Trung Quốc sau 15 năm gia nhập WTO: Thuận lợi và khó khăn

Theo baoquocte.vn

Ngày 11/12 đánh dấu mốc 15 năm Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc đã phát triển rất nhanh chóng và vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới. Tuy nhiên, đi cùng với những thuận lợi, nền kinh tế Trung Quốc cũng đối mặt với nhiều khó khăn về môi trường, xã hội.

Dấu mốc 15 năm

Vào khoảng những năm 90 của thế kỷ XX, quá trình toàn cầu hóa bước vào thời kỳ có những thay đổi mạnh mẽ. Hầu hết các nước trên thế giới, đặc biệt là những nước lớn đều điều chỉnh chính sách kinh tế để phù hợp với quá trình toàn cầu hóa nhanh chóng. Cũng giống như các quốc gia khác, Trung Quốc cũng đã có những điều chỉnh quan trọng trong chính sách thương mại của mình cho thích hợp với những thay đổi đó.

Có thể nói, sự điều chỉnh chính sách thương mại của Trung Quốc được tính từ sau năm 1986, đây là thời điểm Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập WTO, là sự tiếp nối công cuộc cải cách mở cửa bắt đầu từ năm 1978.

Trung Quốc sau 15 năm gia nhập WTO: Thuận lợi và khó khăn - Ảnh 1
Lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc tăng vọt từ sau khi gia nhập WTO. (Nguồn: WSJ)

Trải qua một quá trình đàm phán maraton kéo dài 15 năm ròng rã, dài nhất trong lịch sử của WTO với rất nhiều chông gai, cuối cùng, vào ngày 11/12/2001, tại Doha (Qatar), Hội nghị lần thứ 4 cấp Bộ trưởng các nước thành viên của WTO đã nhất trí thông qua quyết định về việc Trung Quốc gia nhập WTO. Sự kiện trọng đại này đã mở ra cho quốc gia đông dân nhất hành tinh những cơ hội tuyệt vời về tăng trưởng, xuất khẩu…

Để trở thành thành viên của WTO, trong quá trình đàm phán, Chính phủ Trung Quốc đã phải cam kết tham gia vào 700 lĩnh vực, tập trung vào 7 nhóm ngành cụ thể là: Nông nghiệp, công nghiệp ô tô, năng lượng – dầu mỏ, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, các dịch vụ Internet và truyền thông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng phải cam kết bãi bỏ hệ thống quản lý bằng hạn ngạch, thực hiện các thỏa thuận về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngay sau khi gia nhập WTO.

WTO làm thay đổi nền kinh tế Trung Quốc

Đối với nhiều người dân Bắc Kinh và Thượng Hải, những lợi thế của việc trở thành thành viên của WTO là khá rõ ràng. Đơn cử như xe Mercedes nhập khẩu có giá rẻ hơn, hay chi nhánh Citibank ở Trung Quốc cung cấp nhiều dịch vụ hơn và chuỗi siêu thị Wal-Mart của Mỹ mở tại đây bán nhiều loại sản phẩm hơn…

Rõ ràng, sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, hàng hóa của các nước đã thâm nhập dễ dàng hơn vào Trung Quốc và ngược lại, hàng công nghiệp của Trung Quốc cũng đã thâm nhập dễ dàng hơn vào thị trường nước ngoài vì các nước không còn đối xử phân biệt giữa hàng Trung Quốc với hàng nhập khẩu từ nước khác. Trung Quốc cũng đã dễ dàng tiếp cận các thị trường EU và Nhật Bản.

Mặt khác, việc gia nhập WTO cũng đang tạo điều kiện cho thị trường dịch vụ của Trung Quốc mở rộng cửa, nhất là dịch vụ xuất nhập khẩu, có tác động tích cực đến việc xuất khẩu của nước này vì FDI của các công ty thương mại quốc tế có nhiều kinh nghiệm trên thương trường và có mạng lưới thông tin rộng khắp trên thế giới, có khả năng tăng nhiều trong lĩnh vực thương mại.

Theo các nhà phân tích, sự biến đổi mạnh mẽ nhất của việc Trung Quốc trở thành thành viên của WTO, đó chính là khối lượng thương mại. Kim ngạch thương mại trên GDP - tiêu chuẩn đánh giá sự mở cửa của một nền kinh tế đối với thế giới bên ngoài - của Trung Quốc đã tăng từ 44% năm 2001 lên khoảng 70% trong những năm từ 2010 trở lại đây. Trong khi đó, giá trị thương mại của Mỹ với các nước còn lại của thế giới chỉ đạt khoảng hơn 20%.

