Trung Quốc sử dụng “Con đường tơ lụa mới” chống bảo hộ

Theo daibieunhandan.vn

Phát biểu tại Diễn đàn Vành đai và Con đường diễn ra ở Bắc Kinh sáng 15.5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng sáng kiến “Vành đai và Con đường” hay còn gọi là “Con đường tơ lụa mới” cần loại bỏ chủ nghĩa bảo hộ và tránh sự phân tán.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình Phát biểu tại Diễn đàn Vành đai và Con đường. Nguồn: internet.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình Phát biểu tại Diễn đàn Vành đai và Con đường. Nguồn: internet.
“Toàn cầu hóa đang đối mặt với “làn gió chướng” - Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố trước 29 nhà lãnh đạo và đại diện của hơn 130 quốc gia đang có mặt tại Bắc Kinh để tham dự diễn đàn, trong đó có cả Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Chủ tịch IMF Christine Lagarde.

Trong bài phát biểu được đặc biệt chú ý của mình, ông Tập Cận Bình đã bảo vệ chủ nghĩa thương mại tự do và chủ nghĩa toàn cầu hóa, đúng vào thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa lên nắm quyền, làm dấy lên mối lo ngại về sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ tại Mỹ.

Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc cam kết chi đến 113 tỷ USD để thúc đẩy các dự án thuộc sáng kiến này. Theo đó, hệ thống đường sắt, đường bộ và những dự án hợp tác khác về cơ sở hạ tầng cần được đẩy nhanh tiến độ. Chủ tịch Trung Quốc nói rằng “Con đường tơ lụa mới” sẽ “phục vụ cho lợi ích của tất cả quốc gia”.

“Sáng kiến Vành đai và Con đường sẽ không lặp lại phương thức cũ của các trò chơi địa chính trị mà nhằm đạt đến sự hợp tác các bên cùng có lợi”, ông Tập nói. “Chúng ta sẽ không thiết lập một nhóm nhỏ nhằm hạ thấp sự ổn định, thay vì đó sẽ vươn đến việc tạo ra một gia đình hòa hợp”.

Sáng kiến Vành đai và Con đường có tên đầy đủ là Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa Trên biển thế kỷ XXI, do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng năm 2013, được coi là một tầm nhìn rộng lớn cho sự kết nối châu Á, châu Phi và châu Âu, với hàng tỷ USD được đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

40 tỷ trong quỹ 100 tỷ USD của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng đã được sử dụng như một quỹ đặc biệt cho dự án này.

Dự án này được các nước đang cần nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng hưởng ứng nhưng lại gây ra quan ngại cho các nước như Nga, Mỹ và Ấn Độ trước nguy cơ Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới.