Triển vọng mới cho nông sản Việt ở thị trường Trung Quốc
Chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam từ ngày 12 tới ngày 13/12 được kỳ vọng mở ra nhiều triển vọng lớn cho nông sản Việt ở thị trường tỷ dân.
Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam, hai bên dự kiến ký hàng chục văn kiện hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực như hợp tác kênh Đảng, an ninh quốc phòng, hợp tác giữa cơ quan và địa phương liên quan, tư pháp, truyền thông, kết nối chiến lược phát triển, kinh tế thương mại, đầu tư, kinh tế số, phát triển xanh, xuất nhập khẩu hàng nông sản, thủy lợi và hợp tác trên biển.
Nhu cầu nông sản ở thị trường Trung Quốc rất lớn
Mới đây, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc chia sẻ thông tin về tập đoàn Phúc Ngô Trung Quốc có nhu cầu mua ngô ngọt xuất xứ từ Việt Nam. Doanh nghiệp có tổng doanh thu 28 triệu USD mỗi năm, nhà máy có diện tích 50.000m2, với nhu cầu hàng năm là 60 triệu cây ngô.
Nếu kết nối thành công trong thương vụ này, đây sẽ là thị trường mở ra cho doanh nghiệp Việt. Điều này cũng cho thấy thị trường Trung Quốc rất lớn, và cần doanh nghiệp Việt khai phá thêm.
Với ngành hàng trái cây, đều đặn mỗi ngày, Vina T&T xuất khẩu 1 container sang thị trường Trung Quốc. Doanh nghiệp này cũng đang chuẩn bị cho những lô hàng đầu tiên để xuất khẩu trái dừa sang thị trường này khi Nghị định thư được ký kết.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, CEO Vina T&T, trái cây Việt Nam cần đảm bảo chất lượng đồng bộ để phát triển thêm thị trường Trung Quốc.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, thông tin, hiện Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc gồm: Tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng.
“Chúng ta mới xuất khẩu sầu riêng tươi hơn 1 năm sang thị trường Trung Quốc mà đã đạt kim ngạch bằng gần một nửa so với Thái Lan, trong khi Thái Lan xuất khẩu cả sầu riêng tươi và đông lạnh. Do đó, dư địa cho sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc vẫn còn rất lớn”, ông Đặng Phúc Nguyên nói. Ông cũng kỳ vọng Trung Quốc sẽ cho phép nhập thêm sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhìn nhận, thị trường Trung Quốc dẫn đầu trong tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam, với khoảng 11,5 tỷ USD trong 11 tháng 2023, chiếm tỷ trọng 23,2%. Sở dĩ xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong năm nay, với mức tăng trưởng 17% là nhờ nhiều Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được ký kết trong năm 2022, giúp nhiều loại nông sản đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Việt Nam đang đàm phán với phía Trung Quốc để xúc tiến mở rộng thêm 4 đối tượng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm: Dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh, dưa hấu từ xuất khẩu truyền thống sang chính ngạch.
Ông Tiến thông tin: “4 Nghị định thư này đã trải qua quá trình điều tra, xem xét, đánh giá hồ sơ và có dự thảo văn kiện, từ nay đến cuối năm, chúng ta sẽ có cơ hội để ký kết. Nếu triển khai trong thời gian tới sẽ tăng thêm giá trị xuất khẩu sang thị trường lớn này”.
Bỏ suy nghĩ thị trường Trung Quốc dễ tính
Bên cạnh ký kết Nghị định thư, để nông sản Việt tiến sâu hơn vào thị trường Trung Quốc thì cần phải làm nhiều việc. TS.Trà My, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc từng bày tỏ cảm thấy “rất đáng tiếc” khi nông dân và doanh nghiệp chưa chủ động học cách nghiên cứu về việc bán tận nơi cho đối tác Trung Quốc.
Bà My dẫn chứng thêm, Sơn Đông là tỉnh có diện tích chỉ bằng nửa Việt Nam, nhưng dân số nhiều hơn Việt Nam (với 107 triệu dân) và GDP đứng thứ 3 toàn Trung Quốc. Tuy nhiên, đa phần người tiêu dùng khu vực này chỉ biết tới sầu riêng Thái Lan, chuối Philippines...
“Bài học thương hiệu cho nông sản Việt Nam là việc rất đau đầu. Trong khi đó, chất lượng trái cây Việt Nam không thua kém các nước bạn. Ví dụ, một trái sầu riêng bán được 200.000 đồng, nhưng nếu có thương hiệu được đăng ký thì giá cao hơn. Malaysia có loại sầu riêng bán được tới 1.000 USD, thương hiệu mang lại giá trị kinh tế cao hơn nguyên liệu đơn thuần”, bà My nói.
Theo đó, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc, cho rằng quan điểm sai lầm của nhiều người là thị trường Trung Quốc dễ tính. Bà My lưu ý các doanh nghiệp trong nước về việc “gò ép” số lượng mà quên đảm bảo chất lượng.
Trong khi đó, ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) nhìn nhận: Với quy mô dân số hơn 1,4 tỷ người, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới với nhu cầu nhập khẩu rất lớn. Ngược lại, Việt Nam cũng trở thành đối tác thương mại quan trọng thứ tư của Trung Quốc, là nguồn cung chủ lực các mặt hàng như trái vải, thanh long, hạt điều... vào thị trường này.
Tuy nhiên, ông Tô Ngọc Sơn đánh giá, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường Trung Quốc do thói quen xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới và hạn chế trong việc tiếp cận các khu vực thị trường sâu trong đại lục.
Bên cạnh việc tăng cường thực thi pháp luật của phía Trung Quốc thì nông sản Việt Nam cũng đang chịu áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ các nước khác trong khu vực. Do đó, cần thay đổi cách nhìn nhận và tiếp cận thị trường từ phía người sản xuất và xuất khẩu nông sản mới có thể khai thác hiệu quả thị trường này.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi khuyến nghị: Người sản xuất cần loại bỏ suy nghĩ Trung Quốc là thị trường dễ tính mà phải xác định đây là thị trường có tiêu chuẩn cao và kiểm soát khắt khe để sản xuất chuẩn chỉnh về chất lượng ngay từ đầu. Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần nhanh chóng chuyển đổi hình thức xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch; đồng thời cập nhật xu hướng, thị hiếu mới của thị trường.