Hợp tác và cạnh tranh

Theo daibieunhandan.vn

Một trong những sự kiện nổi bật của tuần qua là việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Hiện mối quan hệ Mỹ - Trung luôn nhận được sự quan tâm của thế giới cũng như định hình các chính sách ngoại giao của nhiều quốc gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Thẳng thắn và tích cực

Thời gian gần đây, tình hình khu vực và thế giới diễn biến hết sức phức tạp, như vấn đề Triều Tiên, thậm chí Bình Nhưỡng đã thử tên lửa hạt nhân ngay trước cuộc gặp của ông Tập Cận Bình và Donald Trump; khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc; tranh chấp trên Biển Đông, Biển Hoa Đông; chủ nghĩa dân túy lên ngôi, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có xu hướng gia tăng toàn cầu… Những yếu tố ấy đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc gặp Trung - Mỹ.

Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Mỹ Tillerson, Bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung đã diễn ra rất “thẳng thắn” và “ tích cực”. Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác trên tinh thần đôi bên cùng có lợi và dung hòa các khác biệt, trong đó nội dung trọng điểm được đề cập là quan hệ thương mại và chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Tổng thống Trump cho rằng Trung Quốc cần thay đổi chính sách kinh tế nhằm tạo sân chơi bình đẳng, cân bằng cho người lao động Mỹ, nhấn mạnh đến việc hai bên cần tiếp cận thị trường của nhau. Mỹ - Trung cam kết sẽ tiếp tục đàm phán về thương mại trong vòng 100 ngày tới. Trung Quốc cũng đã mời Mỹ tham gia hợp tác xây dựng sáng kiến “Một vành đai, một con đường”.

 Hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý về “tính cấp bách và đe dọa của chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên”, nhất trí đồng ý phối hợp và làm việc với cộng đồng quốc tế để giải quyết vấn đề “một cách hòa bình”, cam kết tuân theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.

Ngoài các chủ đề quan tâm nói trên, ông Trump cũng thông báo với ông Tập về vụ tàu chiến Mỹ bắn tên lửa Tomahawk vào Syria; giải thích quan điểm của Washington về triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối ở Hàn Quốc (THAAD)…

Đây là lần thứ 8 ông Tập Cận Bình thăm Mỹ và là lần thứ hai trên cương vị Chủ tịch Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là lần gặp đầu tiên của người đứng đầu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ khi ông Trump bước chân vào Nhà Trắng. Kết quả tốt đẹp của chuyến thăm đã khiến Tổng thống Mỹ vui vẻ nhận lời mời thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình, có thể là vào cuối năm nay.

Theo Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, Trung Quốc và Mỹ luôn duy trì trao đổi và qua lại mật thiết ngay từ khi ông Trump còn đang tranh cử. Điều đó cực kỳ quan trọng trong việc phát triển lành mạnh và thuận lợi mối quan hệ song phương.

Xây dựng mối quan hệ nước lớn kiểu mới

Theo nhiều nhà phân tích, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang mong muốn xây dựng mối quan hệ nước lớn kiểu mới. Có thể nhận thấy, không khí đón tiếp trọng thị đối với Chủ tịch Tập Cận Bình hoàn toàn tương phản với “giọng điệu riết róng” với Trung Quốc của ông Trump trước đó. Hai cháu ngoại của Tổng thống Mỹ còn hát và ngâm thơ bằng tiếng Quan thoại trước mặt Chủ tịch Tập và phu nhân.

Nói chung, quan hệ Mỹ - Trung tương đối ổn định kể từ khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon có chuyến thăm Trung Quốc vào năm 1972. Đây được gọi là sự kiện quan trọng biến “cái bắt tay lịch sử giữa lãnh đạo hai nước bên kia Thái Bình Dương” thành hiện thực và đánh dấu sự khởi đầu một kỷ nguyên mới. Từ đó, xu hướng quan hệ là hợp tác pha lẫn cạnh tranh nhưng hợp tác luôn lấn át.

Tuy nhiên, khi ông Donald Trump lên cầm quyền, mối quan hệ đó có thể bị đảo ngược hoàn toàn. Chẳng hạn như, hồi tranh cử, vị tỉ phú Mỹ từng phê phán quyết liệt chính sách thương mại của Trung Quốc với Mỹ, đồng thời cam kết sẽ không để Trung Quốc “thao túng tiền tệ và gian lận” nếu như trở thành Tổng thống. Thậm chí mới đây, khi đã trở thành chủ nhân Nhà Trắng, ông còn ký sắc lệnh điều tra lại quan hệ thương mại với hơn 10 nước, trong đó Trung Quốc…

Tuy nhiên, sau cuộc gặp vừa qua, hai nhà lãnh đạo đã xây dựng được mối quan hệ cá nhân tốt đẹp, hiểu biết nhau hơn cũng như có “niềm tin ban đầu” nhất định, theo nhận xét của các quan chức Mỹ. Đây chính là nền móng đầu tiên và hết sức quan trọng trong quan hệ song phương kiểu mới thời gian tới.

Một số nhà quan sát cho rằng, có thể nhận rõ quan hệ trên nếu so sánh thời của ông Trump với thời của người tiền nhiệm Obama. Chẳng hạn, biến đổi khí hậu từng được coi là một trong những trụ cột trong quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Obama thì nay không còn được coi trọng như trước nữa. Thay vào đó, mối quan hệ thương mại, kinh tế sẽ lên ngôi. Chắc chắn ông Trump sẽ quyết tâm tạo dấu ấn trên lĩnh vực này để thực hiện những cam kết tranh cử.

Ngay cả quan hệ Trung - Mỹ trong vấn đề Triều Tiên cũng có sự khác biệt. Nếu ở thời ông Obama, sức ép về vấn đề Triều Tiên không quá lớn thì vừa qua ông Trump đã thể hiện sức ép khá rõ rệt. Trung Quốc và Mỹ trong cuộc hội đàm thượng đỉnh đã khẳng định tình hình Triều Tiên đã đi đến giới hạn nguy hiểm.

Khi đã nói như vậy, hai bên sẽ có những hành động cụ thể. Như vậy, việc xử lý vấn đề trên của Mỹ và Trung Quốc dưới thời ông Trump sẽ rất khác so với các chính quyền Mỹ trước đây. 

Dù “thân hay thường”, mối quan hệ Mỹ - Trung chắc chắn sẽ đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu nhằm hiện thực hóa “Giấc mơ Trung Hoa” cũng như tham vọng làm cho “Nước Mỹ vĩ đại lần nữa” của cả hai nhà lãnh đạo.