Triển khai đồng bộ 5 nhiệm vụ chính trong lĩnh vực thuế, hải quan
Theo báo cáo tổng hợp về công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, chống nợ đọng của ngành Thuế, ngành Hải quan, số tiền tăng thu vào ngân sách nhà nước (NSNN) qua hoạt động này lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Cơ quan thuế, hải quan đã tích cực, chủ động quản lý và thu hồi nợ đọng thuế, đồng thời đẩy mạnh kiểm tra giám sát chuyên ngành.
Chú trọng thanh, kiểm tra
Đối với ngành Thuế, 5 tháng đầu năm 2016, cơ quan thuế các cấp đã thanh tra, kiểm tra được 21.986 doanh nghiệp (DN), qua đó, tăng thu hơn 4.266 tỷ đồng.
Trên cơ sở kế hoạch đã xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2016, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định, quy trình quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế; tăng cường phối hợp giữa các bộ phận chức năng để tiến hành đối chiếu, rà soát các khoản nợ thuế, điều chỉnh kịp thời các khoản nợ ảo do nhầm lẫn trong khâu hạch toán, do sai sót chứng từ... Đặc biệt, cơ quan thuế đã thực hiện công khai thông tin người nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Với việc tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý nợ nêu trên, tính đến 30/4/2016, ngành Thuế đã đôn đốc, thu hồi được 14.250 tỷ đồng tiền thuế nợ của năm 2015 chuyển sang.
Bên cạnh đó, trong công tác quản lý kê khai, nắm bắt nguồn thu, kiểm soát quỹ hoàn thuế GTGT, cơ quan thuế cũng thực hiện quản lý, điều hành Quỹ Hoàn thuế GTGT chặt chẽ và linh hoạt, góp phần quan trọng giúp Bộ Tài chính, Chính phủ chủ động trong việc điều hành ngân quỹ, từ đó có điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được chủ động, kịp thời hơn. Tính đến ngày 14/6/2016, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện chi 53.044 tỷ đồng tiền hoàn thuế.
Đối với ngành Hải quan, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến trung tuần tháng 6, đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 1.754 cuộc, trong đó 24,4% số cuộc kiểm tra tại trụ sở DN, 75,6% kiểm tra tại trụ sở cơ quan hải quan; thực thu vào NSNN 689,81 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay cơ quan hải quan luôn chú trọng công tác kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh. Ngành Hải quan đã lắp đặt 11 hệ thống máy soi container, 72 hệ thống máy soi hành lý, 4 máy soi kiểm thể, 33 hệ thống cân điện tử, 12 hệ thống camera giám sát. Hệ thống thiết bị giám sát đã thực hiện 12.906 tờ khai được chỉ định soi chiếu, 15.327 container được phân luồng kiểm tra qua máy soi, 12.647 container thực tế được soi chiếu bằng máy soi, 1.584 container được kiểm tra thực tế thủ công, đã phát hiện 35 trường hợp vi phạm.
Việc khai trương địa điểm kiểm tra chuyên ngành (KTCN) tập chung tại cửa khẩu đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Đơn cử: tại Cục Hải quan TP Hải Phòng, thời gian đăng ký KTCN trung bình từ 48 giờ rút ngắn còn 2 giờ. Thời gian ra thông báo chất lượng trung bình từ 7 - 10 ngày giảm còn khoảng 5 - 6 ngày. Hàng kiểm dịch thực vật là khoảng 10 giờ làm việc, hàng kiểm dịch thú y là 2 - 3 ngày kể từ ngày lấy mẫu.
Triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế, hải quan
Để đảm bảo hoàn thành dự toán pháp lệnh và tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan xác định 5 nhiệm vụ chính cần tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm, gồm:
Triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế, hải quan, trong đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại và đẩy mạnh công tác quản lý nợ đọng thuế; hoàn thành chỉ tiêu thu nợ và chỉ tiêu thanh tra, kiểm tra, phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu NSNN năm 2016, nhất là phải vượt dự toán thu ngân sách trung ương.
Tăng cường hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Triển khai các nhiệm vụ phục vụ việc xây dựng dự toán thu nội địa năm 2017 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 21/CT-TTg. Công tác lập dự toán thu nội địa năm 2016 phải đảm bảo tích cực, vững chắc, sát với thực tế phát sinh, đảm bảo dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) tăng bình quân tối thiểu 13 - 15% so với đánh giá ước thực hiện năm 2016 (loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách). Dự toán thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu phấn đấu tăng bình quân 5 - 7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2016. Mức tăng thu cụ thể tuỳ thuộc vào điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương.
Trên cơ sở kết quả đánh giá giữa kỳ, đẩy mạnh tiến trình cải cách hiện đại hoá công tác thuế, hải quan theo đúng lộ trình đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt, chú trọng đẩy mạnh cải cách TTHC thuế tạo thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương nội ngành, đổi mới phương pháp làm việc, chấn chỉnh, năng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ; tiếp tục thực hiện tốt chương trình phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.