Triển vọng thu hút vốn ngoại: Kỳ vọng trong gian khó
(Tài chính) Nhiều ý kiến khẳng định, sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách hành chính để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm thu hút vốn ngoại sẽ tạo động lực quan trọng giúp Việt Nam trở thành điểm đầu tư mới nổi hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, các nhà đầu tư (NĐT) ngoại thường rót vốn qua kênh thị trường chứng khoán (TTCK) hoặc thông qua việc mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp (DN) triển vọng.
Về hoạt động mua bán cổ phiếu trên TTCK, hiện các hoạt động giao dịch mua bán của các NĐT ngoại vẫn khá sôi động. Sự hấp dẫn của TTCK Việt Nam vẫn rất lớn đối với NĐT ngoại và điều này lí giải tại sao bất chấp những khó khăn trên TTCK xu hướng mua ròng của NĐT ngoại vẫn diễn ra ở nhiều phiên. Chẳng hạn, tuần giao dịch từ ngày 22 đến ngày 26/10, NĐT ngoại tiếp tục mua ròng trên TTCK, với giá trị mua ròng tăng mạnh so với tuần trước đó. Trên cả 2 sàn niêm yết, NĐT nước ngoài mua ròng 3,94 triệu đơn vị, tương đương giá trị mua ròng 78,15 tỷ đồng, tăng 72,66% so với tuần trước… Nhiều chuyên gia tài chính cũng khẳng định, với mặt bằng giá chứng khoán thấp, thị giá cổ phiếu trên TTCK Việt Nam rẻ nhất trong khu vực Đông Nam Á và rẻ nhì tại châu Á (chỉ sau Hồng Kông). Một thống kê gần đây cho thấy, chỉ số P/E của TTCK Việt Nam khoảng 9,9x, thấp hơn khá nhiều so với các thị trường mới nổi trong khu vực (17x). Rõ ràng, nhìn về trung và dài hạn, Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn đối với các NĐT nước ngoài.
Quả thật, với những nỗ lực của Chính phủ, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang có dấu hiệu tích cực hơn, đặc biệt là kỳ vọng lạm phát giảm, lãi suất có xu hướng giảm tiếp, tỷ giá khá ổn định… Các NĐT ngoại, đặc biệt là các quỹ đầu tư chỉ số (ETF) lại khá lạc quan về triển vọng kinh tế dần sáng của Việt Nam. Trên thực tế, thời gian qua, các quỹ đầu tư ETF đang trở thành nhân tố giúp TTCK Việt Nam sôi động hơn. Bên cạnh đó, với xu hướng tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và các DNNN, đặc biệt chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN lớn của Chính phủ chắc chắn sẽ mang đến cho thị trường nhiều hàng hóa chất lượng, qua đó cơ hội đầu tư của NĐT ngoại cũng sẽ nhiều hơn.
Nếu như giao dịch TTCK vẫn chưa thể trở lại thời đỉnh cao, thì hiện đang diễn ra xu thế các quỹ đầu tư nước ngoài dành sự chú ý đến các DN vừa và nhỏ có hiệu quả kinh doanh tốt. Sự kiện VinaCapital đầu tư 7,5 triệu USD vào Công ty Yến Việt với mục tiêu bán cổ phiếu Yến Việt lần đầu ra công chúng năm 2013, niêm yết vào năm 2014 và đạt doanh thu 1000 tỷ đồng năm 2015 cho thấy, các quỹ đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm đến thị trường Việt Nam. Một số quỹ đầu tư cũng cho biết, họ đang tìm kiếm cơ hội sẵn sàng hỗ trợ các DN kinh doanh trong các lĩnh vực phát triển công nghệ đại dương, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch... Bên cạnh đó, một xu hướng khác cũng đang trở nên rõ ràng hơn khi các quỹ đầu tư mạo hiểm đẩy mạnh rót tiền vào các DN trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Chẳng hạn, Quỹ đầu tư mạo hiểm CyberAgent (Nhật Bản) mới đây đã tiếp tục rót vốn vào hai công ty Việt Nam gồm công ty phần mềm Hộp Màu (ColorBox) và công ty cung cấp dịch vụ âm nhạc trực tuyến Nhaccuatui.com. Cho đến nay, Quỹ này đã đầu tư vào 10 công ty Việt Nam với nguồn đầu tư trung bình khoảng 700.000 USD/công ty. Theo đại diện của CyberAgent, kế hoạch của quỹ này là giải ngân được 50 triệu USD cho đến năm 2013. CyberAgent nhắm đến các dự án cung cấp dịch vụ ứng dụng liên quan đến người dùng mạng internet và di động, các dự án thương mại điện tử hướng đến người dùng…
Ngoài sự vào cuộc mạnh mẽ của các NĐT ngoại thì sự quyết tâm thu hút vốn ngoại của các cơ quan chức năng cũng rất đáng khen. Đề án quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam ban hành theo Quyết định 253/2012/QĐ-TTg ngày 2/3/2012 được kỳ vọng sẽ góp phần gia tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư ở Việt Nam, qua đó thu hút thêm dòng vốn ngoại. Theo đó, định hướng quan trọng của Đề án là tiếp tục khuyến khích thu hút dòng vốn ngoại theo hướng ngày càng nâng cao chất lượng, thông qua hoạt động đầu tư có tổ chức, chuyên nghiệp, giá trị đầu tư lớn và cam kết gắn bó lâu dài với TTCK Việt Nam. Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý sẽ đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng thông lệ quốc tế với NĐT nước ngoài đầu tư vào TTCK Việt Nam. Nhiều chuyên gia khẳng định, biện pháp này nhằm góp phần gia tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư trên TTCK Việt Nam, qua đó hy vọng sẽ thu hút thêm dòng vốn ngoại.
