Triển vọng M&A ngành ngân hàng: Làn sóng thứ hai
(Tài chính) Là đề tài được nhắc đến thường xuyên tại các Hội nghị CEO Summit thường niên, hội nghị dành riêng cho lãnh đạo doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, M&A ngành ngân hàng đã trở thành một xu hướng phổ biến góp phần vào công cuộc đổi mới của Việt Nam hiện nay. Giai đoạn 2014 - 2016 tới đây được dự báo là thời điểm mà mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành ngân hàng - tài chính sẽ tăng rất mạnh.
Nhiều động lực?
Các lực đẩy chính cho những thương vụ M&A trong ngành tài chính - ngân hàng là chính sách tái cấu trúc hệ thống, việc nới room sở hữu của nhà đầu tư ngoại, và triển vọng phục hồi của nền kinh tế.
Về mặt chính sách, Ngân hàng Nhà nước (SBV) đã đề ra mục tiêu là chỉ duy trì 15 ngân hàng mạnh trong hệ thống vào năm 2017, giảm sâu từ con số 39 ngân hàng hiện có. Vào thời kì bùng nổ của ngành ngân hàng giai đoạn 2006-2010, số ngân hàng hoạt động ở Việt Nam từng có lúc xoay quanh con số 50.
Theo thống đốc Nguyễn Văn Bình, chỉ riêng trong năm nay SBV có thể xử lý 6 - 7 ngân hàng thông qua việc hợp nhất-sáp nhập. Từ năm 2011 đến hiện tại, đã có 9 tổ chức tín dụng bị buộc phải rút khỏi thị trường qua M&A, điển hình là Habubank, Tín Nghĩa - Đệ Nhất, và DaiA Bank.
Chính sách của SBV khiến cho việc sáp nhập của các ngân hàng bé, vốn chủ sở hữu thấp, hoặc gặp vấn đề về tài chính là điều không thể tránh khỏi trong thời gian tới. Từ đầu năm nay, đã có ba thương vụ M&A đáng chú ý, đó là Southern Bank sáp nhập vào Sacombank, PGBank vào Vietinbank, và Mekong Development Bank (MDB) vào Maritime Bank.
Song song với việc siết chặt kỷ luật thị trường, SBV cũng giúp đẩy nhanh quá trình M&A trong hệ thống ngân hàng bằng việc nới room sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 15% lên 20%, và quá 30% trong một số trường hợp đặc biệt. Trong thời gian gần đây, đã có nhiều lời kêu gọi gia tăng thêm tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các ngân hàng Việt.
Thêm vào đó, có nhiều tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang dần hồi phục và bắt đầu đi vào quỹ đạo ổn định. Dự báo của các tổ chức quốc tế như World Bank, IMF, và ADB đều cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ tăng từ 5,5% đến 5,9% trong năm nay, và tiệm cận mức 6% trong các năm tiếp theo. Với tình hình lạm phát được kiểm soát dưới mốc một con số, đây là những dự báo rất khả quan. Kinh tế hồi phục sẽ làm tăng thêm động lực mở rộng tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng, khiến cho M&A trong ngành này sẽ diễn ra mạnh hơn thời điểm trước.
Cộng với đó, trả lời Thời báo Tài chính Việt Nam bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc công ty kiểm toán PwC Việt Nam, cho rằng giá cả của việc thâu tóm ngân hàng hiện nay rẻ hơn nhiều so với hai năm trước. Điều này sẽ là động lực cho các ngân hàng lớn mạnh tay thâu tóm các ngân hàng bé hơn.
Không ồn ào?
Tuy vậy, bà Vân cũng cho rằng mua bán - sáp nhập trong ngân hàng giai đoạn tới có thể diễn ra không ồn ào, và các doanh nghiệp sẽ thận trọng hơn nhiều khi cân nhắc các quyết định M&A.
