Trung Quốc nhen nhóm hy vọng sớm có một thỏa thuận thương mại giữa ông Tập Cận Bình và ông Donald Trump

Theo Chí Thành/nhadautu.vn

Mặc dù quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ vẫn còn nhiều trắc trở, nhất là trước việc đồng thuận đối xử với công ty viễn thông khổng lồ Huawei nhưng những tính toán mới đây cho thấy rất có thể Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sẵn sàng cho một thỏa thuận toàn diện với Trung Quốc

Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) trong lễ đón Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm chính thức Trung Quốc cuối năm 2017. Ảnh Getty Images
Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) trong lễ đón Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm chính thức Trung Quốc cuối năm 2017. Ảnh Getty Images

Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ từ hôm thứ Hai đã bắt đầu phiên điều trần công khai kéo dài 7 ngày về xuất thuế quan đối với khối hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc.

Trong khi Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc hầu như đã sẵn sàng tham gia cuộc gặp thượng đỉnh để bàn về thương mại song phương, khoảng cách giữa các kỳ vọng của hai bên liên quan đến một thỏa thuận thương mại lại vẫn còn khá lớn.

Hôm thứ Ba vừa rồi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phá vỡ sự im lặng của mình bằng việc tuyên bố với truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng ông sẵn sàng thảo luận về các vấn đề thương mại với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp vào tuần tới.

Thông tin được đưa ra chưa đầy 20 phút sau khi ông Trump có dòng tweet rằng ông đã có một cuộc trò chuyện 'rất tốt đẹp' qua điện thoại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hai người sẽ có một cuộc họp dài hơn dự kiến trong lần gặp gỡ tới đây.

Kênh CNBC của Mỹ dẫn tin từ Tân Hoa Xã cho biết ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng, về vấn đề thương mại, cả hai bên nên giải quyết thông qua đối thoại công bằng.

"Điều quan trọng là để bảo vệ mối quan tâm hợp lý của cả hai bên",  ông Tập nói và nhấn mạnh: "Chúng tôi cũng hy vọng Hoa Kỳ sẽ đối xử công bằng với các doanh nghiệp Trung Quốc".

Các chỉ số chứng khoán ở cả Mỹ và Trung Quốc ngay lập tức đã tăng vọt chủ yếu theo thông tin hai nước có khả năng sẽ đạt được thỏa thuận thương mại mới sau những bất đồng về thương mại diễn ra trong suốt 1 năm qua. 

00 Trump AP

Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần cho rằng Trung Quốc đang 'không công bằng' trong thương mại với Mỹ. Ảnh Reuters

"Điều tốt nhất mà chúng ta có thể hy vọng từ cuộc họp này là một thỏa thuận không tăng thuế", ông Tom Rafferty, nhà kinh tế chính nghiên cứu về Trung Quốc tại bộ phận dự đoán kinh tế EIU (The Economist Intelligence Unit), cho biết trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào hôm thứ Tư.

Điều cốt yếu trong vấn đề này việc tìm được ngôn ngữ đúng để cân bằng lợi ích của Hoa Kỳ và Trung Quốc. "Do vậy, nguy cơ của việc Hoa Kỳ tiến hành tiếp tục gia tăng thuế quan sẽ được giảm thiểu đi rất nhiều", ông nói.

Tránh được các mức thuế bổ sung và hủy bỏ được các mức thuế đã áp dụng trong 18 tháng qua là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh trong việc giải quyết tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Hồi đầu tháng này, ông Trump đã đe dọa tiếp tục áp mức thuế quan mới đối với khối hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc nếu ông Tập Cận Bình không tham dự cuộc họp thượng đỉnh G-20.

Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ hôm thứ Hai đã bắt đầu phiên điều trần công khai kéo dài 7 ngày về khả năng áp dụng mức thuế quan mới đối với khối lượng hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc.

Các công ty của Hoa Kỳ cho biết tại phiên điều trần hôm thứ Hai, rằng Trung Quốc vẫn có khả năng cung cấp cơ sở hạ tầng và nhân sự tài năng địa phương tốt hơn nhiều quốc gia khác, trong việc lựa chọn địa điểm thay thế cho Trung Quốc trong các lĩnh vực sản xuất quần áo, đồ điện tử và hàng tiêu dùng khác, theo Reuters.

00 thuequan Shutterstock

Cuộc chiến thuế quan Mỹ-Trung đã gây ra nhiều hệ lụy phiền toái. Ảnh minh họa Shutterstock

"Nếu ông Trump không đạt được thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh G-20, ông sẽ tăng thuế quan lên khối lượng hàng hóa trị giá 300 tỷ USD này", ông Lương Minh (Liang Ming), Giám đốc Viện Thương mại Quốc tế, một đơn vị nghiên cứu thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.

