Triển khai thẻ tín dụng mua hàng trong chi tiêu công
Từ cuối năm 2015 đến nay, thẻ tín dụng mua hàng phục vụ chi tiêu công đã được triển khai thí điểm tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội và Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh và bước đầu có nhiều thuận lợi.
Cùng với sự phát triển của hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam trong những năm qua là sự ra đời của hàng loạt các dịch vụ, phương thức thanh toán hiện đại, nhanh chóng, an toàn và thuận lợi cho người sử dụng, trong đó có phương thức thanh toán bằng thẻ tín dụng mua hàng. Tại các thành phố lớn, thẻ tín dụng mua hàng dành cho các đối tượng cá nhân không phải là mới và đã quen thuộc. Tuy nhiên, loại thẻ tín dụng mua hàng dành cho doanh nghiệp và cho chi tiêu công mới chỉ manh nha trong một vài năm trở lại đây.
Từ năm 2015, thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư số 164/2011/ TT-BTC ngày 17/11/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN), KBNN đã triển khai thí điểm thẻ tín dụng mua hàng phục vụ chi tiêu công tại KBNN Hà Nội và KBNN TP. Hồ Chí Minh.
Theo đó, quy trình thanh toán đối với thẻ tín dụng mua hàng phục vụ chi tiêu công được thực hiện như sau:
Bước 1: Đơn vị giao dịch làm thủ tục ký hợp đồng với một ngân hàng thương mại để được cung cấp và sử dụng một thẻ “tín dụng mua hàng”.
Bước 2: Cán bộ của đơn vị giao dịch đến các điểm chấp nhận thẻ để mua sắm hàng hóa, dịch vụ.
Bước 3: Khi đến thời hạn thanh toán của thẻ “tín dụng mua hàng”, căn cứ vào sao kê tài khoản thẻ “tín dụng mua hàng” do ngân hàng thương mại gửi tới, đơn vị giao dịch đối chiếu với các hóa đơn mua hàng được lưu tại đơn vị (hóa đơn được in tại các điểm chấp nhận thẻ - POS khi mua hàng hóa, dịch vụ), nếu khớp đúng thì lập 2 liên bảng kê chứng từ thanh toán kèm theo giấy rút dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) gửi tới KBNN để làm thủ tục kiểm soát chi NSNN theo quy định của Bộ Tài chính.
Đơn vị giao dịch không phải gửi các hóa đơn mua hàng được in tại các điểm POS đến KBNN; đồng thời, phải tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung các khoản chi ghi trên bảng kê chứng từ thanh toán gửi KBNN.
Bước 4: Căn cứ hồ sơ, chứng từ đề nghị thanh toán của đơn vị giao dịch (bảng kê chứng từ thanh toán, giấy rút dự toán NSNN), KBNN kiểm tra, kiểm soát, nếu đảm bảo đủ điều kiện chi NSNN theo chế độ quy định, thì làm thủ tục thanh toán qua ngân hàng để chuyển tiền vào tài khoản thẻ tín dụng mua hàng của đơn vị giao dịch để thanh toán hàng hóa, dịch vụ mà đơn vị giao dịch đã mua sắm.
Với 4 bước thực hiện như trên, việc thanh toán bằng thẻ tín dụng mua hàng đối với các đơn vị chi tiêu tương đối đơn giản và nhanh gọn.
Đối với cá nhân, thẻ tín dụng mua hàng mang lại rất nhiều lợi ích như thuận tiện, nhanh gọn, an toàn (do không phải giữ tiền mặt)... Trong chi tiêu công, bên cạnh các lợi ích tương tự như thẻ tín dụng mua hàng dành cho cá nhân, việc áp dụng thẻ tín dụng mua hàng phục vụ chi tiêu công cũng mang lại các lợi ích như sau:
Góp phần thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ
Trong một nền kinh tế hiện đại, các phương thức thanh toán điện tử là một phần không thể thiếu. Không những rút ngắn được thời gian giao dịch, tiết kiệm chi phí quản lý cho cả doanh nghiệp và nhà nước mà các phương thức thanh toán điện tử còn đóng góp quan trọng trong việc làm minh bạch hóa nền tài chính quốc gia, thúc đẩy lưu thông tiền tệ, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Để đạt được mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2453/QĐTTg ngày 27/12/2011 phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015. Việc triển khai thẻ tín dụng mua hàng phục vụ chi tiêu công cũng góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu chung nói trên.
Giảm căng thẳng đối với ngân sách nhà nước tại các thời điểm ngân sách nhà nước thiếu hụt tạm thời do nguồn thu chưa tập trung kịp
Thẻ tín dụng mua hàng là một hình thức “chi tiêu trước, trả tiền sau”. Chủ thẻ không trả tiền từ tài khoản của mình ngay khi mua hàng, mà ngân hàng sẽ ứng trước tiền cho người bán, chủ tài khoản sẽ thanh toán sau cho ngân hàng đối với khoản chi tiêu này. Chủ thẻ không phải trả lãi đối với khoản “vay tạm thời” này nếu đảm bảo thanh toán đúng hạn.
Từ thời điểm thẻ được sử dụng để thanh toán đến thời hạn thanh toán của thẻ thường kéo dài (tại ngân hàng Vietcombank là tối đa 57 ngày kể từ ngày phát sinh giao dịch). Vì vậy, việc sử dụng thẻ tín dụng mua hàng phục vụ chi tiêu công vừa đảm bảo kịp thời nhu cầu chi của các đơn vị chi tiêu, vừa tạo điều kiện về thời gian để tập trung nguồn thu, đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả của NSNN, đặc biệt tại những thời điểm NSNN căng thẳng.
Giảm thiểu thủ tục trong quá trình thanh toán so với các phương thức thanh toán thông thường khác
Việc thanh toán đối với các khoản chi qua thẻ tín dụng mua được thực hiện theo hình thức bảng kê chứng từ thanh toán. Hằng tháng, để đảm bảo việc thanh toán đúng hạn, các đơn vị chi tiêu không phải lập nhiều chứng từ thanh toán cho từng lần mua sắm mà chỉ phải lập bảng kê chứng từ thanh toán cho cả kỳ sao kê và gửi hồ sơ thanh toán đến KBNN trước thời hạn phải thanh toán cho ngân hàng (05 ngày làm việc đối với các khoản tạm ứng và 07 ngày làm việc đối với các khoản thanh toán, quyết toán).
Về bản chất, việc sử dụng thẻ tín dụng mua hàng trong chi tiêu công cũng tương tự như phương thức thanh toán tạm ứng theo quy định tại Thông tư số 161/2012/ TT-BTC ngày 02/10/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN, song đơn vị không phải làm thủ tục tạm ứng. Như vậy, trình tự, thủ tục được giảm bớt đi nhiều đối với các đơn vị chi tiêu.
Đặc biệt, đối với các đoàn công tác nước ngoài không phải lập thủ tục tạm ứng tiền mặt; đồng thời, việc mua vé máy bay, đặt phòng nghỉ, chi tiêu... tại nước ngoài cũng thuận lợi, nhanh chóng hơn (do thẻ tín dụng mua hàng của các tổ chức quốc tế như VISA, Mastercard, American Express được chấp nhận rộng rãi trên thế giới).
Cán bộ, công chức công tác nước ngoài cũng không phải thực hiện chuyển đổi ngoại tệ do thẻ tín dụng có thể dùng để thanh toán cho mọi đồng tiền của các nước.
Riêng đối với KBNN, việc triển khai thẻ tín dụng mua hàng cũng giảm được khối lượng công việc cho công chức (giảm khâu giao nhận, xử lý chứng từ, tiết kiệm thời gian); thuận lợi hơn trong kiểm soát thanh toán và giảm được phí thanh toán chuyển tiền qua ngân hàng (việc thanh toán thẻ được thực hiện một lần nên sẽ giảm được phí chuyển tiền qua ngân hàng so với việc thanh toán chuyển tiền theo từng lần như trước đây).
Minh bạch các khoản chi tiêu, giảm thiểu các khoản chi không đúng chế độ quy định
Trong thanh toán bằng thẻ tín dụng mua hàng, mọi thông tin liên quan đến khoản chi (tên chủ thẻ, khoản chi, đơn giá, giá tiền, thời gian, địa điểm mua hàng,...) đều được thể hiện trên các hóa đơn in tại các điểm POS khi mua sắm hàng hóa, dịch vụ. Với sự rõ ràng, minh bạch về thông tin như trên, việc quản lý chi tiêu tại các đơn vị chi tiêu được hiệu quả và chặt chẽ hơn.
Từ các lợi ích nói trên, thẻ tín dụng mua hàng phục vụ chi tiêu công đã được triển khai thí điểm tại KBNN Hà Nội và KBNN TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể, tại Hà Nội, thẻ tín dụng mua hàng được triển khai thí điểm tại KBNN Bắc Từ Liêm và Văn phòng KBNN Hà Nội từ tháng 8/2015 với sự phối hợp của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam; tại TP. Hồ Chí Minh, thẻ tín dụng mua hàng được triển khai từ tháng 10/2015 với Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam. Từ khi bắt đầu triển khai đến nay, một số đơn vị chi tiêu đã mở và sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán cho các khoản chi tiêu, mua sắm. Mặc dù vẫn còn tâm lý e ngại trong việc sử dụng thẻ, song việc triển khai bước đầu như trên cũng đã có rất nhiều thuận lợi.
Để đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thẻ tín dụng mua hàng, Bộ Tài chính (KBNN) hiện nay cũng đang xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 164/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN và Thông tư thay thế Thông tư số 161/2012/TTBTC ngày 02/10/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN.
Từ đó, hoàn thiện và đồng bộ cơ sở pháp lý cho việc sử dụng thẻ tín dụng mua hàng phục vụ chi tiêu công. Với việc triển khai phương thức thanh toán này, các đơn vị chi tiêu có thêm nhiều lựa chọn hơn trong việc thanh toán, chi trả; đồng thời, góp phần thực hiện chủ trương chung của Chính phủ trong thanh toán không dùng tiền mặt.