Năm 2017: Dự toán bội chi ngân sách khoảng 3,5% GDP
Sáng 17/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục phiên họp thứ 4 cho ý kiến về nhiều báo cáo quan trọng của Chính phủ. Trong đó, có các báo cáo liên quan đến vấn đề tài chính - ngân sách.
Trình bày báo cáo của Chính phủ tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2016, tổng thu ngân sách nhà nước ước tăng so với dự toán 2,4% (24.500 tỷ đồng). Trong đó, thu nội địa ước tăng 5,6% dự toán, thu từ dầu thô ước chỉ đạt 72,5% dự toán, thu từ xuất, nhập khẩu hụt 2,9% dự toán.
Cũng trong năm 2016, Chính phủ ước thực hiện chi ngân sách Nhà nước cả năm bằng 101,9% dự toán, tăng 24.500 tỷ đồng; số ước bội chi ngân sách Nhà nước là 254.000 tỷ đồng, bằng số Quốc hội quyết định.
Tuy nhiên, việc tăng trưởng GDP thực tế năm 2016 chỉ có thể đạt 6,3-6,5% và thấp hơn mức 6,7% được Quốc hội thông qua được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng sẽ làm giảm số GDP tuyệt đối dự kiến từ 5,1 triệu tỷ đồng xuống khoảng 4,6 triệu tỷ đồng, dẫn đến tăng tỉ lệ bội chi và nợ công so với GDP cao hơn mức đề ra.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định, GDP không đạt kế hoạch sẽ dẫn đến thu ngân sách giai đoạn tới cũng chỉ là dự báo.
Do vậy, Bộ trưởng cho rằng, việc chi đầu tư xây dựng cơ bản phải rất chặt chẽ, nếu không 5 năm tới nợ đọng có thể lớn hơn thời điểm hiện tại và bức tranh kinh tế - tài chính sẽ vô cùng khó khăn. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề xuất cần tiết kiệm tối đa chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất trí cao với giải pháp trên của Chính phủ và cho rằng cần mở rộng thêm việc áp dụng chế độ khoán xe công như Bộ Tài chính đã thực hiện thời gian qua để tăng cường tiết kiệm, giảm áp lực chi tiêu công.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đưa ra dự toán bội chi ngân sách nhà nước năm 2017 là khoảng 3,5% GDP. Mức này bao gồm cả bội chi ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, gồm cả trái phiếu Chính phủ nhưng không bao gồm chi trả nợ gốc, theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, đây là mức bội chi tích cực và cần kiên định thực hiện mức này để bảo đảm các tỉ lệ nợ công trong giới hạn an toàn.
Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, trong trường hợp thu ngân sách không đạt dự toán thì cần giảm chi, không tăng bội chi ngân sách nhà nước. Trường hợp tăng thu ngân sách Nhà nước thì ưu tiên giảm bội chi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Đồng thời, các thành viên Quốc hội lưu ý Chính phủ cần thực hiện nghiêm quy định về dự toán thu, chi, quản lý ngân sách Nhà nước theo Hiến pháp, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015; quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư công theo Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020...