Giám đốc WB kiến nghị 4 vấn đề Việt Nam cần ưu tiên thực hiện

Theo Kiều Linh/vneconomy.vn

Báo cáo Việt Nam 2035 đưa ra khát vọng, mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, đạt 10 nghìn USD/người/năm.

Mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, đạt 10 nghìn USD/người/năm. Nguồn: Internet
Mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, đạt 10 nghìn USD/người/năm. Nguồn: Internet

Để đạt được mục tiêu này, tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2018 sáng 5/12, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB), ông Ousmane Dione đã đưa ra bốn kiến nghị chính sách mà Việt Nam cần ưu tiên trong thời gian tới.

Thứ nhất, cải cách để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trong nước cần phải được đẩy mạnh mạnh mẽ, nhằm tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Cải cách doanh nghiệp nhà nước nên tập trung vào việc áp dụng thông lệ quốc tế tốt nhất trong quản trị doanh nghiệp, thông qua Uỷ ban quản lý vốn nhà nước mới thành lập, đồng thời thúc đẩy và tăng cường cổ phần hoá và thoái vốn, đặc biệt là những khoản đầu tư thương mại. 

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng cần chuyển từ số lượng sang chất lượng, tập trung vào đầu tư công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn, cũng như chú ý đến khai thác mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điều này sẽ giúp khu vực tư nhân trong nước tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ hai, mặc dù ưu tiên đầu tư những dự án hạ tầng trọng yếu của quốc gia như Đường cao tốc Bắc - Nam, Đường sắt , Sân bay Long Thành và các cảng biển quan trọng, đầu tư cho các dự án riêng lẻ như thế này cần được nằm trong chiến lược tổng thể về kết nối vận tải đa phương thức. Đứng trước những khó khăn về tài chính, việc giải phóng nguồn đầu tư tư nhân có thể có ý nghĩa to lớn trong việc đáp ứng nhu cầu đầu tư cao của Việt Nam. 

Thứ ba, theo Chỉ số vốn con người mới công bố gần đây của Nhóm Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 48 trong số 157 nước. Đây là thành tựu lớn, và Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực trong giáo dục phổ thông. Nhưng còn cần những kiến thức và kỹ năng của thế kỷ 21 để năng suất lao động cao hơn. Điều này đòi hỏi phải tập trung vào chất lượng và sự phù hợp của giáo dục đại học và dạy nghề. 

Ngoài ra, việc xây dựng một khuôn khổ thể chế và cơ chế khuyến khích hiệu quả để đổi mới – lấy các công ty tư nhân làm trung tâm – cũng có tác động lớn đến sự phát triển trong tương lai.

Thứ tư, sự tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam đang tạo ra chi phí môi trường ngày càng lớn. Sự suy thoái đất và xói mòn đất, phát thải khí nhà kính và ô nhiễm không khí ngày càng tăng nhanh, làm suy thoái nguồn nước, phá rừng và gây áp lực lên đa dạng sinh học. Tốc độ phát thải khí nhà kính đang vượt qua sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam, thể hiện chủ yếu ở sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào việc sản xuất điện từ đốt nhiên liệu chứa hàm lượng các bon cao. 

Theo Chỉ số hiệu quả hoạt động môi trường do Đại học Yale xây dựng để xếp hạng 180 quốc gia trên toàn thế giới, Việt Nam xếp thứ 132. 

Những vấn đề môi trường ngày càng tăng này không chỉ tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, mà còn có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng trong dài hạn. Do đó, Giám đốc WB cho rằng, hoạt động quản lý tài sản tự nhiên của Việt Nam và xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu có ý nghĩa rất quan trọng để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững trong các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, chế biến thực phẩm và du lịch.

Và quan trọng nhất đó là cần những thể chế của nhà nước có năng lực và hiệu quả. Thể chế thị trường hiệu quả, tính minh bạch, rõ ràng và trách nhiệm giải trình là những yếu tố cơ bản của sự phát triển. 

Việt Nam cũng sẽ phải huy động và sử dụng những nguồn lực khan hiếm một cách hiệu quả để tài trợ cho một chương trình phát triển đầy tham vọng. Tăng cường huy động vốn từ nguồn thu trong nước, bổ sung bằng những nỗ lực nâng cao hiệu quả chi tiêu và năng lực quản lý nợ, đóng vai trò quan trọng để đảm bảo có thể đạt được mục tiêu phát triển mà không tăng nợ đến mức không bền vững.

Cuối cùng, nguồn vốn ODA hiện có sẽ phải được sử dụng một cách chiến lược và hiệu quả hơn để bổ sung nguồn vốn đầu tư công trong nước và tận dụng được những lợi ích phi thương mại, bí quyết kinh doanh và đầu tư tư nhân.