Trung Quốc đưa ra nhiều sách lược thâm hiểm

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Bắc Kinh vẫn tiếp tục rêu rao "sẵn sàng đối thoại hòa bình với các bên tranh chấp", nhưng thực chất vừa tìm cách uy hiếp Việt Nam trên thực địa bằng tàu chiến, máy bay, vừa lu loa vu cáo Việt Nam trên mặt trận ngoại giao, tuyên truyền, đồng thời đóng cánh cửa đối thoại dù Việt Nam đã rất thiện chí.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tờ Đa chiều của người Hoa hải ngoại ngày 11/6 bình luận, từ khi xảy ra sự cố đâm tàu (tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam gần khu vực giàn khoan Hải Dương 981), Bắc Kinh ngày càng tỏ ra cứng rắn về quân sự. Máy bay không quân, hải quân Trung Quốc liên tục hoạt động ở khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan. Tờ Đa chiều bình luận, động thái này của Bắc Kinh khác hoàn toàn những gì họ đã làm với Philippines và Nhật Bản.

Trong cuộc khủng hoảng Scarborough năm 2012, Trung Quốc chỉ sử dụng tàu hải giám và không điều động tàu quân sự. Khi căng thẳng Trung-Nhật lên tới đỉnh điểm, cũng họa hoằn mới thấy xuất hiện thông tin tàu chiến, máy bay Trung Quốc xuất hiện gần Senkaku. Sự khác biệt này, theo Đa chiều, thể hiện rằng Trung Quốc đã không loại trừ một cuộc chiến với Việt Nam trên Biển Đông. Mặc dù Việt Nam kiên quyết bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa bất chấp áp lực của "hạm đội" tàu hộ tống giàn khoan, nhưng Bắc Kinh cũng đang tỏ ra sẽ bảo vệ giàn khoan này đến cùng.

Tờ báo này cho rằng Bắc Kinh đang không ngừng gia tăng áp lực quân sự lên Việt Nam là nhằm trực tiếp đánh vào nhuệ khí của Mỹ, đồng thời đe nẹt các nước ven Biển Đông như Philippines rằng Mỹ, Nhật Bản sẽ không dám khinh suất mà động đến Trung Quốc?!

Đa chiều cũng bình luận, việc đóng băng mọi khả năng đối thoại cấp cao với Việt Nam từ phía Trung Quốc là "tuyệt tình hiếm thấy". Thậm chí Bắc Kinh còn đưa vấn đề ra Liên Hợp Quốc đã khiến thế công-thủ giữa 2 bên trên Biển Đông đang dần thay đổi.

Hãng Kyodo News (Nhật Bản) ngày 11/6 bình luận, việc Bắc Kinh đóng tất cả các cánh cửa đối thoại cấp cao với Việt Nam là thái độ cứng rắn hiếm thấy, vì vậy người ta khó có thể dự đoán căng thẳng vụ giàn khoan 981 khi nào mới hạ nhiệt.

Kyodo News cho hay, động thái đặc biệt đáng chú ý của Bắc Kinh là hôm 9/6, họ đã công khai đưa vấn đề giàn khoan 981 ra Liên Hợp Quốc. Trong khi Bắc Kinh vẫn tiếp tục rêu rao "sẵn sàng đối thoại hòa bình với các bên tranh chấp", nhưng thực chất vừa tìm cách uy hiếp Việt Nam trên thực địa bằng tàu chiến, máy bay, vừa lu loa vu cáo Việt Nam trên mặt trận ngoại giao, tuyên truyền, đồng thời đóng cánh cửa đối thoại dù Việt Nam đã rất thiện chí.

Tờ Bưu điện Hoa Nam ngày 11/6 bình luận: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến công du Ấn Độ cuối tuần qua đã tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng giải quyết dứt điểm tranh chấp biên giới với New Delhi và chuẩn bị đầu tư vào quốc gia Nam Á này. Bài bình luận dẫn lời Hoo Tiang Boon, một học giả từ Trường S Rajaratnam (Singapore) nhận định "Người Trung Quốc đang chuẩn bị làm mới mối quan hệ của họ với Ấn Độ một cách tích cực hơn nhiều. Họ hiểu rằng quan hệ đối ngoại ở Đông Á không hề lý tưởng. Điều cuối cùng họ muốn là sườn biên giới phía Tây ổn định để tạo yên tâm cho Bắc Kinh trong việc đối phó với những rắc rối ở Biển Đông”.

Tờ Đông Phương nhật báo xuất bản tại Hồng Kông ngày 9/6 đăng bài phân tích của Ngưu Bạch Vũ, một chuyên gia về quan hệ chính trị Trung-Mỹ cho rằng: “Giới chức Trung Quốc đang nghiên cứu áp dụng Binh pháp Tôn Tử để đối phó với Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam, trong đó "với Mỹ dùng mưu, với Nhật Bản dùng ngoại giao còn với Việt Nam thì dùng quân sự"?!

Ngưu Bạch Vũ lý luận, sở dĩ Bắc Kinh tính toán tới thủ đoạn "phạt binh" (tức dùng vũ lực với Việt Nam) là vì "tính đặc thù quan hệ Việt-Trung và tương quan lực lượng 2 bên". Quan hệ Trung-Việt khác với quan hệ Trung-Mỹ ở chỗ, Bắc Kinh và Washington là 2 cường quốc hạt nhân phụ thuộc nhau rất lớn về kinh tế, nếu dùng quân sự thì cả hai đều phải trả giá quá đắt.

Quan hệ Trung-Việt cũng khác quan hệ Trung-Nhật ở chỗ, tương quan lực lượng quân sự giữa Tokyo với Bắc Kinh không chênh lệch là bao, nếu Trung Quốc dùng vũ lực với Nhật Bản thì chưa chắc thắng nổi. Quan trọng hơn, sau lưng Nhật Bản là Mỹ với một hiệp ước đảm bảo an ninh ràng buộc. Một khi xảy ra xung đột quân sự, Mỹ sẽ nhảy vào. Đó là lý do tại sao tranh chấp lãnh thổ ở Hoa Đông dù rất căng thẳng nhưng chỉ dừng lại ở "phạt giao" chứ rất khó rơi xuống ngưỡng "phạt binh" - dùng vũ lực.

Tuy nhiên, quan hệ Trung-Việt thì "đơn giản hơn nhiều", Ngưu Bạch Vũ nhận định. Thứ nhất, thực lực (kinh tế, quân sự) của Việt Nam kém Trung Quốc, thứ 2 quan trọng hơn là "tranh chấp lãnh thổ Trung-Việt" lại không liên quan gì đến Mỹ, Nhật Bản, nên không lo có sự can thiệp của hai cường quốc này.