Điều này có thể khiến cho trên bề mặt, M&A trong ngành tài chính ngân hàng có vẻ trầm lắng. Viết trong báo cáo về M&A của hãng kiểm toán KPMG, ông Carl Gordon, giám đốc, trưởng bộ phận tài chính doanh nghiệp của KPMG nói rằng mua bán-sáp nhập trong hệ thống ngân hàng sẽ vấn tiếp tục, dù có thể chậm hơn so với dự định.
"Thay vì đánh giá trầm lắng, tôi cho rằng M&A lĩnh vực ngân hàng vẫn là một xu hướng....Tuy nhiên, để có M&A thành công thì phải trải qua một quy trình phức tạp, không thể một sớm một chiều mà cần có thời gian," bà Nguyễn Thị Hòa, Phó chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (SBV) cho biết trên báo giới, giải thích nguyên nhân M&A ngân hàng kém sôi động trong thời gian qua.
"M&A là giải pháp để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, không chỉ với tổ chức tín dụng yếu kém mà cả với những tổ chức tín dụng bình thường. Ngân hàng nhà nước luôn khuyến khích M&A và đến nay các thương vụ đó vẫn diễn ra trên tinh thần tự nguyện."
Trả lời Thời báo Ngân hàng, Tiến sĩ Trần Xuân Nghĩa từng cho rằng M&A trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính sẽ có độ trễ đến khoảng đầu năm 2015 mới bắt đầu tăng tốc.
"Làn sóng thứ hai"
Những dấu hiệu khả quan trong thị trường M&A ngân hàng Việt Nam nằm trong xu thế khởi sắc chung của các ngành nghề khác.
Nhóm nghiên cứu MAF, Merger Market và IMAA cho rằng Việt Nam đã trải qua làn sóng M&A thứ nhất với tổng trị giá 15 tỷ USD từ năm 2008 đến năm 2013. Giai đoạn 2014 - 2018 được dự đoán còn tăng mạnh lên nữa, với ước tính có thể đạt 20 tỷ USD, tăng hơn 30% so với giai đoạn thứ nhất.
Tính toán này dựa trên những thay đổi về mặt chính sách của nhà nước, như đẩy mạnh cổ phần hóa và siết chặt quản lý các tổ chức tín dụng, cùng với việc nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và toàn cầu, khi hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể được ký kết trong vài năm tới.
Thủ tướng chính phủ đã từng yêu cầu cổ phần hóa đến 432 doanh nghiệp nhà nước trong hai năm 2014 và 2015, trong đó có những ông lớn chuẩn bị được lên sàn như Vietnam Airlines và Mobifone. Đây sẽ là chất xúc tác chính cho thị trường M&A ở Việt Nam.
Thêm vào đó, KPMG cho rằng vốn M&A trong giai đoạn sắp tới sẽ chủ yếu đến từ các nhà đầu tư ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cụ thể là Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là một nhân tố rất đáng chú ý, cho thấy mối quan hệ kinh tế ngày càng mật thiết giữa Việt Nam và các nước Đông Á.
Tuy vậy, KPMG cũng cho rằng các nhà đầu tư ngoại thường gặp nhiều khó khăn trong việc tìm công ty mục tiêu, do hạn chế về hiểu biết, các mối quan hệ, cũng như tầm nhìn về thị trường Việt Nam. Do đó, việc tìm được đối tác tư vấn đáng tin cậy là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên để các nhà đầu tư ngoại bắt đầu tiến vào thị trường nội địa.
Các lĩnh vực thu hút sự chú ý của hoạt động M&A trong 5 năm tới.
Nguồn: KPMG (2013) |
Trong Hội nghị CEO Summit 2014 tới đây được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh vào ngày 8/5/2014, các lãnh đạo doanh nghiệp sẽ có cơ hội được lắng nghe bài thuyết trình của các chuyên gia kinh tế, các học giả quốc tế về triển vọng kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng để hiểu thêm đâu thực sự là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh chuyển tiếp hiện nay (2014-2016).