TP. Hồ Chí Minh:
Triển khai quyết liệt chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
TP. Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tốt nhờ doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Những tháng cuối năm, thành phố triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn nữa chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư; đồng hành cùng doanh nghiệp; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Những chuyển biến tích cực
Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân cho biết, TP rất khát “vốn”, luôn mong muốn được trung ương tăng vốn đầu tư công. Tuy nhiên, TP. Hồ Chí Minh cần phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án mang tính an sinh xã hội; ưu tiên cho các dự án chống ngập, y tế và giáo dục. Sử dụng vốn tốt thì mới có thể xin đầu tư thêm.
Trong phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh mới đây, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, trong tháng 8, các lĩnh vực kinh tế thành phố có mức tăng trưởng khá.
Sản xuất công nghiệp phục hồi thu hút lao động gia tăng đáng kể. Doanh nghiệp tận dụng tốt thời cơ, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường. Khách du lịch đang trở lại nhờ chính sách kích cầu đã giúp hoạt động dịch vụ, thương mại trở nên sôi động.
So với cùng kỳ năm 2021, thành phố đã ghi nhận các kết quả đáng chú ý : chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 104%; tổng doanh thu du lịch tăng hơn 2,5%; tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt khoảng 98.840 tỷ đồng, tăng 149,8%; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31,75 tỷ USD, tăng 9,02%; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 43,2 tỷ USD, tăng 7,51%.… Đặc biệt, tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) ước thực hiện hơn 311.900 tỷ đồng, đạt 80,69% dự toán năm, tăng hơn 21%.
Theo Cục trưởng Cục Thống kê TP Nguyễn Khắc Hoàng, điểm sáng trong 8 tháng của kinh tế thành phố là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao nhất trong 5 năm trở lại đây và số doanh nghiệp trong nước thành lập mới cũng tăng tích cực.
Cụ thể, thành phố đã thu hút được khoảng 2,71 tỷ USD vốn FDI, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó có 479 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới với tổng số vốn đăng ký là 309,4 triệu USD (tăng 24,1%) và 96 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm là 1,47 tỷ USD (tăng 127,3%). Đối với doanh nghiệp trong nước, thành phố ghi nhận có 29.224 doanh nghiệp được cấp phép thành lập với số vốn đăng ký là 346.887 tỷ đồng (tăng 33,41% về số lượng và giảm 5,42% về vốn đăng ký so với cùng kỳ).
Để có được kết quả tích cực trên, lãnh đạo thành phố đã quyết tâm triển khai có hiệu quả Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025, trong đó thực hiện tốt nội dung năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp.”
Tăng tốc để về đích
Cùng với những điểm sáng kinh tế - xã hội, TP. Hồ Chí Minh vẫn còn những mặt tồn tại đang từng bước được tháo gỡ. Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, tuy số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng quy mô các dự án đầu tư và quy mô vốn của doanh nghiệp giảm hơn so với những năm trước. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và giải thể bằng 50% số doanh nghiệp thành lập mới.
Các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn do lạm phát ở các nước tăng cao, ảnh hưởng đến giá nguyên liệu đầu vào trong nước. Sản xuất công nghiệp vẫn trên đà hồi phục chậm, các khu công nghiệp, công nghệ cao giảm cả về giá trị sản xuất lẫn giá trị xuất khẩu. Đáng chú ý, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất thấp. Số liệu sơ bộ cho thấy, đến ngày 26/8, tổng số vốn đã giải ngân là hơn 9.035 tỷ đồng, tăng so với thời điểm cuối tháng 7 là hơn 560 tỷ đồng nhưng chỉ đạt 23,8% tổng kế hoạch vốn giao (khoảng 37.996 tỷ đồng).
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhận định, thành phố sẽ hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, khả năng sẽ vượt chỉ tiêu tăng trưởng (GRDP) từ 6% - 6,5%. Tuy nhiên, để tăng tốc về đích cuối năm đạt các mục tiêu tăng trưởng, thành phố cần triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn nữa chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư; đồng hành cùng doanh nghiệp; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh; tập trung phát triển thương mại – dịch vụ, chú ý bình ổn giá và kích cầu phát triển du lịch. Các sở, ngành cần tập trung giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh các công trình trọng điểm, trong đó có 29 dự án giao thông.
Dự án cần tập trung trong tháng 9 là dự án đường vành đai 3, cần giao ranh để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ hồ sơ dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư.