Trình Quốc hội dự án Luật Phí và lệ phí

Theo mof.gov.vn

(Taichinh) - Sáng 26-5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày Tờ trình dự án Luật Phí và lệ phí.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tại kỳ họp thứ 9 họp Quốc hội khóa XIII. Nguồn: mof.gov.vn
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tại kỳ họp thứ 9 họp Quốc hội khóa XIII. Nguồn: mof.gov.vn

Cần thiết phải sửa Luật

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, qua 13 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Phí và lệ phí, cơ bản đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Hệ thống văn bản được ban hành kịp thời, đồng bộ, đúng thẩm quyền, tạo khung pháp lý rõ ràng, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định về phí, lệ phí.

Bên cạnh đó, cơ chế quản lý phí, lệ phí được đổi mới theo hướng đẩy mạnh xã hội hoá các dịch vụ công, tạo cơ chế chủ động cho đơn vị thu phí, lệ phí, từ đó, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan, đơn vị thu, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Thực hiện Pháp lệnh đã tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Theo thống kê của Bộ Tài chính, năm 2012: 29.112 tỷ đồng, bằng 3,9%tổng thu NSNN; năm 2013: 31.271 tỷ đồng, bằng 3,8% tổng thu NSNN; năm 2014: 33.271 tỷ đồng, bằng 3,99 tổng thu NSNN.

Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí gồm 73 loại phí và 42 loại lệ phí.

Tuy nhiên, qua 13 năm thực hiện, đã phát sinh những tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ, do đó việc ban hành Luật phí và lệ phí là cần thiết.

Dự thảo Luật Phí và lệ phí gồm 6 Chương, 23 Điều, sẽ thiết lập khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ về quản lý phí, lệ phí; đảm bảo thống nhất, phù hợp với quy định của Luật NSNN (sửa đổi) và các văn bản pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, dự án Luật Phí và lệ phí sẽ từng bước tập trung phản ánh kịp thời, đầy đủ nguồn thu từ phí, lệ phí; khắc phục hạn chế trong quản lý nguồn thu từ phí, lệ phí; Từng bước tính đúng, tính đủ các chi phí nhằm đáp ứng được các yêu cầu đặt ra đối với quá trình đổi mới cơ chế quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh XHH một số loại hình dịch vụ công phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...

19 khoản phí sang cơ chế giá

Về Danh mục phí, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, để khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công cần thiết rà soát các khoản phí chuyển các khoản phí sang cơ chế giá dịch vụ. Theo đó, chỉ các dịch vụ công liên quan trực tiếp đến hoạt động quản lý nhà nước (công việc chỉ có cơ quan nhà nước thực hiện) như: phí phòng dịch y tế, phí thẩm định cấp giấy phép hành nghề,... thì quy định thu phí.

Với nguyên tắc này, Chính phủ tiếp tục rà soát và chuyển 19 khoản phí trong Danh mục (ngoài 18 khoản phí cần bãi bỏ hoặc chuyển sang giá nêu tại điểm 1 mục I Tờ trình) sang thực hiện theo cơ chế giá.

"Việc chuyển các khoản phí này đã có tính đến sự phù hợp với quy định của pháp luật về giá để đảm bảo việc chuyển sang cơ chế giá không ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp dịch vụ này", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Về bản chất, các khoản thu này đang thực hiện theo cơ chế giá. Nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư và thu phí hoàn vốn, không nộp NSNN (như phí đường bộ qua trạm thu BOT; phí thẩm định kết quả đấu thầu; phí kiểm định phương tiện vận tải, phương tiện đánh bắt thủy sản). Tuy nhiên, do các dịch vụ này liên quan đến an sinh xã hội nên Nhà nước cần quy định giá để đảm bảo xác định thời gian thu hồi vốn hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội.

Như vậy, qua rà soát còn lại 36/73 khoản phí được quy định trong Danh mục phí kèm Pháp lệnh phù hợp với thực tế, vì vậy, cần được kế thừa để đưa vào Luật phí và lệ phí.

Danh mục phí kèm theo Luật sẽ bao gồm: 51 khoản phí. Trong đó, 36 khoản phíkế thừa Danh mục phí hiện hành và 15 khoản phíđang được quy định tại một số Luật chuyên ngành được bổ sung vào Danh mục.

Danh mục lệ phí,qua rà soát, dự kiến Danh mục lệ phí kèm theo Luật, gồm: 39 khoản.Trong đó, 30 khoản lệ phí kế thừa Danh mục lệ phí hiện hành và 09 khoản lệ phí đang được quy định tại một số Luật chuyên ngành được bổ sung vào Danh mục.

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) của Quốc hội đã nhất trí với phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật. Theo đó, Luật Phí và lệ phí chỉ quy định đối với khoản thu phí, lệ phí thuộc dịch vụ công do cơ quan nhà nước thực hiện, không điều chỉnh đối với các khoản phí, lệ phí do các tổ chức và cá nhân ngoài Nhà nước thực hiện. Các dịch vụ được thực hiện bởi các tổ chức và cá nhân sẽ được áp dụng theo cơ chế giá dịch vụ nhằm đẩy mạnh xã hội hóa và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Về Danh mục phí, lệ phí, theo Tờ trình của Chính phủ, Danh mục phí, lệ phí kèm theo Dự thảo Luật bao gồm: 51 khoản phí và 39 khoản lệ phí. Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí việc bãi bỏ, chuyển sang cơ chế giá và bổ sung một số khoản phí, lệ phí như Tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung vào Dự thảo Luật quy định chi tiết các khoản phí, lệ phí, phân loại theo nhóm ngành cụ thể.

Đồng thời, để bảo đảm tính khả thi của Luật, đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn phát sinh, Ủy ban TCNS đề nghị, bổ sung điều, khoản giao Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung, điều chỉnh Danh mục phí, lệ phí khi Chính phủ trình và báo cáo Quốc hội.

Dự kiến Luật phí và lệ phí có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017.

Tập trung nguồn thu vào NSNN

Về quản lý, sử dụng phí và lệ phí, Pháp lệnh hiện hành quy định cơ quan nhà nước thu phí được để lại một phần phí để trang trải chi phí thu nhưng không quy định cụ thể việc phản ánh vào NSNN là số tiền phí thu được hay số tiền phí nộp NSNN. Điều này, dẫn đến khó khăn cho công tác kiểm soát, hạch toán thu – chi NSNN.

Dự thảo Luật NSNN sửa đổi (đã trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và thông qua tại Kỳ họp thứ 9, khóa XIII) được quy định theo hướng tập trung nguồn thu NSNN cũng như kiểm soát chặt chẽ hoạt động thu, chi NSNN (trong đó có phí, lệ phí).

Theo đó, phí thu được từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện là khoản thu thuộc NSNN, không chịu thuế. Đơn vị thu được để lại một phần phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí; phần còn lại nộp NSNN theo quy định của pháp luật.

Phí thu được từ các hoạt động dịch vụ do tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện là khoản thu thuộc NSNN, không chịu thuế và quản lý, sử dụng phí thu được theo quy định của Chính phủ.

Lệ phí là khoản thu thuộc NSNN, cơ quan thu lệ phí phải nộp đầy đủ, kịp thời số tiền lệ phí thu được vào NSNN. Nguồn chi phí trang trải cho việc thu lệ phí do NSNN bố trí trong dự toán của cơ quan thu theo chế độ, định mức chi NSNN theo quy định của pháp luật.