Trói hành vi trốn và "né" thuế

LH

(Tài chính) Một loạt tập đoàn lớn như Coca - Cola, Pepsico, Metro, Bảo Long, Adidas, Keangnam-Vina… gần đây đang bị cơ quan thuế đưa vào tầm ngắm nghi vấn chuyển giá, giao dịch liên kết gây thất thu lớn cho NSNN.

"Chúng tôi không buộc tội các tập đoàn đa quốc gia vi phạm pháp luật mà chúng tôi tố cáo họ vô đạo đức" - đó là cáo buộc của bà Magaret Hodge, Chủ tịch Ủy ban kiểm toán công quốc Anh.
"Chúng tôi không buộc tội các tập đoàn đa quốc gia vi phạm pháp luật mà chúng tôi tố cáo họ vô đạo đức" - đó là cáo buộc của bà Magaret Hodge, Chủ tịch Ủy ban kiểm toán công quốc Anh.
Doanh thu lớn nhưng triền miên thua lỗ…?

Keangnam-Vina

Cơ quan thuế đang nghi ngờ công ty TNHH một thành viên Keangnam-Vina (100% vốn nước ngoài thuộc Tập đoàn Keangnam của Hàn Quốc) đã chuyển lợi nhuận sang công ty mẹ thông qua giao dịch liên kết. Theo số liệu kiểm tra, tháng 5-2007, khi thực hiện đầu tư dự án căn hộ cao cấp Keangnam Hanoi Landmark Tower tại huyện Từ Liêm (Hà Nội), công ty đã vay vốn từ ngân hàng Kookmin bank (Hàn Quốc) - thành viên trong cùng tập đoàn - với tổng vốn vay 400 triệu USD. Keangnam-Vina đã trả lãi vay bình quân các năm lên tới 12%/năm. Khoản lãi vay, chi phí tài chính đã được hạch toán là 2.030 tỷ đồng. Vậy tại sao họ lại không vay ngoại tệ ngay tại Việt Nam, dù lãi vay USD ngân hàng Việt Nam chỉ khoảng 5-7%/năm, mà họ thì đủ điều kiện đi vay???.

Coca-Cola

Số liệu của Cục thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, sau 10 năm kinh doanh tại Việt Nam, số lỗ của Coca-Cola luôn ở mức trên 100 tỷ đồng/năm, có năm chiếm gần 1/3 doanh thu, năm 2011, là năm công ty này lỗ ít nhất: 39 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9/2011, số lỗ lũy kế đã lên đến 3.768 tỷ đồng - một khoản "lỗ khủng". Không chỉ vậy, thậm chí họ còn bị "âm" vốn chủ sở hữu đến hơn 800 tỷ đồng. Theo một số chuyên gia kinh tế cho biết, "bí quyết" để họ liên tục kê khai lỗ do tính chi phí nguyên phụ liệu (hương liệu) được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao. Trung bình chi phí nguyên phụ liệu chiếm trên 70% giá vốn, có năm, lên đến 80-85% giá vốn.

Pepsico

Kể từ khi thành lập (năm 1991) cho tới năm 2007, PepsiCo báo lỗ liên tục (tới năm 2006 vẫn lỗ 122 tỷ đồng). Trên bảng cân đối tài sản của PepsiCo, lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2010 là 1.206 tỷ đồng. Thực tế, năm 2009 và năm 2011 công ty có lãi nhưng tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu rất thấp, chỉ trên 2%.

Adidas Việt Nam

Căn cứ theo báo cáo của Cục thuế TP. Hồ Chí Minh và các quy định hiện hành, các giao dịch giữa Adidas Việt Nam và một số công ty khác trong hệ thống toàn cầu có thể là các giao dịch liên kết. Adidas Việt Nam được quyền phân phối bán buôn, nhưng trong danh mục lại xuất hiện nhiều chi phí của một DN bán lẻ, như: chi phí hỗ trợ vật dụng cho nhà bán lẻ, chi phí tiếp thị quốc tế (bằng 4% doanh thu ròng), phí quản lý vùng, tiền hoa hồng mua hàng (trả chi phí hoa hồng mua hàng cho Addias International Trading B.V bằng 8,25% giá trị mỗi giao dịch) và đặc biệt dù không là nhà sản xuất nhưng lại phát sinh khoản tiền bản quyền (bằng 6% doanh thu ròng). Công ty đã hạch toán các chi phí cho bán lẻ trên vào tài sản cố định, trích khấu hao và hạch toán vào chi phí bán hàng được trừ trong kỳ - là hạch toán sai nguyên tắc. Lẽ ra, Adidas Việt Nam sẽ phải có lãi lớn hơn nhiều so với số lãi báo cáo, vì giá bán sản phẩm tại thị trường Việt Nam cao gấp 3 lần giá vốn. Hoạt động có dấu hiệu chuyền giá của Công ty này đã được Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế TP.Hồ Chí Minh kiểm tra để có kết luận cụ thể.

Siêu thị Metro

Cũng theo thống kê của Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh, dù doanh thu tăng liên tục qua các năm nhưng kết quả kinh doanh lại lỗ triền miên. Cụ thể, năm 2007 doanh thu đạt hơn 6.607 tỉ đồng, nhưng số lỗ là 157 tỉ đồng. Năm 2008 doanh thu vọt lên 8.175 tỉ đồng thì số lỗ lên đến hơn 190 tỉ đồng. Năm 2009, doanh thu đạt 8.728 tỉ đồng, số lỗ cũng rất ấn tượng: 160 tỉ đồng. Từ khi thành lập (năm 2001) đến nay, chỉ duy nhất năm 2010 công ty này khai có lãi 116 tỉ đồng, nhưng do được chuyển lỗ của những năm trước đó sang nên đến nay DN này cũng chưa đóng một đồng thuế TNDN nào. Năm 2011, Metro lại khai lỗ 89 tỉ đồng. Hiện, Metro ký hợp đồng trực tiếp nhập thiết bị lạnh với một số đối tác ở Hong Kong, Singapore chứ không thông qua công ty mẹ và cũng không nhập khẩu từ công ty mẹ. Cục Thuế sẽ kiểm tra xem họ có dấu hiệu giao dịch liên kết với những đối tác này hay không.

Tập đoàn Bảo Long

Không chỉ DN có vốn FDI mà DN trong nước cũng có hành vi chuyển giá. Từ đầu năm 2008 đến cuối năm 2011, Bảo Long đã hạch toán không đúng quy định như: hạch toán các khoản chi phí không liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh; hạch toán không đúng giá trị khấu hao của tài sản cố định, nhiều chi phí không có hóa đơn chứng từ hợp lệ… Sau nhiều tháng thanh tra, Cục Thuế TP. Hà Nội đã yêu cầu Tập đoàn Bảo Long phải nộp lại số thuế cộng với tiền phạt lên tới 1,9 tỉ đồng. Trong đó, thuế GTGT và thuế TNDN Bảo Long đã cố tình gian lận trong 3 năm gần 1,5 tỉ đồng (phạt 939 triệu đồng về hành vi trốn lậu thuế GTGT). DN này còn phải chịu 2 khoản phạt do trốn thuế, chậm thuế lên tới hơn 462 triệu đồng. Ngoài ra, Cục Thuế Hà Nội còn phát hiện thêm dấu hiệu của gần 759 triệu đồng tiền thuế bị che dấu.

Giao dịch liên kết là giao dịch giữa các bên có quan hệ điều hành, kiểm soát, góp vốn và đầu tư với nhau -  dấu hiệu nhận diện đầu tiên và đóng vai trò quyết định trong việc chuyển giá.

Thua lỗ nhưng vẫn đang tự "vỗ béo" ?

Coca-Cola: Hiện, ngoài các cơ sở tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Coca-Cola vẫn đang xin thuê thêm đất để mở rộng sản xuất tại TP. Đà Nẵng và sẽ rót thêm 300 triệu USD vào Việt Nam trong 3 năm tới, đưa tổng vốn đầu tư vào thị trường này lên nửa tỷ USD trong vòng 5 năm. "Chiến đấu" trên thương trường Việt Nam đến "cụt cả vốn" mà sao họ vẫn chưa chịu rút lui?.

PepsiCo: Mặc dù báo cáo lời lãi chẳng được bao nhiêu nhưng cũng giống như Coca Cola, PepsiCo vẫn liên tục khai trương các nhà máy mới: ở Đồng Nai (với số vốn đầu tư là 45 triệu USD), ở Bắc Ninh (với số vốn đầu tư tới 73 triệu USD), đưa tổng số vốn của Công ty này (ở Việt Nam) lên khoảng 500 triệu USD?.

Siêu thị Metro: Sau 11 năm kinh doanh tại Việt Nam, Công ty TNHH Metro Cash & Carry VN (người dân gọi là siêu thị Metro) đã mở rộng đến 19 trung tâm bán sỉ trên cả nước. Vấn đề đặt ra là: liên tục thua lỗ như vậy thì DN này lấy vốn ở đâu để tiếp tục đầu tư mở rộng, khi chi phí mở một trung tâm bán sỉ không hề nhỏ?...

Adidas: Kể từ khi có mặt chính thức tại Việt Nam (năm 2009) đến cuối năm 2011, Adidas đã có tổng cộng 50 đại lý bán hàng tại các thành phố lớn, và vẫn đang có xu hướng mở rộng thêm…

Thị trường Việt Nam với hơn 80 triệu dân là một "miếng bánh béo bở" ai cũng muốn ngậm phần. Nhưng khó hiểu ở chỗ, lẽ thường, không nhà đầu tư nào muốn dốc vốn vào một thị trường mà ở đó, họ liên tục kinh doanh thua lỗ hoặc có số lãi không đáng kể so với khối lượng kinh doanh đồ sộ bỏ ra???.

Đây là một dấu hỏi to tướng treo trước mắt các nhà quản lý !

Các nhà quản lý đã làm gì và phải làm gì?

Tại TP. Hồ Chí Minh, nơi thu hút nhiều DN FDI nhất cả nước cũng là nơi các DN báo cáo thua lỗ nhiều nhất. Năm 2012, có hàng trăm DN FDI báo thua lỗ, nợ lương công nhân, nợ thuế, thậm chí nợ các khoản vay ngân hàng và cả khách hàng... Hiện tượng các DN báo lỗ để trốn thuế không phải là mới, cách đây 3-4 năm, vấn đề này đã được báo chí đề cập đến rồi. Nay, căn bênh này mới phát tác ra chăng??

Các cơ quan quản lý đã vào cuộc ra sao?

Cơ quan thuế Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đang khẩn trương thanh kiểm tra từng DN, đặc biệt là giao dịch liên kết, để rứt điểm xử lý từng vụ việc. Trong năm 2012, ngành thuế thanh, kiểm tra gần 1.495 DN FDI có dấu hiệu chuyển giá, giảm lỗ 3.307 tỷ đồng, truy thu và xử phạt gần 623 tỷ đồng, chuyển doanh nghiệp từ lỗ thành lãi, cá biệt có DN đã phải điều chỉnh giá vốn gần 80 triệu USD… (Riêng tại TP.Hồ Chí Minh, Cục Thuế đã thanh tra 16 DN có vốn FDI có dấu hiệu chuyển giá, kết quả: đã truy thu được 11,3 tỷ đồng tiền thuế và kéo số lỗ giảm 368 tỷ đồng…).

Tuy nhiên, không thể tránh nói đến vấn đề bất cập trong khâu quản lý thuế. Chúng ta đã biết hiện tượng này từ mấy năm nay, nhưng đến giờ mới mở đợt truy xét gắt gao, phải chăng do lâu nay các cơ quan chức năng không có đủ điều kiện pháp lý để thực hiện công tác quản lý: Chưa có đội thanh tra chuyên trách về chuyển nhượng giá, không đủ thông tin, cơ sở dữ liệu cần thiết để xác định hành vi chuyển giá, chuyển thuế của DN; Do các quy định và cách tính thuế luôn thay đổi; Chưa có đề án nâng cao năng lực cán bộ thuế chuyên trách về chuyển giá; Cán bộ kiểm toán đã không làm tròn bổn phận của mình; Chưa quy trách nhiệm cụ thể cho ngành nào, bộ phận nào, người nào để xảy ra những vi phạm này; Thuế TNDN còn cao; Cơ chế ưu đãi cho DN FDI đã tạo kẽ hở (sau 4 năm đầu hoạt động được miễn thuế, 9 năm tiếp theo được giảm thuế, nhiều DN mở công ty mẹ, con để chuyển giá lòng vòng)… Có lẽ không loại trừ nguyên nhân nào kể trên.

