Trung Quốc có thể cứu thế giới?
Với tiêu đề “Liệu Trung Quốc có thể cứu thế giới?”, tuần báo Time số ghi ngày 10-8 có một bài dài ca ngợi thành tích của kinh tế Trung Quốc. “Trong lúc phương Tây vẫn bị sa lầy trong cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất nhiều thập niên qua, kinh tế Trung Quốc đã hồi sinh với tốc độ đáng chú ý. Nhưng liệu người khổng lồ châu Á có đủ mạnh để dẫn dắt một cuộc hồi phục toàn cầu?”, bài báo mở đầu như vậy.

Tiêu chuẩn vàng? Thật ra, sự hồi phục của kinh tế Trung Quốc đã được nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế khẳng định, thậm chí ngay từ đầu năm nay ông Nicholas Lardy, chuyên gia nổi tiếng về Trung Quốc của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, còn cho rằng cách Trung Quốc xử lý cuộc suy thoái toàn cầu - như đưa ra gói kích thích tế lớn tương đương 13% GDP, nới lỏng tín dụng, kích thích tiêu dùng... - là “tiêu chuẩn vàng” về chính sách đối phó khủng hoảng. Gần đây Ngân hàng Thế giới đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2009 từ mức 6,5% trước đây lên 7,2%... Những tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu, chẳng hạn nhu cầu tiêu thụ ở phương Tây teo lại gây khó khăn cho ngành xuất khẩu, buộc nhiều nhà máy phải đóng cửa hoặc thu hẹp hoạt động, sa thải công nhân… đã được Trung Quốc xử lý khá kịp thời, nhanh chóng tìm lại tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu công bố giữa tuần trước, tăng trưởng GDP trong nửa đầu năm nay của Trung Quốc đạt 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, và đang tiến tới chỉ tiêu 8% mà chính phủ nước này đặt ra cho năm nay. Tuy xuất khẩu vẫn còn ì ạch với mức giảm 27% so với cùng kỳ, nhưng sản xuất công nghiệp đã bắt đầu tăng trở lại một phần nhờ nhu cầu tiêu dùng nội địa. Được thúc đẩy bởi chính sách trợ giá của chính phủ, lượng xe hơi bán ra thị trường Trung Quốc đã tăng 48%, lần đầu tiên vượt qua Mỹ để trở thành thị trường tiêu thụ nhiều xe hơi nhất thế giới hồi tháng 4-2009. Doanh số các mặt hàng gia dụng như ti vi màu, tủ lạnh, máy giặt… cũng tăng mạnh nhờ chính sách trợ giá 13% cho cư dân nông thôn… Tính chung, doanh số bán lẻ ở Trung Quốc trong nửa đầu năm nay đã tăng 16% so với cùng kỳ. Và trong các nền kinh tế lớn, gần như chỉ có Trung Quốc sớm lấy lại phong độ của thời kỳ trước khủng hoảng kinh tế, sau đó là Ấn Độ, còn các nước G7 vẫn đang ngụp lặn trong khó khăn chồng chất. Bong bóng đang phình lên Đó là mặt sáng của tình hình. Nhưng theo giới chuyên gia, bên dưới những thành tích hào nhoáng của kinh tế Trung Quốc, vẫn còn nhiều vấn đề, nhiều sự “mất cân đối” hết sức nghiêm trọng. Nếu không được giải quyết kịp thời, những sự mất cân đối này có thể triệt tiêu động lực tăng trưởng của nền kinh tế này, nói gì đến việc “cứu thế giới”. Báo Asia Sentinel ra ngày 31-7 đăng bài “Những vết nứt trong nền móng Trung Quốc” của Sam Baker, Giám đốc nghiên cứu châu Á của Tổ chức Tư vấn kinh tế chính trị TNR có trụ sở tại Mỹ, xác định tăng trưởng hiện thời của Trung Quốc không bền vững vì chủ yếu dựa vào đầu tư, mà là đầu tư không hiệu quả. Ông Baker ví công việc này như dùng giấy báo để nhóm lửa, có thể gây cháy bùng nhưng không kéo dài. Giấy báo mà ông Baker nói tới chính là gói kích cầu trị giá 4.000 tỉ nhân dân tệ ban hành tháng 11 năm ngoái, cùng với sự nới lỏng tín dụng làm dòng chảy tiền mặt ra thị trường tăng đột biến. Trong nửa đầu năm nay, trị giá các món vay mới mà các ngân hàng Trung Quốc đã giải ngân lên tới 7.370 tỉ nhân dân tệ, tương đương 1.150 tỉ đô la Mỹ, gấp rưỡi mức 5.000 tỉ nhân dân tệ mà Chính phủ Trung Quốc ấn định cho cả năm nay và nhiều hơn mức tín dụng của cả năm ngoái. Chỉ riêng trong tháng 6-2009, số tiền cho vay mới đã lên tới 224 tỉ đô la Mỹ. Lượng cung tiền ra thị trường tăng nhanh trong một thời gian ngắn đã làm phình lên những quả bong bóng chứng khoán, nhà đất và nguyên liệu. Thị trường chứng khoán Thượng Hải tăng gần 90% số điểm trong nửa đầu năm nay, trở thành thị trường mạnh nhất thế giới. Đã xuất hiện những hiện tượng khó lý giải như giá cổ phiếu loại A của Công ty