Triển vọng của các công ty nước ngoài tại Việt Nam

Theo Báo Nhân dân.

Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết thúc chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, ông Jean-Noël Poirier, chuyên gia tư vấn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Đông Nam Á, nguyên Đại sứ Pháp tại Việt Nam, đã có những phân tích và đánh giá tích cực về chuyến thăm cũng như triển vọng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.

Ông Jean-Noël Poirier.
Ông Jean-Noël Poirier.

Theo TTXVN, ông Jean-Noël Poirier đánh giá chuyến thăm Pháp vừa qua của Thủ tướng Phạm Minh Chính là sự kiện có ý nghĩa, thu hút nhiều sự quan tâm ở Pháp, đặc biệt là giới doanh nghiệp. Theo ông, chuyến thăm đã đạt được các mục tiêu đề ra và đã thành công tốt đẹp. Hai bên thể hiện mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa các bộ, ngành cũng như giữa các doanh nghiệp. 

Chuyên gia Jean-Noël Poirier nhấn mạnh, các doanh nghiệp hai nước vừa trải qua hai năm khó khăn, do đó họ khó có thể tính đến tầm nhìn dài hạn hay vươn ra nước ngoài. Với chuyến thăm này của Thủ tướng Việt Nam, nhiều công ty Pháp đã bắt đầu cân nhắc khả năng quay trở lại nước ngoài và hướng tới Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Với châu Âu, trong hai năm qua, Việt Nam đã trở thành một nước công nghiệp thật sự.

Khi nhiều nhà máy ở Việt Nam đóng cửa vì đại dịch COVID-19, báo chí châu Âu đã nói nhiều về điều này vì sự ngưng trệ của các nhà máy đã tạo ra nhiều vấn đề trong chuỗi cung ứng và sản xuất. Từ đó, các công ty Pháp nhận thức được rằng, Việt Nam hứa hẹn một tương lai đầy triển vọng và có thể mang lại cho họ nhiều cơ hội hợp tác.

Ông Jean-Noël Poirier nêu rõ, Việt Nam là một quốc gia ổn định, phát triển trong 30 năm qua và sẽ tiếp tục phát triển trong nhiều năm tới. Thêm vào đó, con người Việt Nam chăm chỉ và có trình độ học vấn ngày càng cao. Các doanh nghiệp Pháp có thể tìm được những kỹ sư giỏi, những giám đốc xuất sắc để điều hành các công ty quy mô lớn.

Chứng kiến sự phát triển của Việt Nam trong 10 năm qua, nguyên Đại sứ Pháp tại Việt Nam khẳng định, tình hình tại Việt Nam đang ngày càng được cải thiện, chính trị và xã hội luôn ổn định. Trở ngại duy nhất phải vượt qua là từ góc độ văn hóa. Các công ty Pháp và Việt Nam cần phải nỗ lực để hiểu nhau hơn. Sự khác biệt trong cách kinh doanh và thói quen suy nghĩ có thể vô tình gây ra hiểu lầm giữa hai bên. Để vượt qua sự khác biệt về văn hóa và hiểu nhau hơn, các đối tác Pháp và Việt Nam cần dành thời gian để tìm hiểu nhau nhiều hơn, phải cởi mở và thể hiện thiện chí hợp tác.

Thực tế cho thấy đã có những công ty của Pháp làm ăn rất thành công ở Việt Nam. Ông tin tưởng, trong tương lai sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư Việt Nam đến Pháp và hiện nay một số công ty của Việt Nam rất có triển vọng đầu tư vào Pháp.

Ông Jean-Noël Poirier nêu rõ, Đông Nam Á là khu vực sản xuất công nghiệp rất quan trọng. Ngoài Việt Nam, một đối tác lớn trong khu vực, các nước khác như Indonesia, Singapore, Thái Lan, Malaysia cũng là những quốc gia thu hút lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đó chính là những lý do để Pháp phải quan tâm đến khu vực này.