Trên đỉnh lợi nhuận, ngân hàng vẫn phải đối phó với nhiều rủi ro tăng trưởng
Thu ngoài lãi giảm, nợ xấu có nguy cơ tăng, áp lực trích lập dự phòng vẫn ở mức cao, áp lực tỷ giá, trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn... là những vấn đề mà các ngân hàng đang phải đối mặt trong quý cuối năm.
Mặc dù kết quả kinh doanh của nhóm ngành ngân hàng trong những tháng đầu năm có sự vượt trội hơn so với nhiều ngành khác, nhưng các chuyên gia đánh giá tăng trưởng cả năm chỉ đạt ở mức khả quan, không quá tích cực do tăng trưởng tín dụng của nhóm ngân hàng thiên về nhiều yếu tố chưa thực chất, còn tiềm ẩn những rủi ro, thách thức.
Áp lực lãi suất
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất, các chuyên gia dự báo các ngân hàng trong nước cũng buộc phải tăng lãi suất tiền gửi cao hơn trong thời gian tới.
Mặc dù lãi suất huy động tăng, nhưng lãi suất cho vay không thể tăng tương ứng. Lãi suất bị ép cả đầu vào lẫn đầu ra khiến chênh lệch lãi suất cho vay/huy động (NIM) của ngân hàng sẽ bị co hẹp, ảnh hưởng đến lợi nhuận thuần vốn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu thu nhập của các nhà băng.
Ông Nguyễn Mạnh Quân, quyền Tổng giám đốc ABBANK cho biết, Quý 3/2022, hoạt động ngành ngân hàng chịu áp lực, lãi biên (NIM) có xu hướng giảm do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng cũng như khả năng đối mặt với tình trạng nợ xấu gia tăng vào cuối năm 2022.
Bên cạnh đó, lâu nay, nhiều ngân hàng sống khỏe nhờ tín dụng bất động sản và đầu tư, phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc siết chặt dòng tiền đổ vào hai kênh này thời gian tới có thể sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của các ngân hàng.
Các báo cáo tài chính quý II/2022 cho thấy danh sách nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất thuộc về TPBank, Techcombank, MB, VPBank, Sacombank, OCB, HDBank, MSB...
Tuy nhiên trong quý III/2022, báo cáo tài chính cũng như công bố của các ngân hàng cho thấy dấu hiệu dịch chuyển đáng kể từ tín dụng trái phiếu tiếp tục chảy sang lĩnh vực cho vay mua nhà. Báo cáo tài chính được Techcombank công bố cho thấy, trong quý III/2022, cho vay khách hàng của Techcombank đạt mức tăng 12,8%, tương ứng với mức tăng so với cuối quý II là 4,8%.
Đáng chú ý trong bối cảnh NHNN cấp hạn mức tín dụng hạn chế, Techcombank đã tích cực giảm mạnh giá trị nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp từ 76.800 tỉ đồng cuối quý I/2022 xuống còn 49.300 tỷ đồng cuối quý II/2022, tiếp tục giảm xuống còn 43.500 tỉ đồng cuối quý III/2022 để có hạn mức tín dụng cho vay khách hàng. Tính gộp cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp thì tín dụng Techcombank tăng 10,7% so với năm trước.
Sức ép về đáo hạn trái phiếu
Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã đưa ra những đánh giá về ảnh hưởng có thể xảy ra đối với chất lượng tài sản của ngành ngân hàng, khi giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn sẽ tập trung trong năm 2023 và 2024.
Theo thống kê của NHNN, quy mô tín dụng vào ngành bất động sản (gồm cho vay và TPDN) hiện nay cao hơn đáng kể so với trước đây. Số dư tính đến 30/6/2022 là 2,37 triệu tỷ đồng, tương đương 20,7% tổng tín dụng toàn nền kinh tế, so với mức 16,5% vào năm 2017.
Trong bối cảnh này, VDSC nhận thấy xác suất nợ xấu gia tăng đang cao hơn, tạo áp lực lên chi phí tín dụng trong các quý tiếp theo. “Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý II, một số ngân hàng có mức phân bổ cao (trên 10%) tín dụng vào cho vay bất động sản và TPDN như TPBank, Techcombank, MB, VPBank, SeABank, HDBank, MSB... Nhóm này sẽ chịu rủi ro cao hơn các ngân hàng khác, nhưng mức độ rủi ro là khác nhau tùy vào mức độ tiếp xúc tín dụng (cho vay và đầu tư TPDN) với ngành bất động sản, và sức khỏe tài chính của các đối tác bất động sản liên quan'', VDSC nhận định.
Báo cáo tài chính quý III/2022 của các ngân hàng vừa công bố cho thấy, khối lượng trái phiếu mà các nhà băng lớn đang nắm giữ vẫn rất lớn. Theo đó, Techcombank đã đưa giá trị trái phiếu nắm giữ từ 49.345 tỷ đồng cuối quý II/2022 về con số 43.501 tỷ đồng, giảm gần 12%. VPBank giảm 11%, còn hơn 33.000 tỷ đồng. TPBank giảm nhẹ 4%, còn hơn 22.300 tỷ đồng.
Mới đây, LienVietPostBank ra thông báo mua lại trước hạn lô trái phiếu hơn 1.814 tỷ đồng có kỳ hạn 7 năm, được ngân hàng phát hành ra công chúng vào ngày 24/11/2020. Nguồn tiền dùng để mua lại sẽ được lấy từ nguồn thu nợ gốc/lãi của các khoản vay được tài trợ vốn từ nguồn vốn phát hành trái phiếu và nguồn vốn huy động khác, nguồn vốn tự tích lũy, lợi nhuận hoạt động kinh doanh và tiềm lực tài chính của tổ chức phát hành.