Theo thống kê của Ngân hàng thế giới, kể từ khi gia nhập WTO, xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng trung bình 29%/năm, chiếm 14,6% thị trường xuất khẩu trên toàn thế giới. Điều này có được một phần là nhờ sự điều chỉnh theo một hệ thống mở hơn.

Các nhà phân tích cho rằng, nhịp độ tăng trưởng kinh tế 8-10%/năm của Trung Quốc là một nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong hơn một thập kỷ qua. Năm 2015, GDP của Trung Quốc tăng 6,9%, tương đương tăng 439 tỷ USD, vượt ngưỡng 10 nghìn tỷ USD.

Vẫn còn nhiều thách thức

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu song Trung Quốc cũng đối mặt với không ít thách thức, đó là môi trường bị ô nhiễm, thiếu năng lượng, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền ngày càng gia tăng…

Ngoài ra, theo thống kê, những vụ kiện chống bán phá giá nhằm vào Trung Quốc đã tăng vọt kể từ khi nước này gia nhập WTO, và hiện chiếm tới 1/3 tổng số vụ kiện chống bán phá giá trên toàn cầu. Một số nhà phân tích coi những vụ kiện này là hàng rào bảo vệ cuối cùng được dựng lên ở các nước phát triển trước hàng hóa của Trung Quốc. Có thể thấy rõ, khi Trung Quốc gia nhập WTO, thế giới đã phải đối mặt với một thách thức lớn, đó là buộc phải thích nghi với một nền kinh tế có quy mô lớn như Trung Quốc.

Sau 15 năm gia nhập WTO, Trung Quốc đã bị vướng vào hơn 690 cuộc điều tra về bán phá giá, trợ giá trong nước. Việc vi phạm các quy định về bảo đảm và giải quyết tranh chấp thương mại lên tới 40 tỷ USD. Trong số các thành viên WTO thì EU là những nước đi đầu trong việc áp đặt thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa Trung Quốc, tiêu biểu là giày da và hàng dệt may vào thị trường khối này. Canada, Mỹ và EU đã kiện Trung Quốc trong các vụ tranh chấp liên quan đến các phụ tùng ô tô nhập khẩu vào nước này…

Hiện EU đang duy trì 73 lệnh áp thuế chống bán phá giá, trong đó 56 lệnh là đối với hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong tất cả 56 vụ điều tra đó, EU đều coi Trung Quốc là nền kinh tế phi thị trường.

Trước đây, khi chưa tham gia vào WTO, Trung Quốc vốn luôn bị coi là nước có “nền kinh tế chỉ huy”. Nhưng khi tham gia WTO, Trung Quốc buộc phải cải cách nền kinh tế để được thế giới công nhận là nước có “nền kinh tế thị trường”. Trong 15 năm qua, WTO đã cấp cho Trung Quốc quyền thành viên nhưng buộc Trung Quốc phải chấp nhận “điều khoản tạm thời với nền kinh tế phi thị trường”. Thời hạn 15 năm của giai đoạn chuyển đổi lên “nền kinh tế thị trường” của Trung Quốc sẽ kết thúc vào ngày 11/12 năm nay.

Cũng chính bởi quy chế trên mà trong suốt khoảng thời gian qua, các nước liên tục sử dụng phương pháp “kinh tế phi thị trường” trong điều tra chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Các doanh nghiệp Trung Quốc thường xuyên phải chịu mức thuế chống bán phá giá cao.

Một phần là vì hàng hóa của Trung Quốc có giá rất rẻ và cũng không loại trừ các doanh nghiệp Trung Quốc đã thực sự bán phá giá sản phẩm của mình để chiếm lĩnh thị trường các nước. Nhưng mặt khác cũng phải công nhận rằng phương pháp bất lợi “kinh tế phi thị trường” cũng là một nguyên nhân không nhỏ đẩy thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa Trung Quốc lên rất cao trong các vụ điều tra.

Hy vọng được công nhận là một “nền kinh tế thị trường” của Trung Quốc dường như đã tiêu tan. Đầu năm nay, ngày 12/5, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu không công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường. Điều này có nghĩa là cánh cửa vào thị trường châu Âu vẫn chưa mở rộng cửa cho hàng hóa “Made in China”. Riêng đối với Mỹ, quy chế thị kinh tế thị trường là một công vụ tinh vi để nước này có thể trừng phạt một đối tác áp dụng chính sách trợ giá.

Hiện Trung Quốc đang tăng cường vận động hành lang để được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) công nhận là “nền kinh tế thị trường” bất chấp sự phản đối ngày càng gia tăng từ phía châu Âu và Mỹ.