Tiềm năng xuất khẩu nông sản qua biên giới của Việt Nam còn rất lớn
Ngày 12/5/2023, tại TP. Lạng Sơn, Viện Nghiên cứu Hải quan và Cục Hải quan Lạng Sơn (Tổng cục Hải quan) đồng chủ trì với Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo “Xuất, nhập khẩu nông sản qua biên giới trong bối cảnh mới: Thực trạng và khuyến nghị”.
Tham dự hội thảo còn có đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn; Cục Hải quan Cao Bằng; Viện Nghiên cứu hải quan; Trường Hải quan Việt Nam; Cục Quản lý rủi ro; Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính và đại diện lãnh đạo các sở ngành của tỉnh Lạng Sơn.
Tiềm năng xuất khẩu nông sản qua biên giới còn rất lớn
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Như Quỳnh – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, Việt Nam là nước có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển nông nghiệp. Lĩnh vực nông nghiệp đã có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế trên các mặt sản xuất, xuất khẩu, góp phần ổn định vĩ mô trong nước và đảm bảo an ninh lương thực.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc CNMCN 4.0 đòi hỏi các sản phẩm nông nghiệp phải ngày càng có chất lượng cao, cùng với đó là các biện pháp tạo thuận lợi để nông sản Việt Nam được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Đặc biệt, trong bối cảnh sau ba năm gián đoạn vì dịch bệnh COVID-19, triển vọng kinh tế thế giới kém tích cực, tăng trưởng toàn cầu tiếp tục chậm lại, cầu thế giới suy giảm, thương mại toàn cầu thu hẹp, ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng dịch giúp đơn giản hóa phương thức giao nhận hàng hóa, cũng như bỏ các quy định kiểm soát chặt chẽ nhằm chống dịch bệnh đối với hàng hóa nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia tăng xuất khẩu nông sản và hàng hóa Việt Nam đã giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với Trung Quốc qua các tỉnh biên giới phía Bắc tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Giao dịch qua các cửa khẩu đã tấp nập trở lại, xuất khẩu qua một số cửa khẩu tăng từ 50% tới 100% so với giai đoạn trong dịch; hải quan một số cửa khẩu đã tăng thời gian làm việc trong ngày để đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa xuất, nhập khẩu qua biên giới.
Việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, mà đặc biệt là xuất khẩu qua biên giới đã góp phần giúp xuất khẩu nhóm hàng nông sản của Việt Nam duy trì được tăng trưởng trong những tháng đầu năm 2023 trong khi hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam giảm mạnh.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến cuối tháng 3/2023, xuất khẩu nông sản đạt 5,01 tỷ USD tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Việc nhóm hàng nông sản giữ được tốc độ tăng trong bối cảnh các nhóm hàng chủ lực khác giảm mạnh nhờ việc xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đã góp phần thực hiện các mục tiếp phát triển kinh tế - xã hội.
Viện trưởng Nguyễn Như Quỳnh cho rằng, triển vọng và tiềm năng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua biên giới phía bắc trong năm 2023 còn rất lớn. Theo dự báo của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2023, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tăng 20 - 30%. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu nhiều loại như: khoai lang, chuối, chanh leo và cũng tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường đối với bưởi, mãng cầu, dừa, mận. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng dự báo năm 2023, xuất khẩu gạo được dự báo sẽ có nhiều cơ hội đột phá từ nền tảng giá cao của năm 2022 và cơ hội do Trung Quốc mở cửa trở lại và có thể đạt tới 1 triệu tấn trong năm.
Còn nhiều khó khăn, thách thức
Theo ông Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, xuất nhập khẩu Việt Nam với Trung Quốc tiếp tục xu hướng bền vững trong gần 2 thập niên qua đó là nhập khẩu tăng mạnh hơn so với xuất khẩu và có thâm hụt lớn với nước này.
Đáng lưu ý là trong giai đoạn COVID-19 hành hoành, nhất là khi Trung Quốc đóng cửa kinh tế lâu hơn Việt Nam, cả xuất nhập khẩu giữa 2 nước vẫn tăng mạnh, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn lớn nhất của Việt Nam, đối tác nhập khẩu lớn thứ 1 và xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.
