Trong 5 năm tới ngành nào triển vọng phát triển mạnh nhất?
Theo “Báo cáo về triển vọng nghề nghiệp & xu hướng kỹ năng tại Việt Nam - Giai đoạn 2018 - 2022” của VietnamWorks, nhóm ngành kỹ sư và kỹ thuật cao có triển vọng phát triển mạnh nhất trong vòng 5 năm tới.
Báo cáo được công bố dựa trên việc phân tích kết quả cuộc khảo sát độc lập được VietnamWorks thực hiện vào nửa cuối 2018 với hơn 200 chuyên gia nhân sự hiện đang giữ các vị trí quản lý trở lên tại các tập đoàn và các công ty có thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam.
Khi được hỏi nhóm công việc nào sẽ có sự tăng trưởng nhu cầu sử dụng lao động trong tương lai, “nhóm ngành kỹ sư & kỹ thuật cao” nhận đến 90% ý kiến đồng tình. Tương tự, 89% ý kiến cũng cho rằng “nhóm ngành máy tính & công nghệ” sẽ phát triển mạnh. “Nhóm ngành nghệ thuật, thiết kế, giải trí, thể thao và truyền thông” cũng có triển vọng phát triển với 62% sự đồng tình.
Nhận định về nhóm công việc có khả năng giảm sút về nhu cầu tuyển dụng, 42% ý kiến cho rằng đó sẽ là nhóm nghề có tính chất lặp lại như “hành chính và thư ký”, mặc dù ngành nghề này đang nằm ở top 3 có nhu cầu tuyển dụng cao nhất năm 2018 (theo báo cáo phát hành vào tháng 11 của VietnamWorks), nhưng trong 5 năm tới ngành nghề này được dự đoán sẽ gặp phải sự sụt giảm vì có thể bị thay thế bởi máy móc.
“Robot hóa và tự động hóa” sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến thị trường lao động
Báo cáo của VietnamWorks cho biết, khi được hỏi về các nhân tố khoa học – công nghệ nào sẽ thay đổi thị trường lao động trong 5 năm tới, “robot hóa và tự động hóa” được dự đoán sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến thị trường với 59% ý kiến đồng ý của các chuyên gia nhân sự.
Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghệ thông tin gồm sự phát triển của “mạng di động, công nghệ điện toán đám mây” và “năng lực xử lí của máy tính và dữ liệu lớn” cũng được dự đoán sẽ gây thay đổi thị trường lao động với lần lượt 57% và 54% ý kiến đồng tình.
Các chuyên gia nhân sự cho thấy họ ưu tiên nhất việc “phát triển tự động hóa” hoặc “tuyển dụng nhân lực có kỹ năng phù hợp với công nghệ mới” cùng với 87% ý kiến lựa chọn. việc “đào tạo nhân viên hiện tại” đứng ở vị trí thứ 3, với 82% ý kiến. Đối với “đào tạo nhân viên”, 47% ý kiến cho biết họ sẽ “đào tạo nội bộ” trong khi chỉ có 20% cho biết họ sẽ “đào tạo thông qua các nhà cung cấp khóa học”
“Độ nhạy bén với vấn đề” là năng lực thiết yếu để phát triển trong tương lai
Sự phát triển của các nhóm nghề trong tương lai sẽ tạo ra những yêu cầu mới mẻ về năng lực cần thiết của ứng viên. Theo đó, 87% ý kiến của các chuyên gia nhân sự cho rằng ứng viên cần thể hiện “năng lực nhạy bén với vấn đề”. Quan trọng không kém chính là “năng lực sáng tạo” với 86% ý kiến đồng tình và “năng lực linh hoạt nhận thức” với 85% ý kiến. Đồng thời, “khả năng thủ công khéo léo và chính xác” cũng không còn quan trọng trong 5 năm tới khi chỉ có 15% nhà tuyển dụng chọn đáp án này.
Ông Gaku Echizenya, Tổng giám đốc Navigos Group chia sẻ: “Thị trường đang trải qua những biến động lớn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, doanh nghiệp cần cập nhật thông tin thị trường từ những nguồn uy tín để kịp thời phản ứng trước những thay đổi, từ đó đề ra chiến lược tuyển dụng và thu hút nhân tài. Đối với người lao động, cần chủ động học hỏi kiến thức về kỹ năng số hóa và công nghệ, trang bị những kỹ năng cần thiết như hợp tác với người khác, quản lý con người,…để tăng năng lực cạnh tranh. Về phía nhà trường, cần phân tích nhu cầu thị trường nhân sự trong tương lai để tuyển sinh hợp lý, cập nhật chương trình học với kiến thức số hóa, tạo cơ hội cho sinh viên ứng dụng thực tế để nâng cao kiến thức, kỹ năng và sẵn sàng cho phát triển sự nghiệp”.