Có thể nói, không chỉ ở Việt Nam mà bất cứ đâu trên thế giới, các tập đoàn, DN đều tìm mọi biện pháp để "né" và trốn thuế (các tập đoàn càng lớn thì càng "né" số lượng thuế nhiều hơn, do có hệ thống chuyên gia về thuế và kiểm toán, chuyên nghiên cứu về chính sách thuế giữa các nước để tìm cách lách luật, chuyển lợi nhuận ở nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp hơn nhằm giảm thiểu số thuế phải nộp). Tại Mỹ, các tập đoàn lớn hàng năm chuyển hàng tỷ USD ra nước ngoài, giảm hàng tỷ USD tiền thuế. So với mặt bằng thuế trong nước Mỹ (35%),10 công ty lớn nhất chỉ đóng có 9%. Tại Anh, đơn cử vài công ty lớn có số "né" thuế không nhỏ:  hãng Starbucks có hơn 700 cửa hàng, có doanh số 3 tỷ bảng Anh (4,8 tỷ USD), nhưng trong 14 năm qua, họ chỉ nộp thuế vẻn vẹn có 8,6 triệu bảng Anh (13,7 triệu USD) tức là chưa tới 0,3%, tập đoàn Amazon, Microsoft cũng bị tố cáo có doanh thu lớn hàng tỷ USD nhưng đã chuyển lợi nhuận sang Luxembourg - nơi có thuế suất thấp, né hàng tỷ USD tiền thuế. Ở Úc, một số công ty lớn chuyển lợi nhuận sang các quốc gia có thuế suất thấp hơn mức 30% tại Úc, như Ireland (12,5%) để chỉ phải nộp thuế ít nhất. Tuy nhiên, lại không có cơ sở để buộc tội họ vì họ có đầy đủ chứng cứ, giấy tờ, hóa đơn để làm căn cứ tính thuế.

Các nước đều xác định, việc chiến đấu chống lại hành vi trốn lậu thuế là lâu dài và vô cùng khó khăn, nhưng phải cương quyết làm và phải làm được để tạo sự công bằng, minh bạch giữa các DN.

Ở Việt Nam, chúng ta đang xây dựng các hành lang để giám sát và truy quét các hiện tượng này. Đặc biệt là với việc xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung - cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng để ngành thuế đẩy mạnh công tác chống chuyển giá. Cụ thể:

- Cơ quan Thuế sẽ xây dựng bộ tiêu chí rủi ro để đánh giá mức độ tuân thủ chính sách thuế của người nộp thuế, tập trung nhân lực vào công tác thanh tra, kiểm tra để đánh giá mức độ tuân thủ chính sách thuế của người nộp thuế.

- Đi kèm với thanh tra, kiểm tra, cơ quan Thuế sẽ thực hiện các chế tài nghiêm minh để xử lý đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có chuyển giá, như nâng mức xử phạt đối với hành vi chậm nộp thuế từ 0,05%/ngày lên 0,07%/ngày nếu chậm nộp thuế quá 90 ngày, nâng mức xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp, hoặc tăng số tiền thuế được hoàn từ 10% lên 20%.

- Đưa ra cơ chế giá thỏa thuận trước về Phương pháp Xác định giá tính thuế (APA) trong chống chuyển giá ở các DN FDI. Việc bổ sung cơ chế APA vừa tạo thuận lợi cho công tác hành thu, chống thất thu, vừa tạo sự chủ động cho DN trong lập kế hoạch kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế.

- Mở rộng phạm vi thu thập thông tin về người nộp thuế từ nguồn nước ngoài theo các hiệp định, điều ước đã ký để cơ quan quản lý nhà nước có điều kiện khai thác thông tin từ nguồn tin nước ngoài phục vụ công tác quản lý thuế nói chung và chống chuyển giá nói riêng.

- Cơ quan thuế sẽ tự mình, hoặc phối hợp với các cơ quan thuế nước ngoài ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam để giám sát danh mục giá các mặt hàng mà DN đăng ký.

Các chuyên gia kinh tế nói gì?

Theo các chuyên gia kinh tế, để chống hành vi chuyển giá, trốn và "né" thuế, cần yêu cầu DN cam kết nộp mức thuế tương ứng với quy mô mở rộng trước khi cấp phép hoạt động (Đà Nẵng không cho phép Coca Cola thuê thêm đất mở rộng kinh doanh, do DN này đã không đóng góp cho ngân sách đồng nào); Dùng biện pháp áp thuế khi so sánh với sản phẩm cùng loại (không thể cùng loại sản phẩm, cùng điều kiện kinh doanh, có DN lãi, có DN lại lỗ); Áp "thuế đơn vị' dựa trên cơ sở số nhân viên, tài sản cố định, doanh thu…; Hàng năm, có kế hoạch tổ chức thanh tra việc chuyển nhượng của các DN; Đào tạo cán bộ chuyên trách công tác quản lý chuyển nhượng giá… Có nghĩa là, có rất nhiều việc phải làm ngay, làm đồng bộ để công cuộc chống chuyển giá phát huy tác dụng.

"Chống chuyển giá không làm ảnh hướng đến thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mà là tạo môi trường đầu tư lành mạnh, công bằng cho các DN làm ăn chân chính, đồng thời chống thất thu thuế". Ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ phó, Phó ban cải cách Tổng cục Thuế, khẳng định.