Trong năm 2022, xuất khẩu nông sản, thủy sản tăng trưởng khá tích cực ở hầu hết các khu vực thị trường. Chiếm tỷ trọng cao nhất với 25% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản, thuỷ sản Việt Nam là thị trường Trung Quốc, đạt khoảng 7,8 tỷ USD, tăng 25,3% so với năm 2021. Tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ với tỷ trọng 12,6%, đạt khoảng 3,9 tỷ USD.
Ông Lê Xuân Sang nhận định, tuy có sự tăng mạnh về quy mô hợp tác thương mại nói chung và thượng mại nông sản nói riêng, đến nay, vẫn còn một số bất cập từ phía cả phía Trung Quốc và Việt Nam, có ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng, tính bền vững đối với Việt Nam. Nhiều thách thức được đặt ra đối với xuất khẩu nông sản, điển hình là việc Trung Quốc đã dần chiếm ưu thế, lợi thế so sánh của hàng nông sản Việt Nam đã giảm dần, với nhiều hàng hoa quả Trung Quốc đã tự canh tác, nuôi, trồng.
Ngoài ra, cùng với việc ngày càng có thu nhập và đời sống cao hơn, Trung Quốc cũng đã có sự tiến vượt ngoạn mục về trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng so với nhiều nước phát triển và đang phát triển. Đây là mối đe dọa đối với lợi thế so sánh và yếu cầu khắt khe hơn về nông, lâm thủy sản của Việt Nam.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Lê Thị Thùy Vân – Phó Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách tài chính, trong 4 tháng đầu năm 2023, do kinh tế vĩ mô trong nước chưa thực sự vững chắc, bên cạnh đó triển vọng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm đã giảm tới 11,8%.
Riêng đối với xuất khẩu nông sản qua biên giới, trong những tháng đầu năm lại có những điểm tác động tích cực, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu nông sản qua biên giới như: Chi phí sản xuất giảm; Huy động và tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn; Dễ tiếp cận với nguồn cung lao động hơn; Tăng cường thu hút đầu tư...
Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc qua biên giới còn nhiều hạn chế cũng như nhiều thách thức phải đối mặt như: Quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro; phụ thuộc khá nhiều vào các chính sách kiểm soát, ngăn ngừa và phòng dịch; Trung Quốc ngày càng siết chặt hơn các quy định về chất lượng sản phẩm đặc biệt là nông sản và thực phẩm; hạ tầng kết nối giao thông giữa cửa khẩu và hạ tầng cửa khẩu biên giới phía Việt Nam hiện vẫn đang trong quá trình đầu tư, hoàn thiện.
Để tăng cường xuất khẩu nông sản qua biên giới, bà Lê Thị Thùy Vân cho rằng, cần nhanh chóng đẩy mạnh việc chuyển từ xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang đường chính quy đối với các mặt hàng nông sản; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản Việt cũng như tạo cầu nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp phân phối, hệ thống siêu thị của Trung Quốc. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam để có thể đáp ứng tốt hơn tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu...
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu cũng đã tập trung thảo luận một số vấn đề trọng tâm như: Tình hình kinh tế - tài chính vĩ mô trong nước, quốc tế và đánh giá những tác động đến hoạt động xuất, nhập khẩu nông sản qua biên giới của Việt Nam; Thực trạng các chính sách tạo thuận lợi, hỗ trợ xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam và thực trạng xuất, nhập khẩu nông sản qua biên giới của Việt Nam trong bối cảnh mới; Vai trò của cơ quan Hải quan và các cơ quan liên quan trong hoạt động xuất, nhập khẩu nông sản của Việt Nam; Những khó khăn, thách thức đối với xuất, nhập khẩu nông sản của Việt Nam; Những kiến nghị chính sách cụ thể với các cơ quan chức năng nhằm tạo thuận lợi, hỗ trợ xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam trong thời gian tới...