Triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến tại KBNN Thừa Thiên - Huế

Minh Hà

Công khai, minh bạch thủ tục hành chính; giảm thời gian, chi phí đi lại hoạt động của các đơn vị sử dụng ngân sách; an toàn trong giao dịch với khách hàng… là những lợi ích mà dịch vụ công trực tuyến mang lại cho các đơn vị sử dụng ngân sách khi thực hiện giao dịch tại các đơn vị Kho bạc Nhà nước Thừa Thiên - Huế.

Khách hàng giao dịch trên máy POS tại KBNN Hương Thủy (KBNN Thừa Thiên – Huế).
Khách hàng giao dịch trên máy POS tại KBNN Hương Thủy (KBNN Thừa Thiên – Huế).

Để cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN), ngày 15/01/2018, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành Công văn số 321/UBND-TC chỉ đạo các ngành, các đơn vị tham gia dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) qua hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN).

Cùng với đó, KBNN Thừa Thiên – Huế đã có Văn bản số 17/KBTTHKSC ngày 09/01/2018 và Văn bản số 162/KBTTH-KSC ngày 03/04/2018 thông báo đến các đơn vị đăng ký thực hiện DVCTT qua hệ thống KBNN Thừa Thiên - Huế. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền đến các đơn vị sử dụng ngân sách về kế hoạch triển khai và lợi ích của việc tham gia DVCTT qua KBNN...

Đối với các đơn vị sử dụng ngân sách, các đơn vị thực hiện gửi hồ sơ và nhận kết quả với kho bạc ngay tại đơn vị. Các DVCTT được  KBNN Thừa Thiên - Huế cung cấp gồm: Mở tài khoản giao dịch trực tuyến; giao nhận hồ sơ, chứng từ yêu cầu thanh toán trực tuyến; đăng ký nhận tiền mặt trực tuyến; chuyển trả chứng từ điện tử báo nợ để khách hàng nắm bắt thông tin và lưu chứng từ theo quy định.

Khi giao dịch với KBNN Thừa Thiên - Huế, các đơn vị có thể thực hiện kê khai và tải hồ sơ pháp lý, hồ sơ đăng ký mở và sử dụng tài khoản định dạng PDF và lập chứng từ thanh toán, bảng kê thanh toán, đăng ký rút tiền mặt theo mẫu trên dịch vụ công, ký số gửi KBNN mà không phải đến KBNN để gửi hồ sơ…

Theo KBNN Thừa Thiên - Huế, lợi ích của DVCTT là tạo sự công khai, minh bạch hóa thủ tục hành chính, hướng tới tăng mức độ hài lòng, giảm thời gian, chi phí đi lại và giảm chi phí hoạt động của các đơn vị sử dụng ngân sách; đảm bảo an toàn, thông tin được bảo mật, chống được việc giả mạo chữ ký, con dấu của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Thống kê cho thấy, kể từ thờiđiển thí điểm triển khai đến nay, có 237 đơn vị tham gia DVCTT với 8.224 chứng từ được giao dịch dịch. Đặc biệt, hệ thống DVCTT của KBNN Thừa Thiên – Huế luôn hoạt động thông suốt, bảo đảm an toàn, chính xác truyền vào Hệ thống Thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc nhanh chóng; trả kết quả cho đơn vị sử dụng ngân sách theo đúng quy định; từng dịch vụ được quy định chi tiết, cụ thể, dễ dàng, thuận tiện cho các đơn vị tham gia.