Triển vọng tích cực về sản lượng sản xuất

Theo Tố Uyên/nhandan.vn

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam được dự đoán sẽ tăng từ 2,6% năm 2021 lên 7,5% vào năm 2022 nhờ các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ phát triển mạnh mẽ. Hơn nữa, lạm phát dự kiến ​​sẽ ở mức trung bình trong năm nay là 3,8%. Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 5,2% trong quý IV/2021, 5,1% trong quý I/2022 và 7,7% trong quý II/2022.

Các doanh nghiệp có thể gia tăng sản lượng và việc làm tương ứng để bảo đảm số lượng các đơn đặt hàng đang tăng. Ảnh: NGUYỆT ANH
Các doanh nghiệp có thể gia tăng sản lượng và việc làm tương ứng để bảo đảm số lượng các đơn đặt hàng đang tăng. Ảnh: NGUYỆT ANH

Hiện tại, S&P Global đánh giá chỉ số quản lý thu mua sản xuất của Việt Nam ở mức 51,2, trên mốc 50 điểm trong tháng thứ 10 liên tiếp, tuy giảm từ mốc 54 điểm của tháng 6. Chỉ số này cho thấy các điều kiện kinh doanh tại Việt Nam đang có dấu hiệu tốt hơn. Hiện tại, các nhà sản xuất đang lạc quan với triển vọng tích cực về sản lượng sản xuất trong 12 tháng tới.

Số liệu của S&P Global cũng thể hiện hoạt động xuất khẩu hàng hóa tăng nhanh hơn tổng số các đơn đặt hàng mới, cho thấy nhu cầu nhập khẩu trên thế giới đã nhanh hơn tốc độ sản xuất hàng hóa tại Việt Nam. Trong 10 tháng vừa qua, các đơn đặt hàng sản xuất đã tăng, nhưng tốc độ mở rộng sản xuất đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4. Điều này khuyến khích các nhà sản xuất tiếp tục gia tăng sản lượng hàng hóa trong thời gian tới. Sản lượng sản xuất hàng hóa cũng vừa qua tháng thứ tư tăng liên tiếp, nhưng độ mở rộng vẫn ở mức nhẹ và thấp nhất trong chuỗi tăng trưởng hiện tại, do khó khăn vì áp lực giá cả đầu vào và ở khâu vận chuyển trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao.

Áp lực về giá cả và nguồn cung đã có những dấu hiệu giảm kể từ đầu quý III. Tỷ lệ lạm phát chi phí đầu vào đã chậm lại và ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2020, do giá một số sản phẩm đầu vào giảm trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, mức tăng chi phí vẫn cao hơn mức trung bình kể từ khi các tác động của Covid-19 đã giảm nhẹ, do chi phí dầu, khí đốt và vận chuyển hàng hóa gia tăng vì cuộc xung đột Nga - Ukraine. Giá cả đầu ra của hàng hóa tuy tiếp tục tăng, nhưng tốc độ lạm phát chậm lại và chỉ ở mức trung bình.

Giám đốc kinh tế tại S&P Global, ông Andrew Harker cho biết: “Sự bùng nổ tăng trưởng gần đây trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam hơi chững lại và chậm hơn trong tháng 7, nhưng các doanh nghiệp vẫn có thể gia tăng sản lượng và việc làm tương ứng để bảo đảm số lượng các đơn đặt hàng đang tăng... Mặc dù có một số dấu hiệu giảm về nhu cầu, nhưng đã có những diễn biến đáng mừng khi áp lực về nguồn cung và giá cả đều giảm. Tỷ lệ lạm phát chi phí đầu vào chậm lại, trong khi chuỗi cung ứng đang dần ổn định. Những yếu tố gây khó khăn nghiêm trọng cho các doanh nghiệp trong một thời gian dài đã giảm đi, tạo nên sự thúc đẩy tăng trưởng”.

Trong hai tháng vừa qua, thời gian giao hàng của các nhà cung cấp cũng đã được rút ngắn và dần đi vào ổn định. Tình trạng thời gian giao hàng bị kéo dài đã giảm đáng kể, tính từ tháng yếu nhất trong

22 tháng vừa qua. Sự chậm trễ về thời gian giao hàng thời gian vừa qua chủ yếu liên quan đến các vấn đề dịch bệnh và chi phí vận chuyển tăng. Kể từ tháng 2 đến tháng 7, lượng hàng hóa thành phẩm dự trữ trong các kho cũng giảm và tốc độ giảm hàng trong tháng 7 cao hơn so với tháng 6. Một số doanh nghiệp giảm hàng tồn kho để đáp ứng với tốc độ tăng trưởng đơn hàng mới, trong khi nhiều doanh nghiệp chủ trương đẩy sản phẩm lưu kho đi xuất khẩu để giảm nhẹ chi phí logistics.

Tuy nhiên, vẫn còn một số yếu tố có thể đe dọa triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam như tăng trưởng chậm lại ở các thị trường xuất khẩu chính, nhiều cú sốc về giá hàng hóa, sự tiếp tục gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu, tình trạng thiếu lao động, lạm phát cao hơn và rủi ro trong lĩnh vực tài chính, hay sự xuất hiện các biến thể mới của Covid-19.

Với sự phục hồi trong nước còn đang bắt đầu, nhu cầu toàn cầu đang suy yếu và rủi ro lạm phát gia tăng, báo cáo mới nhất của WB đang khuyến nghị các nhà chức trách cần có biện pháp ứng phó chủ động. Trong ngắn hạn, về mặt tài khóa, cần tập trung thực hiện gói chính sách Phục hồi và Phát triển và mở rộng mạng lưới an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người nghèo và người dễ bị tổn thương trước tác động của cú sốc giá nhiên liệu và lạm phát gia tăng. Trong lĩnh vực tài chính, cần giám sát chặt chẽ và tăng cường báo cáo về trích lập dự phòng nợ xấu cũng như áp dụng một định mức về việc mất khả năng thanh khoản.

Nếu rủi ro lạm phát tăng, chỉ số giá tiêu dùng vượt mục tiêu 4% do Chính phủ đề ra, Ngân hàng Nhà nước nên sẵn sàng chuyển sang thắt chặt tiền tệ để dập tắt áp lực lạm phát thông qua việc tăng lãi suất và thắt chặt hơn cung cấp thanh khoản.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho biết: “Để duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ mong muốn, Việt Nam cần tăng năng suất sản xuất lên 2-3% mỗi năm. Kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra rằng năng suất của người lao động cao hơn có thể đạt được bằng cách đầu tư vào hệ thống giáo dục, như một phần quan trọng của rổ đầu tư và cải cách. Một lực lượng lao động cạnh tranh sẽ tạo ra hiệu quả cần thiết cho Việt Nam trong dài hạn”.