổ chức, quản trị, điều hành của TCTD
Đối với những quy định về tổ chức, quản trị, điều hành của TCTD, Dự thảo Luật Các TCTD kế thừa và có sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản trị, điều hành của TCTD. Cụ thể, dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về những trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ; bổ sung trường hợp NHNN đình chỉ, tạm đình chỉ chức danh Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) đối với người không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện đảm nhiệm chức vụ theo quy định tại Luật, qua đó nâng cao năng lực quản trị, điều hành của TCTD, hạn chế sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng.
Đồng thời, dự thảo Luật bổ sung quy định ngoại trừ trường hợp không được là Kế toán trưởng, Giám đốc chi nhánh, Giám đốc công ty con của TCTD đối với người được cử làm đại diện quản lý phần vốn góp của DN mà Nhà nước nắm từ 50% vốn điều lệ trở lên; người được cử, chỉ định tham gia quản lý, điều hành, kiểm soát TCTD theo yêu cầu nhiệm vụ, sửa đổi quy định phù hợp với pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức... Ngoài ra, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung, làm rõ quy định về cách xác định giá trị các khoản mua, bán tài sản cố định, phương án góp vốn, mua, bán cổ phần, vốn góp của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị.
Những thay đổi của ngân hàng thương mại
Liên quan đến hoạt động của TCTD, dự thảo Luật đề xuất, bổ sung quy định điều chỉnh đối với hoạt động ngân hàng bằng phương tiện điện tử, gồm: Bổ sung nguyên tắc TCTD được thực hiện hoạt động kinh doanh bằng phương tiện điện tử theo quy định của NHNN về các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của TCTD và quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; Bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử tại các quy định về quy định nội bộ, quy định về xét duyệt cấp tín dụng, quy định về lưu trữ hồ sơ tín dụng; Bổ sung quy định giao Chính phủ quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Về hoạt động của NHTM, dự thảo Luật bổ sung thư tín dụng vào hoạt động cấp tín dụng để phản ánh đúng bản chất hoạt động này, đồng thời lược bỏ hoạt động phát hành "kỳ phiếu, tín phiếu" do thực tế quá trình thực hiện không phát sinh. Bổ sung hoạt động "giao đại lý" trong lĩnh vực thanh toán và điều chỉnh kỹ thuật một số quy định để đảm bảo rõ ràng.
Hoạt động của TCTD là hợp tác xã, tổ chức tài chính vi mô
Dự thảo Luật bổ sung quy định về hoạt động làm đại lý cung ứng dịch vụ thanh toán cho khách hàng của Quỹ Tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của ngân hàng hợp tác xã để nâng cao vai trò của ngân hàng hợp tác xã đối với hệ thống các Quỹ Tín dụng nhân dân, điều chỉnh kỹ thuật một số quy định để đảm bảo rõ ràng.
Dự phòng rủi ro
TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải dự phòng rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Khoản dự phòng rủi ro này được hạch toán vào chi phí hoạt động theo hai phương án: Phương án 1 là việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động do NHNN phối hợp với Bộ Tài chính quy định.
Phương án 2 là việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động do NHNN quy định. Trường hợp đặc biệt, để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đối ngoại, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với từng trường hợp cụ thể.
Thủ tướng Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự đề nghị quyết định việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng, để xử lý rủi ro trong hoạt động theo quy định tại khoản này. Trong trường hợp TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thu hồi được vốn đã xử lý bằng khoản dự phòng rủi ro, số tiền thu hồi này được coi là doanh thu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài...
Tài liệu tham khảo:
Quốc hội (2010), Luật Các tổ chức tín dụng, số 47/2010/QH12;
Ngân hàng Nhà nước (2023), Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tháng 3/2023;
Ngân hàng Nhà nước (2023), Tọa đàm góp ý dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi);
https://chinhphu.vn; https://mof.gov.vn.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2023