Triển vọng kinh tế và những vấn đề đặt ra cho DNVN năm 2009–2010

Lan Hương (Theo HNMO)

Đó là chủ đề buổi tọa đàm diễn ra ngày 23/6, tại Hà Nội, do Báo DĐDN và Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức, nhằm đưa ra đưa ra các nhận định, dự báo tình hình và các giải pháp cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế VN

Phát biểu tại tọa đàm, TS. Đặng Xuân Thanh - Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới đã đánh giá rất tổng thể về tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới tới nền kinh tế VN. Theo TS. Thanh, về ngắn và trung hạn: thứ nhất, tăng trưởng kinh tế của VN suy giảm. Xu hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng GDP đã bộc lộ rõ qua 2 tháng đầu năm 2009: sản xuất công nghiệp chỉ tăng 2,5%, trong đó riêng khu vực nhà nước còn giảm – 4,4% so với cùng kỳ 2008.

Thứ hai, thương mại VN giảm sút. Nền kinh tế nước ta có độ mở khá lớn (kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP vượt quá 170%) nên tác động của việc suy giảm tăng trưởng thương mại thế giới có tác động tiêu cực với tăng trưởng kinh tế trong nước. Đặc biệt là việc thu hẹp các “đầu ra” chính cho xuất khẩu hàng hoá của ta là Mỹ, EU, Nhật Bản (thường chiếm tổng cộng trên 50% kim ngạch xuất khẩu) sẽ làm giảm động lực tăng trưởng quan trọng này. Trong khi đó, Trung Quốc, hiện chiếm khoảng 7% kim ngạch xuất khẩu và 20% kim ngạch nhập khẩu của ta, lại đang giảm nhập khẩu nguyên liệu từ VN, đồng thời tăng mạnh áp lực cạnh tranh về giá cả lên các doanh nghiệp của ta.

Thứ ba, đầu tư nước ngoài vào VN sụt giảm. Dòng FDI đang giảm mạnh trên toàn cầu, gây khó khăn cho việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào VN trong thời gian tới. Tính đến 20/2/2009, số dự án FDI giảm 65% còn vốn đăng ký chỉ đạt 1,5 tỷ USD, giảm 69% so với cùng kỳ 2008. Trong khi đó, dòng vốn đầu tư gián tiếp gần như cạn kiệt. Dòng kiều hối dự báo cũng sẽ sụt giảm.


Thứ tư, du lịch và xuất khẩu lao động sa sút. Lượng khách nước ngoài vào VN tháng 1/2009 ước tính đạt 370 ngàn lượt người, giảm 11,9% so với cùng kỳ 2008. Trong khi, nhiều lao động xuất khẩu buộc phải về nước trước thời hạn.

Thứ năm, mất cân đối vĩ mô trầm trọng hơn, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải giãn thợ hay sa thải công nhân góp phần làm giảm việc làm, tăng tỷ lệ thất nghiệp và giảm thu nhập của một bộ phận người lao động. Theo thông tin tháng 2/2009 của Bộ LĐ-TB-XH, ít nhất có 400 ngàn lao động tại các doanh nghiệp đã mất việc làm. Một nghiên cứu cho biết, có khả năng tỷ lệ thất nghiệp năm 2009 sẽ lên đến 6,7%. Thâm hụt ngân sách có thể vượt ngưỡng kỷ lục 8% do các nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô, thuế xuất-nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp… giảm mạnh, (dự báo có thể giảm 50 đến 90 ngàn tỷ đồng trong 2009), trong khi nhu cầu chi ngân sách tăng lên do phải kích cầu và hỗ trợ an sinh xã hội. Cán cân thương mại và cán cân vãng lai có thể chỉ được cải thiện trong ngắn hạn. Chính sách tiền tệ chỉ còn một hành lang hẹp: vừa phải nới lỏng, vừa phải đề phòng lạm phát quay trở lại. Giải pháp hỗ trợ lãi suất 4% có tác dụng tích cực giúp doanh giảm chi phí vốn, lập lại cân bằng trên bảng kế toán, nhưng lại gây mất cân bằng cung cầu trên thị trường ngoại hối.

