Hành trình giảm nghèo bền vững đến 2030: Đòn bẩy từ chính sách tài chính

Đức Mạnh

Giảm nghèo bền vững luôn là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán của Đảng và Nhà nước trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Nhờ những nỗ lực không ngừng và hệ thống chính sách, pháp luật được ban hành khá đồng bộ, toàn diện, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác giảm nghèo trong những thập kỷ qua. Trong đó, chính sách tài chính là công cụ quan trọng, là động lực, đòn bẩy để hiện thực hóa các mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Tiếp tục xây dựng các chương trình tín dụng hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt.
Tiếp tục xây dựng các chương trình tín dụng hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt.

Nhiều thách thức trên hành trình giảm nghèo 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao. Sự chênh lệch về mức sống, khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản, thị trường và việc làm giữa các địa phương, vùng miền, nhóm dân cư vẫn chưa được thu hẹp đáng kể.

Một số nguyên nhân chính được chỉ ra là cơ chế, chính sách, chương trình giảm nghèo chưa thực sự hiệu quả, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, và một bộ phận người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ mà chưa chủ động vươn lên.

Nhận thức rõ điều này, Đảng và Nhà nước tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn cho công tác giảm nghèo bền vững. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm nguồn lực, đồng thời huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước.

Trong bối cảnh đó, chính sách tài chính được xác định là một trong những đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Các nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước (NSNN) và nguồn lực huy động từ xã hội đầu tư cho công tác giảm nghèo ngày càng tăng.

Chính phủ đã phê duyệt các Chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (theo Quyết định số 90/QĐ-TTg) và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chương trình 1719). Bộ Tài chính được giao chủ trì hướng dẫn cơ chế quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí nguồn ngân sách trung ương (NSTW) và cân đối, bố trí đủ vốn cho các Chương trình.

Các chính sách tài chính cho giảm nghèo bền vững bao gồm chính sách tín dụng, chính sách chi NSNN, chính sách thuế, phí và đất đai. Cụ thể, về chính sách tín dụng, tín dụng chính sách xã hội đã chứng tỏ hiệu quả, giúp gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo và giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động. Các chương trình tín dụng còn hỗ trợ học sinh, sinh viên, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt. Tuy nhiên, nguồn lực tín dụng vẫn hạn chế so với nhu cầu, và các quy định cụ thể về nguồn vốn NSNN cấp còn thiếu. Mức cho vay đối với hộ cận nghèo (30 triệu đồng) và sinh viên (4 triệu đồng/tháng) được đánh giá là còn thấp.

Về chính sách chi NSNN, hệ thống cơ chế, chính sách chi NSNN cho giảm nghèo được triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ tiền điện, phát triển sản xuất, tạo việc làm, và đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhà nước đã tăng nguồn lực đầu tư, thậm chí bố trí vượt kế hoạch, và 21% NSNN đã dành cho phúc lợi xã hội - mức cao nhất trong các nước ASEAN..

Các chính sách miễn giảm thuế GTGT, phí, lệ phí và miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho hộ nghèo và nông dân đã hỗ trợ đáng kể.

 

Việc triển khai Chương trình 1719 vẫn gặp khó khăn, trong đó có tiến độ giải ngân vốn sự nghiệp còn thấp và sự lúng túng của nhiều địa phương trong thực hiện văn bản hướng dẫn. Đến cuối tháng 4/2025, tiến độ giải ngân vốn của Chương trình 1719 trên cả nước mới đạt 16% kế hoạch, Chương trình giảm nghèo bền vững đạt 18%.

Đặc biệt, Chương trình 1719 hướng đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khu vực còn nhiều khó khăn và tỷ lệ nghèo cao. Chương trình này được coi là "bệ đỡ" giúp người dân miền núi thoát nghèo. Nhờ Chương trình, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm xuống gần 4%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra và được xem là "kỳ tích". Các dự án trọng điểm về hạ tầng thiết yếu (giao thông, điện, nước), hỗ trợ sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa đã được triển khai. Điển hình như tại xã Thành Sơn, Hòa Bình, mô hình nuôi bò vỗ béo, sinh sản đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp cải thiện đời sống người dân.

Phấn đấu đến 2030, Việt Nam không còn hộ nghèo

Để đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, cần lưu ý một số giải pháp quan trọng sau:

Một là, hoàn thiện chính sách tín dụng. Rà soát, sửa đổi Nghị định số 78/2002/NĐ-CP để quy định tiêu chí cụ thể cho vốn NSNN cấp, mở rộng đối tượng, nâng mức và thời hạn cho vay, nghiên cứu chính sách vay vốn cho hộ cận nghèo làm nhà và hộ có mức sống trung bình làm nông nghiệp, sửa đổi chính sách vay vốn sinh viên.

Hai là, cải thiện chính sách chi NSNN. Đảm bảo bố trí đủ NSNN, lồng ghép các chương trình, huy động nguồn lực toàn xã hội. Tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững cho các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao. Thiết kế chính sách theo hướng hỗ trợ có điều kiện để hạn chế tình trạng "cho không" và tạo sự ỷ lại.

Ba là, thúc đẩy chính sách đất đai. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện Dự án 1 của Chương trình 1719 (giai đoạn I) để hỗ trợ đất sản xuất hoặc chuyển đổi sinh kế cho hộ thiếu đất. Nghiên cứu tăng mức hỗ trợ xây nhà "3 cứng" cho hộ nghèo.

Bốn là, đẩy nhanh giải ngân. Cần tháo gỡ điểm nghẽn về giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Các địa phương như Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn hiện đang tích cực vào cuộc, tăng cường trách nhiệm của các cấp, giao chỉ tiêu cụ thể để đảm bảo tiến độ và hiệu quả sử dụng vốn.

Ngoài ra, còn cần đổi mới cách tiếp cận, cần có tầm nhìn rộng hơn, hành động hiệu quả hơn, tạo chuyển động thực sự cho các chương trình. Nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" cần được phát huy, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Đáng chú ý, hướng tới giai đoạn 2026-2030, Bộ Dân tộc và Tôn giáo đang đề xuất xây dựng Chương trình 1719 giai đoạn II với mục tiêu lớn nhất là phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam không còn hộ nghèo, một mục tiêu khó khăn nhưng hoàn toàn có thể đạt được nếu tập trung vào các chương trình giảm nghèo bền vững.

Chính sách tài chính là công cụ quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu giảm nghèo bền vững. Việc điều chỉnh một số nội dung của Chương trình 1719 giai đoạn I theo Quyết định số 920/QĐ-TTg cho thấy sự linh hoạt và quyết tâm của Chính phủ trong việc nâng cao hiệu quả chương trình.

Tuy nhiên, hiệu quả cuối cùng không chỉ đến từ nguồn lực tài chính mà còn từ tư duy sáng tạo và cách thức thực thi hiệu quả. Với quyết tâm từ cấp cơ sở và sự điều phối linh hoạt các nguồn lực, có thể kỳ vọng các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ đạt được mục tiêu đề ra. Mỗi đồng vốn được giải ngân hiệu quả sẽ trở thành "cú hích" để người dân có thêm cơ hội phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.