Triển khai Chiến lược tài chính đến năm 2020: Đã đạt nhiều mục tiêu quan trọng

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Nhiều đề án trong Kế hoạch hành động trung hạn (MTAP) giai đoạn 2015- 2017 của ngành Tài chính, triển khai thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020 đã hoàn thành đúng tiến độ trong năm 2015. Đặc biệt, nhiều chỉ tiêu đã được đảm bảo và vượt mục tiêu đề ra.

Bộ Tài chính cũng đã đàm phán, ký kết 47 hiệp định vay ODA, vay ưu đãi từ các đối tác phát triển với tổng giá trị đạt trên 4,7 tỷ USD.
Bộ Tài chính cũng đã đàm phán, ký kết 47 hiệp định vay ODA, vay ưu đãi từ các đối tác phát triển với tổng giá trị đạt trên 4,7 tỷ USD.

Hoàn thành 36 đề án

Kế hoạch hành động trung hạn giai đoạn 2015- 2017 được Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ban hành (tại Quyết định số 704/QĐ-BTC ngày 17/4/2015), cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2020 với 45 đề án, triển khai trong 3 năm và được chia thành 8 nhóm giải pháp. Trong đó, 42 đề án có hoạt động được triển khai trong năm 2015 và 36 đề án đã hoàn thành đảm bảo đúng tiến độ, 1 đề án phải điều chỉnh tiến độ, 1 đề án bổ sung mới...

Cụ thể, trong năm có nhiều đề án mới được thông qua như: Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN); Luật Phí và lệ phí; Luật Kế toán; Sửa đổi các quy định đối với các khoản thu từ khai thác tài nguyên… Đồng thời, trong năm qua cũng có nhiều đề án đang được triển khai thực hiện như: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật về thuế; Đề án xây dựng chính sách động viên từ đất đai; Thí điểm chuyển một số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thành công ty cổ phần; Đề án nâng cao vị thế độc lập của cơ quan quản lý thị trường chứng khoán; Đề án kế hoạch hành động cập nhật của ngành Tài chính (3 - 5 năm) để thực hiện các cam kết quốc tế;

Ngoài ra, bên cạnh các đề án đang trình Quốc hội, Chính phủ thì có một đề án được bổ sung mới là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Gía trị gia tăng, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế. Ngược lại, do phụ thuộc vào tiến độ ban hành của Luật NSNN nên đề án cải cách quản lý ngân quỹ nhà nước tiếp tục phải lùi tiến độ.

Góp phần hoàn thành nhiệm vụ tài chính – ngân sách

Theo Tiến sỹ Nguyễn Viết Lợi - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, bằng việc bám sát các định hướng đề ra cũng như lộ trình thực hiện đã được xác định từ MTAP giai đoạn 2014- 2016 và MTAP giai đoạn 2015- 2017, việc hoàn thành và đảm bảo các tiến độ các đề án trong năm 2015 đã góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tài chính – ngân sách của toàn ngành Tài chính. Cụ thể là:

Thứ nhất, về huy động nguồn lực tài chính quốc gia (nhóm giải pháp số 1) Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt công tác thu NSNN thông qua điều chỉnh chính sách thu thuế, tăng thu nội địa, thực hiện quyết liệt việc thu hồi nợ đọng thuế để hoàn thành thu ngân sách trung ương (NSTW) đến mức cao nhất mà đã không phải sử dụng đến khoản thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp để hỗ trợ cân đối NSTW như đã báo cáo Quốc hội. Trong năm 2015, tổng huy động trái phiếu chính phủ đạt trên 202 nghìn tỷ đồng, đạt 81% kế hoạch. Bộ Tài chính cũng đã đàm phán, ký kết 47 hiệp định vay ODA, vay ưu đãi từ các đối tác phát triển với tổng giá trị đạt trên 4,7 tỷ USD, góp phần tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Thứ hai, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan (nhóm giải pháp 8) đã tiến một bước rất quan trọng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ ba, quản lý có hiệu quả, đảm bảo an toàn nợ quốc gia (Nhóm giải pháp 7). Tính đến cuối năm 2015, các chỉ tiêu nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép, theo nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, trong bối cảnh nợ công đang có xu hướng tăng, nhiệm vụ cơ cấu lại nợ công đã và đang được tiến hành và sẽ tiếp tục kéo dài nhằm đảm bảo bền vững nợ quốc gia.

Thứ tư, tái cơ cấu trong lĩnh vực tài chính – NSNN được thực hiện đồng bộ và đạt các kết quả quan trọng (nhóm giải pháp 4 và 5). Trong đó, thể chế chính sách đối với tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các thị trường tài chính (thị trường chứng khoán và kinh doanh bảo hiểm) tiếp tục được rà soát và hoàn thiện nhằm khắc phục những bất cập trong triển khai thực hiện và đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới.

Thứ năm, công tác hợp tác và chủ động hội nhập quốc tế về tài chính (nhóm giải pháp số 6) được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bộ Tài chính đã tích cực triển khai thực thi cam kết cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường dịch vụ, đặc biệt là các cam kết trong WTO và 10 hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đảm bảo tính tuân thủ, đúng lộ trình và có trách nhiệm. Đồng thời, đã chủ động xây dựng phương án và kết thúc đàm phán đối với những nội dung thuộc lĩnh vực tài chính trong Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Việt Nam - EU...

Ở cả 8 nhóm giải pháp, Bộ Tài chính luôn tích cực xây dựng, trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều văn bản quy phạm pháp luật cũng như trực tiếp ban hành các thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện và làm tốt công tác chỉ đạo, điều hành, nhằm đảm bảo thể chế kinh tế thị trường trong lĩnh vực tài chính được thực hiện đồng bộ và toàn diện, đảm bảo tuân thủ đầy đủ hơn các quy luật của thị trường và yêu cầu của hội nhập quốc tế sâu rộng; góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư trong và ngoài nước và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.