Thực tiễn quản lý tài sản công tại Mỹ
Ở mỗi quốc gia, tài sản công có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình sản xuất và quản lý xã hội, quản lý tốt tài sản công luôn được coi là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá chất lượng quản lý nhà nước của quốc gia đó. Mỹ là một trong những quốc gia điển hình trong quản lý hiệu quả tài sản công. Bài viết này đánh giá tổng quan thực tiễn quản lý tài sản công tại Mỹ.
Từ trước năm 1949, chức năng quản lý tài sản của Chính phủ liên bang Mỹ được thực hiện bởi 4 cơ quan: Cục Công trình, Cục Quản lý kiến trúc công cộng, Bộ Tài chính thuộc Cục Cung ứng liên bang và Văn phòng giải quyết tranh luận hợp đồng.
Sự tồn tại của chế độ quản lý này sau đó bộc lộ nhiều khiếm khuyết như: Chồng chéo về chức năng, chức trách không rõ ràng, hiệu suất quản lý giảm sút, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp không thể giải quyết trên phương diện quản lý việc cung cấp trụ sở văn phòng và thiết bị làm việc.
Để xây dựng chế độ quản lý tài sản chính phủ có hiệu quả kinh tế cao, Ủy ban Hoover (do Quốc hội Mỹ thành lập nhằm giúp Tổng thống Truman thực hiện cuộc cải tổ guồng máy chính quyền lớn nhất trong lịch sử, theo hướng tập trung nhiều quyền lực hơn cho Tổng thống) đã tiến hành nghiên cứu làm thế nào để có thể nâng cao trình độ dịch vụ hành chính, đưa ra các kiến nghị cải cách và “Luật phục vụ hành chính là tài sản liên bang” (FPAS) đã ra đời năm 1949.
Trên cơ sở đó, Cơ quan dịch vụ công (GSA) trực thuộc Chính phủ Liên bang Mỹ đã chính thức được thành lập trên cơ sở hợp nhất 4 cơ quan trên, với chức năng đại diện cho Chính phủ liên bang thực hiện tập trung quản lý tài sản của Chính phủ liên bang sở hữu, cung ứng hàng hóa, dịch vụ và tài sản cho các cơ quan thuộc Chính phủ Liên bang: văn phòng phẩm, xe ô tô, nhà, trụ sở làm việc, thiết bị làm việc... Tính đến đầu năm 2015 tài sản của Liên bang do GSA đang quản lý lên tới 500 tỷ USD (bao gồm tài sản tại 8.600 trụ sở do Chính phủ liên bang sở hữu hoặc cho thuê, 208.000 phương tiện vận chuyển, 425 địa điểm là di tích lịch sử.
Mặc dù ngân sách hoạt động hàng năm (bao gồm cả ngân sách xây mới, mua sắm và sửa chữa tài sản) của GSA khá lớn (lên tới 24 tỷ USD), nhưng chỉ có khoảng 1,9% ngân sách của Chính phủ liên bang cấp sau khi được Quốc hội phê chuẩn, còn lại là ngân sách thu được từ các sản phẩm dịch vụ được cung cấp cho các cơ quan thuộc Chính phủ liên bang.
Đối với tài sản là nhà, đất, quyền sở hữu và sửa chữa, duy tu tài sản là nhà, đất của Chính phủ liên bang đều do GSA quản lý. Căn cứ dự toán ngân sách được Quốc hội phê chuẩn và nhu cầu sử dụng tài sản là nhà, đất, các cơ quan thuộc Chính phủ phải ký Hợp đồng sử dụng tài sản nhà, đất với GSA, trong đó xác định thời gian, số tiền thuê, thời hạn trả tiền thuê...
Đối với những động sản khác ngoài nhà đất như ô tô, máy tính, máy photo… dự toán mua sắm, trang bị được thể hiện ở trong dự toán hoạt động của cơ quan sử dụng tài sản và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Việc mua sắm tài sản do GSA thực hiện theo phương thức mua sắm tập trung, giá mua thường thấp hơn so với giá thị trường từ 20% - 30%, bảo đảm tiết kiệm ngân sách mua tài sản. Việc xử lý tài sản nhà, đất và xe cộ cũng do GSA phụ trách, khi xử lý tài sản phải tiến hành đánh giá đối với toàn bộ thời gian sử dụng của tài sản, xác định đã đạt đến dự toán hay chưa và phân tích nguyên nhân.
Những phương tiện xe cộ đến thời hạn thanh lý sẽ được GSA thực hiện ủy thác bán đấu giá, số tiền thu được phải nộp vào ngân quỹ nhà nước.
GSA có trách nhiệm cung cấp dịch vụ về tài sản cho các cơ quan thuộc Chính phủ liên bang Mỹ, nhưng các cơ quan này cũng không bắt buộc phải mua dịch vụ từ phía GSA, mà có thể lựa chọn mua sản phẩm và dịch vụ từ các cơ quan thương mại khác.
Trên phương diện dịch vụ mua bán, duy tu, xử lý tài sản, Chính phủ liên bang Mỹ đã đưa ra một cơ chế cạnh tranh thị trường, thúc đẩy GSA cải thiện dịch vụ quản lý tài sản của mình.