“Cỗ xe” M&A Trung Quốc giảm tốc
Trong những tháng đầu năm đến nay, hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) của Trung Quốc ở nước ngoài đã đột ngột giảm mạnh sau hai năm nhộn nhịp với những kỷ lục liên tiếp bị phá. Thái độ dè dặt của các chính phủ các nước là những chiếc phanh hãm “cỗ xe “ M&A có xuất xứ từ Trung Quốc.
Dè chừng
Theo thống kê của hãng kiểm toán PwC, tổng giá trị các thương vụ M&A của các doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài trong năm 2016 tăng 246% so với năm 2015 lên hơn 221 tỷ USD, cao hơn tổng số tiền mà họ chi trong 4 năm trước đó cộng lại. Tuy nhiên, các số liệu thống kê mới nhất của PwC cho thấy trong quý I/2017, các doanh nghiệp Trung Quốc mới chi 21,2 tỷ USD cho 142 thương vụ M&A ở nước ngoài, giảm 77% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự bùng nổ của các thương vụ M&A có xuất xứ từ Trung Quốc là do sự hỗ trợ về chính sách và tài chính của Chính phủ nước này.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007 - 2008, trong nỗ lực tận dụng ưu thế của một đồng nhân dân tệ (NDT) mạnh, Bắc Kinh đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong nước thâu tóm tài sản có giá trị hoặc các công ty nước ngoài đang gặp khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng, nhất là các công ty sở hữu kỹ thuật, công nghệ tiên tiến hoặc hoạt động trong ngành công nghiệp then chốt.
Tuy nhiên, hoạt động thôn tính tích cực của các doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài đã khiến chính phủ nhiều nước trên thế giới phải dè chừng. Họ lo ngại các công nghệ quốc phòng có thể rơi vào tay Trung Quốc thông qua hoạt động này và tăng cường giám sát các thương vụ M&A có yếu tố Trung Quốc.
Đáng chú ý, hoạt động M&A của các doanh nghiệp Trung Quốc đã trở nên khó khăn hơn kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức. Với khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again) và “Nước Mỹ trên hết” (American First), ông Trump chủ trương bảo hộ các ngành sản xuất trong nước trước sự thâu tóm của các doanh nghiệp nước ngoài.
Kết quả là số lượng thương vụ M&A bị chặn lại của các doanh nghiệp Trung Quốc đã gia tăng mạnh trên toàn cầu. Trong báo cáo công bố hồi cuối tháng 3/2017, công ty luật đa quốc gia Linklaters LLP cho biết trong 220 tỷ USD tổng giá trị các thương vụ M&A mà các doanh nghiệp Trung Quốc công bố trong năm ngoái, có từ 40 đến 75 tỷ USD bị hủy hoặc bác bỏ. Nhiều thương vụ đã bị bác do các quan ngại về lợi ích hoặc an ninh quốc gia.
Chẳng hạn, thương vụ mua lại Aixtron SE - một công ty sản xuất thiết bị bán dẫn có trụ sở ở Đức - đã không được thực hiện sau khi Chính quyền Mỹ phản đối. Hay kế hoạch của GO Scale Capital (Trung Quốc) mua một công ty sản xuất bóng điện thuộc tập đoàn Royal Philips NV đã thất bại sau khi bị Ủy ban Đầu tư Nước ngoài của Mỹ bác bỏ.
Siết chặt
Một nguyên nhân khác là do sự lo ngại của Bắc Kinh về tình trạng đầu tư tràn lan, không hiệu quả và sự mất giá của đồng NDT. Tờ “Tin tức Chứng khoán Thượng Hải” mới đây dẫn lời ông Pan Gongsheng, người đứng đầu Cơ quan Quản lý ngoại hối Trung Quốc (SAFE) kiêm Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), cho biết nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang nợ chồng chất nhưng vẫn vay một khoản tiền lớn khác để thực hiện các thương vụ M&A. Một số khác giả vờ như đầu tư nhưng thực ra là để chuyển tài sản của họ ra nước ngoài.
Vì vậy, tháng 12/2016, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC), Bộ Thương mại, PBOC và SAFE tuyên bố họ sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động đầu tư ra bên ngoài vào các lĩnh vực khách sạn, câu lạc bộ thể thao, xưởng phim và bất động sản. Trước đó, tháng 11/2016, SAFE đã bắt đầu rà soát kỹ lưỡng các giao dịch ngân hàng có giá trị từ 5 triệu USD trở lên. Sau đó, vào tháng 1/2017, SAFE tiếp tục ban hành văn bản hướng dẫn nhằm siết chặt quy trình thẩm định đối với các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
Cùng với nguồn tiền bị thắt chặt, sự thẩm định kỹ càng hơn, nhất là đối với các dự án đầu tư vào các lĩnh vực được coi là không có tính chiến lược như thể thao, giải trí… hoặc có giá trị quá lớn, khiến cho thời gian hoàn tất các thương vụ M&A kéo dài hơn.
Mặc dù vậy, theo giới phân tích, hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực mang tính chiến lược vẫn được khuyến khích. Thêm vào đó, nhiều công ty của Trung Quốc đã đối phó với các chính sách siết chặt tín dụng của Bắc Kinh bằng cách tìm kiếm các khoản vay ở nước ngoài để phục vụ cho các thương vụ M&A ở bên ngoài.