"Ông Trump cần phải vừa đáp ứng được các khiếu nại của doanh nghiệp, vừa tăng được uy tín của mình trước người dân Mỹ vào dịp bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ bằng cách đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, CNBC dẫn lời của ông Lương cho biết.

"Các biện pháp khác chắc chắn không thể có được một động lực mạnh mẽ như một thỏa thuận thương mại", ông Lương nhấn mạnh.

Hôm thứ Ba vừa rồi, ông Trump đã chính thức phát động chiến dịch tái cử tổng thống, bắt đầu từ năm tới.

Ông Wei Jianguo, cựu Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, cũng nhấn mạnh rằng ông Trump cần tăng cường uy tín của ông trước các cử tri trong một cuộc phỏng vấn với CNBC chiều hôm thứ Tư.

Ba điều đã thay đổi kể từ khi các cuộc đàm phán thương mại trở nên tồi tệ hơn vào đầu tháng 5, theo ông Wei Jianguo, người hiện là Phó Chủ tịch và Phó Giám đốc điều hành tại Trung tâm Giao thương Kinh tế Quốc tế có trụ sở tại Bắc Kinh.

"Trước tiên, từ đầu tháng 5 đến nay, Hoa Kỳ đã chứng kiến ​​được rằng Trung Quốc không phải là nước dễ bị đánh bại. Trung Quốc không giống như các nước khác", ông Wei nói.

Thứ hai, ông lưu ý rằng người Mỹ, từ nông dân đến doanh nhân và người tiêu dùng đều phản đối các  mức thuế quan mới và ông Trump đang tụt lại phía sau ông Joe Biden trong các cuộc thăm dò cử tri của nước Mỹ.

Thứ ba, ông Trump vẫn chưa đạt được những lời hứa trong chiến dịch tranh cử tổng thống trước kia như việc đưa ngành sản xuất trở lại Hoa Kỳ.

Tất cả điều này khiến ông Wei tin chắc rằng Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đồng ý đàm phán thêm về thương mại và có được một thỏa thuận vào cuối năm nay, trong đó một trong những điều chính yếu là Hoa Kỳ sẽ thay đổi quan điểm của mình đối với Huawei.

00 huawei BRG

Huawei dường như vẫn là một tâm điểm trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Ảnh BGR

Chính quyền của ông Trump đã đưa Huawei vào "danh sách thù địch", và cấm các công ty Hoa Kỳ giao dịch với công ty viễn thông và điện thoại thông minh này của Trung Quốc.

Trung Quốc đã phản ứng lại bằng cách đe dọa đưa ra một "danh sách các thực thể không đáng tin cậy" nhưng vẫn chưa cung cấp thông tin chi tiết.

Trong khi đó, Huawei đã nhiều lần nói rằng họ không muốn trở thành một phần của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.

Mặc dầu vậy, ông Michael Michaelson, người đứng đầu khu vực Trung Quốc và Đông Bắc Á của Eurasia Group, cho biết: "Huawei vẫn là điểm quan trọng nhất. Các cuộc đàm phán thương mại tới đây dường như không thể diễn ra trừ khi Trung Quốc giải quyết một số vấn đề tiềm năng liên quan tới Huawei. Chắc chắn là ông Trump sẽ đưa vấn đề này ra, dù rằng việc này là khá phức tạp về mặt chính trị cho cả hai phía".

Ông hy vọng rằng ông Trump và ông Tập rất có thể sẽ đồng ý gia hạn các cuộc đàm phán thương mại cho một thời hạn khoảng 60 ngày.

Điều đó tương tự như những gì đã xảy ra lần cuối cùng cả hai nhà lãnh đạo gặp nhau bên lề cuộc họp G-20 ở Argentina vào cuối năm ngoái. 

Dẫu vậy, vẫn có những nghi ngờ về một thỏa thuận được đưa ra từ cuộc họp này.

Ông Jacob Shapiro, Giám đốc phân tích của ấn phẩm trực tuyến Geopolitical Futures, cho biết trong một email trả lời CNBC.

"Tôi nghĩ rằng cả ông Tập lẫn ông Trump đều cần phải khuấy động tình hình bằng việc tìm kiếm sự cứng rắn khi các kỳ bầu cử trong nước đang tiến lại gần trước khi một trong hai người có thể đưa ra những thỏa hiệp cần thiết cho một thỏa thuận", ông Shapio nhấn mạnh.