Bên cạnh đó, Thông tư 183/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc thành lập và quản lý quỹ mở có hiệu lực cũng đang tạo ra cơ hội rất lớn cho các quỹ đầu tư ngoại. Đặc biệt, nhằm tiếp tục hỗ trợ cho các NĐT ngoại, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cũng đã hợp tác với Ngân hàng Standard Chartered trong việc xây dựng và cung cấp dịch vụ đại lý chuyển nhượng cho các quỹ mở tại Việt Nam. Theo đó, Standard Chartered hỗ trợ kỹ thuật cho VSD trong việc xây dựng hạ tầng cho dịch vụ đại lý chuyển nhượng theo thông lệ quốc tế cũng như phối hợp giữa ngân hàng giám sát và đại lý chuyển nhượng trong việc cung cấp dịch vụ cho quỹ đầu tư. Với sự hỗ trợ của định chế tài chính hàng đầu như Standard Chartered, chắc chắn sẽ tạo niềm tin rất lớn cho NĐT ngoại. Trên thực tế, động thái cho phép thành lập của quỹ mở đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá rất cao của các NĐT ngoại. Nhiều chuyên gia cũng dự đoán rằng, tới đây, các công ty quản lý quỹ sẽ chọn quỹ đầu tư trái phiếu do thị trường trái phiếu vẫn hấp dẫn, ổn định hơn và có mức độ rủi ro đầu tư thấp, nên phù hợp với giai đoạn đầu của chiến lược đưa quỹ mở ra thị trường...
Nhiều chuyên gia nước ngoài cũng khẳng định, mặc dù dòng vốn đầu tư nước ngoài ròng vào Việt Nam giảm trong vài năm gần đây, song nhìn tổng thể, tình trạng này không nghiêm trọng như các thị trường mới nổi khác. Điều đáng mừng nhất là nhiều quỹ đầu tư ngoại (chẳng hạn như quỹ VEIL và VGF hiện đang có trị giá tài sản hơn 580 triệu USD thuộc Công ty quản lý quỹ Dragon Capital) tiếp tục gia hạn thêm thời gian hoạt động lần lượt là 3 năm và 5 năm (kéo dài đến năm 2015 và đến 2017). Lý giải điều này, ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc của Dragon Capital khẳng định, nó đã phản ảnh sự tin tưởng của các cổ đông vào thị trường Việt Nam vì hiện tại, Việt Nam được xem là một trong những thị trường rẻ nhất trong khu vực.
Trong ngắn hạn, việc kỳ vọng các NĐT đổ tiền mạnh hoặc mở thêm quỹ mới là tương đối khó bởi họ đang chờ đợi bức tranh kinh tế vĩ mô cải thiện rõ rệt hơn. Thực trạng tăng trưởng GDP đã chậm lại, CPI tăng cao bất thường trong tháng 9/2012, kết quả kinh doanh quý III/2012 của các DN báo hiệu nợ xấu có chiều hướng gia tăng nhanh và nguồn thu của các ngân hàng bị giảm mạnh… đang tác động đến kế hoạch của các NĐT. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng khác là không ít quỹ đầu tư vẫn lên kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Mekong Capital cho biết quỹ này sẽ tiếp mở thêm quỹ mới khi điều kiện thích hợp. Trong khi đó, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital cũng tiết lộ, quỹ này sẽ huy động thêm quỹ mới, ví dụ như thành lập công ty con VinaWealth để huy động tiền ở Việt Nam đầu tư tại Việt Nam...
Với những động thái của các NĐT ngoại, sự quyết tâm của cơ quan quản lý, chắc chắc, trong thời gian tới, nếu kinh tế vĩ mô được cải thiện, việc thu hút vốn ngoại sẽ trở nên sáng sủa hơn rất nhiều.