Theo ông Thanh, về dài hạn, chúng ta thấy những nguy cơ và cơ hội như sau:  Nguy cơ lạm phát cao và khả năng đình lạm trên toàn cầu; Nguy cơ khan hiếm nguồn vốn đầu tư FDI; Nguy cơ thương mại toàn cầu phục hồi chậm và cạnh tranh thương mại gia tăng. Bên cạnh đó, VN cũng có các cơ hội như: công nghệ rẻ, hội nhập quốc tế về tài chính ít rủi ro hơn…

Chính phủ cần có đánh giá kịp thời về các gói kích cầu

Trước bối cảnh tình hình kinh tế VN bị ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế thế giới như trên, ông Bùi Quang Tuấn – Phó Viện trưởng Viện kinh tế VN đã nhận định về gói kích cầu của Chính phủ. Ông Tuấn cho rằng, gói kích cầu thứ nhất đã đạt được hiệu quả cao và hồi sức được rất tốt cho các doanh nghiệp, kịp thời, đúng đối tượng, hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp và một số ngành. Song, cũng theo ông, gói kích cầu thứ hai chưa thể hiện tốt như gói kích cầu thứ nhất, nó mang tính chất trung và dài hạn, mới bắt đầu triển khai vì thế cần có đánh giá cụ thể và có giám sát chặt chẽ.

Ông Tuấn cũng lưu ý một số vấn đề khác nữa là, sức ép lạm phát tăng (chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khóa mở rộng, cộng với sức ép lên cán cân thanh toán và tỉ giá tăng, thâm hụt ngân sách lớn); sức ép phá giá đồng nội tệ gia tăng; dư địa để áp dụng chính sách tiền tệ còn ít; dư địa cho chính sách tài khóa còn nhưng phải đề phòng về lãng phí, thất thoát khi tăng chi tiêu đầu tư công; đề phòng có sự xa rời mục tiêu chất lượng tăng trưởng khi quá lạm dụng chính sách tăng đầu tư công.

Theo đó, ông Tuấn kết luận: sự phục hồi của kinh tế thế giới là chậm, triển vọng của kinh tế VN là còn nhiều khó khăn trước mắt. Các chính sách của Chính phủ trong thời gian gần đây là tương đối trúng và cơ bản là kịp thời, đặc biệt là gói kích cầu thứ nhất và các giải pháp kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên cần phải tính liều lượng của gói kích cầu thứ hai để đảm bảo các cân đối vĩ mô đặc biệt là tránh lạm phát cao trở lại. Đồng thời, Chính phủ nên có các đánh giá kịp thời về gói kích cầu này; nên chú trọng về tính dài hạn và trung hạn của gói kích cầu thứ hai , chú trọng các vấn đề an sinh xã hội, cần có chiến lược thoát khỏi khủng hoảng và khó khăn từ bây giờ để đón đầu cơ hội.

DN cần khơi thông cơ hội, hạn chế tiêu cực để thoát ra khỏi khó khăn

Tham gia buổi tọa đàm, Ts. Phạm Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV (VCCI) đã phát biểu về một số vấn đề của doanh nghiệp VN. TS. Hằng đưa ra những hạn chế của doanh nghiệp như: Thiếu tầm nhìn chiến lược – thể hiện rõ nhất ở các doanh nghiệp sản xuất tư nhân; Doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào một số đại lý thương mại ở khu vực Đông Á và hầu như chưa có sự chuyển động lên mắt xích cao hơn trong “Chuỗi giá trị”; Doanh nghiệp ít đưa ra các  lựa chọn chiến lược khác  biệt  hoặc đưa ra những sản phẩm hoàn toàn mới.

Theo kết quả kinh doanh năm 2006 – 2008 của 630 doanh nghiệp tại 2 khu vực Hà Nội, TP HCM và các tỉnh lân cận cho thấy, mức tăng doanh số và lao động sụt giảm rõ rệt trong năm 2008 so với năm 2007. Các tác động này khá nghiêm trọng (gây nên tăng trưởng âm) cho khối doanh nghiệp ở khu vực TP HCM. Do các tác động này, khối các doanh nghiệp hướng về xuất khẩu rơi vào tình trạng nguy hiểm hơn các doanh nghiệp nội địa (doanh số gần như không tăng; lao động giảm mạnh). Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận trong năm 2008 chỉ sụt giảm nhẹ so với năm 2007. Tỷ trọng doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận trên 5% chỉ giảm từ 61,7% năm 2007 xuống 58,5% năm 2008.


