Triển khai quyết liệt các biện pháp đảm bảo an toàn nợ công
Trước bối cảnh thu ngân sách nhà nước (NSNN) đối mặt với không ít thách thức, áp lực nợ công ngày càng lớn, trong năm 2016, để nợ công không vượt trần cho phép, cần triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn nợ công.
Báo cáo đánh giá bổ sung tình hình thực hiện NSNN năm 2015 của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tại phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, dự toán thu NSNN Quốc hội quyết định là 911,1 nghìn tỷ đồng, nhưng kết quả thực hiện đạt tới 996,87 nghìn tỷ đồng, tăng 85,77 nghìn tỷ đồng, tương đương 9,4% so với dự toán. Đây có thể coi là điểm sáng thu - chi ngân sách năm 2015.
Trong khi đó, dự toán bội chi NSNN năm 2015 Quốc hội quyết định đầu năm là 226.000 tỷ đồng, bằng 5,0% GDP. Sau khi được bổ sung 30.000 tỷ đồng giải ngân vốn ODA vượt thêm theo Nghị quyết Quốc hội, bội chi NSNN điều chỉnh là 256.000 tỷ đồng, bằng 5,71% GDP. Như vậy, bội chi NSNN năm 2015 vẫn nằm trong phạm vi dự toán điều chỉnh.
Đối với nợ công, các giới hạn trần nợ cho phép giai đoạn 2011-2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Nghị quyết số 10/2011/QH13 ngày 08/11/2011 về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015 gồm: nợ công không quá 65% GDP; nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50%GDP; và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 25% thu NSNN hàng năm.
Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính),tính đến ngày 31/12/2015, nợ công ở mức 62,2% GDP, nợ Chính phủ ở mức 50,3% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 43,1%GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ ở mức 16,1% tổng thu NSNN. Như vậy, chỉ tiêu nợ Chính phủ vượt giới hạn cho phép là 0,3% GDP.
Trong bối cảnh đó, ngành Tài chính triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2016 trong điều kiện kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn; giá dầu thô tiếp tục giảm sâu, dự báo tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế và cân đối thu, chi NSNN. Hơn nữa, bội chi NSNN vẫn cao, nợ công gần sát trần giới hạn, chu kỳ trả nợ ngày càng lớn,... sẽ tạo ra áp lực, thử thách cho công tác thu ngân sách.
Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế 2016, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cũng cho rằng, năm 2016, dự báo thu NSNN có thể đạt dự toán do kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, sản xuất kinh doanh cải thiện, xuất khẩu tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, thu NSNN cũng đối diện với một số khó khăn như: Giá dầu thế giới năm 2016 có rủi ro tiếp tục giảm xuống dưới 40 USD/thùng; Tiếp tục thực hiện cắt giảm thuế xuất theo cam kết quốc tế và giảm thuế TNDN theo lộ trình. Trong khi đó, chi NSNN vẫn phải duy trì để đảm bảo chi đầu tư phát triển và đảm bảo an ninh xã hội.
Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia dự báo năm 2016, quy mô nợ công và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN dự báo tiếp tục tăng so với năm 2015 do: Phát hành trái phiếu quốc tế (3 tỷ USD) để tái cơ cấu nợ trong nước đến hạn; Tăng giải ngân ODA để đảm bảo tổng vốn đầu tư toàn xã hội (31% GDP) cho tăng trưởng.