đường cao tốc Tứ Xuyên đã tăng 200 lần giá tham chiếu ngay trong phiên chào sàn Thượng Hải trong tuần trước. Theo giới quan sát, có đến 30% lượng tiền vay mới đổ vào chứng khoán vì người vay không có phương án đầu tư nào tốt hơn giữa lúc kinh doanh vẫn èo uột, nhất là ngành xuất khẩu vẫn đang khó khăn do nhu cầu nước ngoài suy giảm. Bất động sản là một kênh đầu tư khác. Theo số liệu chính thức, lượng vốn đầu tư vào bất động sản tăng 35% trong nửa đầu năm nay, lượng nhà bán ra tăng tới 80% và giá nhà đất tăng mạnh ở hầu hết các thành phố lớn. Làn sóng này tràn sang cả Hồng Kông, đẩy giá nhà tăng hơn 20% bất chấp nhu cầu yếu ớt và nạn thất nghiệp ngày càng trầm trọng. Nhưng có một sự gia tăng ít được chú ý là lượng nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu chiến lược. Theo một báo cáo của ngân hàng đầu tư Thụy Sĩ UBS, “trong quí 2-2009, khối lượng quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc tăng 41% so với cùng kỳ năm trước, lượng đồng nhập khẩu tăng 140%, than đá tăng 300% và nhôm tăng 400%; nhập khẩu đậu nành và bột giấy cũng tăng rất mạnh”. Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc đã làm cho các mặt hàng này trở nên khan hiếm trên thị trường quốc tế, và giá cả tăng lên, kéo theo cả giá cước vận chuyển đường biển. Các chuyên gia giải thích hiện tượng nhập khẩu ồ ạt này không phải do nhu cầu của Trung Quốc tăng đột biến vì sản xuất vẫn trì trệ mà là do đầu cơ. Các doanh nghiệp Trung Quốc, chủ yếu là các tập đoàn quốc doanh lớn, được nhà nước - thông qua các ngân hàng quốc doanh - cho vay nhiều tiền, dễ dàng, đã tranh thủ tích lũy nguyên liệu. Họ phán đoán xu thế tăng giá sẽ còn kéo dài khi các nền kinh tế khác phục hồi, và cách kiếm lợi nhanh là đầu tư vào nguyên liệu để bán lại khi giá cao. Lấp ló một cuộc khủng hoảng tài chính mới Nguyên liệu chiến lược, cũng giống như nhà đất hay chứng khoán đang trở thành kênh đầu cơ phổ biến ở Trung Quốc khi người dân và doanh nghiệp có thể vay vốn rẻ mà không có cơ hội đầu tư. Hiện tượng này giống hệt việc cho vay dưới chuẩn để đầu cơ vào bất động sản ở Mỹ những năm trước - nguồn gốc trực tiếp của cuộc khủng hoảng hiện nay. Nguy cơ Trung Quốc đi vào vết xe đổ của “cho vay dưới chuẩn dựa trên giá trị tài sản thế chấp” của Mỹ đang ngày càng hiển hiện. Cho đến nay, Chính phủ Trung Quốc chưa tỏ dấu hiệu sẽ siết lại hoạt động tín dụng vì lo ngại tăng trưởng kinh tế sẽ bị chặn đứng. Thứ Tư ngày 29-7, thị trường chứng khoán Thượng Hải đột ngột giảm 5% số điểm (chạm sàn) vì nhà đầu tư tháo chạy khi có tin đồn nhà nước sắp siết chặt tín dụng. Ngay sau đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc phải ra thông báo cải chính và tuyên bố chính sách tín dụng sẽ còn nới lỏng hai, ba năm nữa. Theo Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings, việc Chính phủ Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cho vay khi lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn suy giảm cho thấy Trung Quốc đang “thai nghén” một cuộc khủng hoảng tài chính sẽ bùng ra khi nguồn tiền kích cầu khô cạn. Còn theo ông Sam Baker, chẳng bao lâu nữa “giấy báo” để đốt lửa của Trung Quốc sẽ không còn mà các thanh củi vẫn chưa cháy - tức là dòng vốn đầu tư tư nhân vẫn chưa tuôn chảy trở lại vì lý do là các nền kinh tế “tiêu thụ” lớn ở Mỹ và châu Âu vẫn chưa hồi phục, và tình trạng dư thừa công suất công nghiệp của Trung Quốc vẫn chưa được hợp lý hóa. Chung quy, vốn đầu tư hiện đóng góp tới 75% mức tăng GDP của Trung Quốc và càng làm cho nền kinh tế này mất cân bằng hơn cả thời kỳ trước suy thoái. Trong tình hình đó, hy vọng Trung Quốc sẽ cứu thế giới ra khỏi cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong nửa thế kỷ qua tỏ ra là một hy vọng hão huyền; chưa kể rằng chính sách đẩy mạnh tăng trưởng bằng mọi giá của Trung Quốc đang đẩy nhiều nền kinh tế khác tới chỗ tuyệt vọng: giá nguyên nhiên liệu tăng cao, hàng hóa giá rẻ phẩm chất kém của Trung Quốc tràn ngập làm cho nhiều doanh nghiệp khốn đốn vì không cạnh tranh được, dẫn tới nạn thất nghiệp tràn lan và có nguy cơ xảy ra bất ổn xã hội…