Theo đó, TS Hằng đưa ra một số kiến nghị đối với Chính phủ như: Hỗ trợ mạnh mẽ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; khẩn trương hoàn thiện chính sách hỗ trợ DNNVV theo hướng giảm thiểu những tác động của khủng hoảng kinh tế tới các yếu tố đầu vào của  DNNVV như: nguồn nhân lực, vốn, chi phí thủ tục hành chính; khuyến khích khởi nghiệp bằng việc miễn hoàn toàn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 2 - 3 năm; đẩy mạnh đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời có chiến lược phát triển nguồn nhân lực có khả năng tiếp thu và ứng dụng công nghệ  trong các ngành công nghiệp tiên tiến; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; Tăng cường cung cấp thông tin dự báo kinh tế; Tăng cường kích cầu vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cảng biển và đường bộ; Tiếp tục đẩy mạnh việc cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại cả trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần mở rộng nội hàm của vấn đề: “năng lực cạnh tranh". Doanh nghiệp phải  đưa ra các  lựa chọn chiến lược khác  biệt  hoặc đưa ra những sản phẩm hoàn toàn mới; Ưu tiên hàng đầu đối với vấn đề đầu tư công nghệ, đổi mới sản phẩm, tăng cường mối liên kết với các tổ chức nghiên cứu; Xây dựng chiến lược phát triển dựa trên sự liên kết trong chuỗi giá trị và cung ứng;  Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn kích cầu; Quan tâm tích cực đến nâng cao năng suất lao động,  nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân; Phối hợp với Chính phủ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng tầm phát triển của cộng đồng doanh nghiệp VN, cùng Chính phủ vượt qua cơn khủng hoảng toàn cầu.

Luật gia Vũ Xuân Tiền - Giám đốc Công ty Tư vấn VAFM Việt Nam phát biểu bằng một nhận xét khá bất ngờ. Ông cho rằng: tiêu đề của hội thảo rất tốt, tuy nhiên, “với tư cách là một doanh nghiệp thì tôi lại đang thất vọng. Câu hỏi đang rất cần là kinh tế VN cuối 2009-2010  sẽ diễn biến như thế nào? Cần đi vào kết luận và có lời khuyên cho các doanh nghiệp. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ đưa ý kiến và có những giải pháp cho chính doanh nghiệp của mình. Nếu nền kinh tế thế giới bình ổn và nền kinh tế VN không lạm phát, nền kinh tế VN sẽ đi lên, còn nếu lạm phát quay trở lại, nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?"

Giải đáp những băn khoăn đó, ông Võ Trí Thành cho biết: Hiện nay, 50% kinh tế VN là phụ thuộc vào kinh tế thế giới. Ngân hàng Thế giới đưa ra kịch bản tồi vào hơn hai tháng trước. Trong nền kinh tế VN, yếu tố tích cực và tiêu cực vẫn còn xen kẽ nhau; Để ổn định lại quỹ đạo trở lại bình thường phải mất từ 3-5 năm. Ông Thành cho rằng, nếu cách cứu chữa của Mỹ và EU vẫn cứ như hiện nay thì tình hình kinh tế vẫn còn rất khó. Chỉ số tiêu dùng hộ gia đình vẫn còn thấp và muốn quay lại hoạt động bình thường phải mất từ 2-3 năm. Gói kích cầu chỉ là lời tuyên bố chứ chưa thể thực hiện được. Đó là chưa kể đến yếu tố hiệu lực. Rất nhiều nhà kinh tế dự báo rằng xác suất đi xuống vẫn có thể xảy ra (theo hình chữ W),  tuy nhiên sẽ không đi xuống sâu như mức cũ. Nhật và Trung Quốc đưa ra gói kích cầu vào đầu tư xây dựng chỉ được xem là kích cầu khu vực. Đấy là chưa kể tình hình kinh tế trong nước cũng đang gặp nhiều khó khăn, người dân cũng đang cố gắng chèo chống…

TS Lê Duy Hiếu – Viện kinh tế VN lưu ý các doanh nghiệp xu hướng đầu tư hậu suy thoái. Theo ông Hiếu, VN được nhiều hơn là mất từ cuộc khủng hoảng toàn cầu mang lại. Cuộc khủng hoảng toàn cầu không phải chỉ mang lại tiêu cực cho nền kinh tế mà còn có những tác động tích cực. Từ đó, ông đưa ra định hướng đầu tư thời kỳ hậu khủng hoảng. Nhà doanh nghiệp bản lĩnh có thể cần ưu tiên đầu tư vào một số lĩnh vực có khả năng sinh lợi cao như: đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, đầu tư vào thị trường chứng khoán, mua bán doanh nghiệp, vào giáo dục, đào tạo và chăm sóc sức khoẻ, đầu tư vào thị trường bất động sản…
 
Ông Võ Trí Thành tổng kết: nền kinh tế VN khó khăn trong hai năm 2009-2010 sẽ còn nhiều, mặc dù ở đâu đó có một vài điểm sáng. Đất nước ta phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, nên nỗ lực của Chính phủ và doanh nghiệp là rất cần thiết. Đây là những bài toán trước mắt cho các doanh nghiệp để tìm được hướng đi thoát khỏi tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.