Trong kịch bản xấu nhất, GDP 2021 của Việt Nam sẽ chỉ tăng 4%
Trước đây, các tổ chức dự báo kinh tế toàn cầu đều cho rằng trong kịch bản xấu nhất, GDP của Việt Nam vẫn tăng ít nhất trên 5%. Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, con dự báo chỉ còn 4%.
Đây là đánh giá của TS. Võ Trí Thành – chuyên gia kinh tế trong toạ đàm trực tuyến “Điểm đến kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021”. Các chuyên gia kinh tế cũng đồng tình với khả năng triển vọng kinh tế năm 2021 sẽ yếu đi nhiều so với dự báo hồi đầu năm nay.
Điểm sáng và tối của bức tranh kinh tế 7 tháng đầu năm
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm vừa được Tổng cục Thống kê cập nhật, TS. Cấn Văn Lực cho biết: kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm có một số điểm sáng và điểm tối. Về điểm sáng, mặc dù dịch bệnh thế giới và Việt Nam diễn biến rất phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Chính sách tiêm vắc xin COVID-19 được Chính phủ và Quốc hội quan tâm nhiều hơn và đang đẩy mạnh triển khai. Lạm phát trong nước vẫn được kiềm chế tốt, 6 tháng đầu năm tăng 1,64% so với cùng kỳ mặc cho giá cả hàng hoá tăng tương đối nhanh trên thế giới.
“Theo đà này, chúng tôi dự báo cả năm nay, lạm phát bình quân sẽ ở mức khoảng 3%. Giá cả thế giới tăng nhanh nhưng lực cầu yếu, vòng quay đồng tiền còn tương đối chậm.” – Ông dự báo.
Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam cũng ghi nhận các điểm sáng khác như xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng tương đối tốt, tỷ giá rất ổn định, lãi suất đang trên đà giảm tương đối tích cực. Trong 6 tháng đầu năm, 3 tổ chức quốc tế nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam từ tiêu cực lên ổn định, tích cực. Mặt khác, Việt Nam cũng đang nhận được ngày càng nhiều vaccine thông qua các kênh ngoại giao.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là thách thức về dịch bệnh. Theo TS. Cấn Văn Lực, kịch bản sáng nhất là dịch bệnh sẽ được kiểm soát trong tháng 8.
Trong nội bộ, lĩnh vực tiêu dùng bị ảnh hưởng vô cùng tiêu cực. Tiêu dùng tháng 7 giảm 8,3% so với tháng trước, giảm gần 20% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ chỉ tăng 0,7%. Trước dịch, tổng mức bán lẻ tăng từ 8-10% bởi sức cầu rất yếu. Sản xuất công ngiệp tăng trưởng rất chậm, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng chỉ 2,2% so với cùng kỳ. Trước đây, mức này thông thường tăng 9-10%.
Đồng thời, mô hình sản xuất “3 tại chỗ” đang gặp rất nhiều trục trặc và trở ngại.
Về vốn FDI, mặc dù Việt Nam kỳ vọng sự dịch chuyển vốn đầu tư, nhưng vốn đăng ký FDI 7 tháng vừa qua giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, trong khi vốn thực hiện tăng gần 4%. Nhìn vào số liệu dịch chuyển từ Trung Quốc, Hồng Kông sang Việt Nam, năm ngoái tăng nhưng sang đến năm nay sự dịch chuyển dòng vốn này đang giảm gần 50%.
Trong khi đó, giải ngân đầu tư công chậm rất rõ rệt. Số lượng doanh nghiệp mới tháng 7 chỉ tăng 0,7%, còn số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động rất đáng chú ý. Và vì dịch bệnh nên tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế rất chậm chạp, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng lên.
Doanh nghiệp loay hoay
Nhìn nhận về bức tranh của doanh nghiệp Việt Nam những tháng đầu năm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, doanh nghiệp tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt khi dịch bùng phát tại các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế quan trọng của đất nước.
Theo ông Tuấn, 7 tháng đầu năm nay khác với năm 2020. Nếu như năm 2020 tác động của dịch đến các doanh nghiệp cũng rất lớn nhưng chủ yếu là doanh nghiệp du lịch, hàng không, dịch vụ, ăn uống… Khảo sát của VCCI cho thấy, 87% doanh nghiệp cho rằng dịch đã tác động tiêu cực, hoặc rất tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp, tình trạng sa thải người lao động cũng khá phổ biến.
Dịch bệnh sang năm 2021 tác động lại càng nghiêm trọng hơn, lan rộng sang nhiều doanh nghiệp tại khu công nghiệp tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Long An… Mức độ lan rộng của dịch bệnh tại các khu công nghiệp hiện rất lớn.
“Con số thống kê thường trễ hơn so với thực tế nhưng chắc chắn ảnh hưởng đến doanh nghiệp, xuất khẩu, sản xuất, lao động thực tế chắc chắn sẽ tăng cao hơn trong những tháng còn lại. Con số 7 tháng chưa phản ánh hết thực tế nên những tháng tới cần có giải pháp quyết liệt hơn để hỗ trợ doanh nghiệp.” – ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
VCCI nhận thấy quá nhiều doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn, bất lực. Đặc biệt gần đây nhiều doanh nghiệp phản ánh khó khăn trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Việc tắc nghẽn lưu thông như tắc mạch máu trong cơ thể, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất cũng như lưu thông, xuất khẩu hàng hóa,…
Nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến kinh tế, đồng thời lấy đà để phục hồi, ông Cấn Văn Lực đề nghị một nhóm giải pháp.
Thứ nhất, cần phải nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và đẩy nhanh quá trình tiêm vắc xin Covid-19.
Thứ 2, nghị quyết 52 của chính phủ về giãn hoãn thuế, ngoài ra cần nghiên cứu về gói hỗ trợ mới. Trong lĩnh vực hàng không, cũng cần phải hỗ trợ cho các hãng bay. Ngoài ra, không thể chủ quan với lạm phát nhưng cùng lúc không nên bóp nghẹt quá. Cuối cùng, cũng cần phải lưu ý đến bong bóng. Các hiện tượng nóng gần đây liên quan đến bất động sản chứng khoán và vẫn theo dõi các động thái của quốc tế về các gói nới lỏng định lượng, nâng lãi suất.
“Từ nay đến cuối năm, điểm sáng là thế giới phục hồi tương đối tốt chính vì vậy xuất khẩu của Việt Nam mới tăng trưởng được gần 30%. Trong nước, nếu tiến trình tiêm vắc xin COVID-19 được đẩy nhanh hơn trong quý III thì đến quý IV sẽ có sự phục hồi.” – TS. Cấn Văn Lực khẳng định.