Trong bối cảnh đó, để nợ công không vượt trần cho phép, theo Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, cần phải triển khai quyết liệt các biện pháp để đảm bảo an toàn nợ công, cụ thể:
Thứ nhất, về tăng cường tính hiệu quả của việc sử dụng vốn vay các nguồn vốn từ các khoản nợ công, theo quy định của Luật NSNN và Luật Quản lý nợ công, toàn bộ vốn vay công được sử dụng trực tiếp cho các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
Thời gian qua, các dự án trong nhiều lĩnh vực giao thông, cầu cảng, nông thôn, giảm nghèo, giáo dục, y tế... đã triển khai đưa vào sử dụng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng đời sống người dân cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, việc phân bổ và sử dụng vốn và sử dụng trong thời gian qua còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Tình trạng mở rộng diện, quy mô, điều chỉnh tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu dẫn khá phổ biến, dẫn đến tăng mức vay công. Vì vậy, để nâng cao tính hiệu quả sử dụng vốn đòi hỏi các cấp, các ngành, các chủ dự án đều phải tăng cường trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ hơn…
Để tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, ngày 14/02/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg. Trong đó, đưa ra nhiều giải pháp như: rà soát xây dựng chính sách; quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh Chính phủ; tăng cường kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn vay... Thực hiện Chỉ thị này, trong năm 2015, Bộ Tài chính cùng các Bộ, ngành đã triển khai nhiều biện pháp như: thắt chặt điều kiện vay về cho vay lại; xây dựng cơ chế cho vay lại chính quyền địa phương, cho vay lại qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng; Siết chặt phạm vi, đối tượng và điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, tăng trách nhiệm của người vay, người được bảo lãnh Chính phủ... Công tác này sẽ phải tiếp tục và quyết liệt thực hiện hơn nữa trong các năm tới.
Thứ hai, về khả năng trả nợ của chủ thể đi vay và khả năng đáp ứng từ thị trường.
Giai đoạn 2011-2015, chúng ta đã tập trung tăng huy động vốn vay rất lớn từ việc phát hành TPCP trong nước cho đầu tư phát triển. Huy động vốn vay của Chính phủ năm 2015 đã tăng gấp đối với năm 2011. Trong đó huy động thông qua phát hành TPCP trong nước năm 2015 tăng gần 3,5 lần. Đây là nguyên nhân dẫn đến nợ Chính phủ, nợ công tăng nhanh trong giai đoạn vừa qua.
Thực trạng này cũng dẫn đến những khó khăn như: Mức bố trí trả nợ so với tổng thu NSNN đã tăng từ mức khoảng 13% đầu giai đoạn lên hơn 16%, phát sinh nhu cầu vay mới để thanh toán một phần nợ gốc đến hạn; Trong khi thị trường vốn trong nước chưa thực sự phát triển, trước áp lực huy động vốn lớn đã dẫn đến phải huy động vốn ngắn hạn (03 năm) trong những năm 2011-2013 và tạo áp lực trả nợ vào các năm 2015-2017.
Thứ ba, về các giải pháp đảm bảo an toàn nợ công, giữ các chỉ tiêu nợ trong giới hạn trần cho phép.
Vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay cũng như 5 năm tới, trong bối cảnh NSNN còn nhiều khó khăn và diễn biến kinh tế thế giới, trong nước còn nhiều biến động khó lường. Để các chỉ tiêu nợ không vượt trần, đảm bảo tính hiệu quả của việc sử dụng các nguồn vốn từ các khoản nợ công; khả năng trả nợ của chủ thể đi vay và khả năng đáp ứng nguồn vốn vay từ phía thị trường cho an toàn nợ công thì cần thực hiện các giải pháp sau:
Đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia phải được đặt lên hàng đầu.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn cần được xây dựng trong khả năng cân đối và đảm bảo tính bền vững của chính sách tài khóa. Không thực hiện đầu tư vượt quá khả năng bố trí của NSNN. Thu hẹp đầu tư của Nhà nước theo hướng tập trung vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, có tác dụng lan tỏa rộng. Thực hiện kiểm soát chặt chẽ danh mục đầu tư công, siết chặt phạm vi, đối tượng và điều kiện cấp bảo lãnh của Chính phủ.
Kiên quyết cắt giảm bội chi NSNN theo lộ trình đã được Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra. Ưu tiên bố trí nguồn NSNN để trả nợ đến hạn. Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu huy động vốn trung - dài cho đầu tư phát triển nền kinh tế.