Trong tháng 8, Việt Nam nhập khẩu 484.660 tấn sắt thép phế liệu
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8, Việt Nam nhập khẩu 484.660 tấn sắt thép phế liệu, tăng 0,8% so với tháng trước đó. Tính chung 8 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhập khẩu sắt thép phế liệu vẫn tăng 50,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo thống kê, Nhật Bản và Mỹ tiếp tục là hai thị trường cung cấp sắt thép phế liệu lớn nhất cho Việt Nam. Cụ thế, 8 tháng đầu năm 2018 Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản 990.639 tấn, chiếm 28,5% trong tổng lượng phế liệu sắt thép nhập khẩu của cả nước; Từ Mỹ 594.963 tấn, chiếm hơn 17%; Từ Hong Kong chiếm 11%, tương đương 384.665 tấn trong 8 tháng.
Ngoài những thị trường truyền thống trên, Việt Nam cũng tăng mạnh nhập khẩu sắt thép phế liệu từ một số thị trường mới như Hà Lan, Campuchia, Mexico, Anh...
Trong đó, nhập khẩu từ thị trường Hà Lan tăng đột biến, gấp 403 lần về lượng so với cùng kỳ năm ngoái lên 61.663 tấn. Khối lượng sắt thép phế liệu từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất về Việt Nam tăng 19,6 lần, từ Campuchia gấp 12,7 lần, từ Mexico gấp 6,6 lần, từ Anh tăng 4,8 lần…
Hiện nay, nhập khẩu sắt thép phế liệu vẫn chiếm khối lượng lớn nguyên liệu đầu vào của một số nhà máy thép trong nước, bởi chi phí rẻ hơn so với mua phôi để luyện thép. Vì lý do môi trường, mặt hàng này thuộc diện kiểm soát ngặt nghèo với nhiều quy định về bảo vệ môi trường và thuộc danh mục hàng hóa không khuyến khích nhập khẩu.
Trước tình hình các doanh nghiệp vẫn nhập khẩu phế liệu về Việt Nam tăng mạnh (8 tháng đầu năm tăng 50,6% so với cùng kỳ năm 2017), đồng thời, tuy các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu chính đáng để về sản xuất giấy, sản xuất thép, nhưng thực tế vẫn có nhiều lô hàng vô chủ, trong khi vấn đề giám định thư, giấy phép nhập khẩu, quy chuẩn, tiêu chuẩn đưa ra để đánh giá thì Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chưa công bố (hiện mới chỉ có văn bản hướng dẫn, không đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn).
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 27/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Một trong những nội dung quan trọng là không cho phép phế liệu nhập khẩu thông qua các cửa khẩu bằng đường bộ và đường sắt vào Việt Nam từ ngày 1/10.
Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, trong thời gian tới, việc nhập khẩu phế liệu nói chung cũng như sắt thép phế liệu nói riêng sẽ được quản lý chặt, góp phần hạn chế tình trạng phế liệu nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và môi trường đầu tư, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.