Trung Quốc: Tăng trưởng nhanh bất ổn lắm
(Tài chính) Trung Quốc đang là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và nhiều khả năng, trong một thời gian ngắn sắp tới, sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, tăng trưởng quá nhanh cũng để lại những hệ quả không thể tránh khỏi.
Là nước liên tục tăng trưởng kinh tế với tốc độ hai con số trong vài thập kỷ qua, song thực tế, Trung Quốc đang ngày càng “bỏ rơi” người dân nghèo của mình. Thay vì cho ra đời một tầng lớp trung lưu đô thị to lớn, Trung Quốc lại chỉ sản sinh một tầng lớp thượng lưu nhỏ bé.
Trong nhiều năm liền, chính quyền Trung Quốc không công bố hệ số đánh giá phân hóa giàu nghèo (Gini) của nước này, nhưng năm 2012, khi được công bố thì chỉ số này đã là 0,474, (vượt ngưỡng an toàn 0,4). Con số trên thậm chí bị cho là chưa phản ánh đúng sự thật về khoảng cách giàu nghèo ngày một dãn rộng tại Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê của Forbes, với 122 tỷ phú, Trung Quốc là nơi tập trung tỷ phú đông thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, 13% dân số quốc gia này hiện đang sống với mức thu nhập thấp hơn 1,25 USD một ngày, nghĩa là vẫn còn hàng trăm triệu người sống dưới ranh giới nghèo.
Trong khi đó, có rất nhiều tỷ phú Trung Quốc có liên quan đến chính trị. 90 tỷ phú đang nắm giữ các chức vụ khác nhau trong chính quyền Trung Quốc. Các kỳ họp Quốc hội Trung Quốc thường được truyền thông nước này mô tả là các “tuần lễ thời trang cao cấp” bởi các đại biểu đều xúng xính trong những trang phục và phụ kiện hàng hiệu có giá ngất ngưởng.
Tham nhũng không thể kiểm soát
Ở Trung Quốc, nhóm lãnh đạo mới của ông Tập Cận Bình đang nói rất nhiều về nỗ lực phải thu hẹp khoảng cách giàu nghèo nhằm ổn định xã hội, nhưng cải cách cần thiết vẫn chưa thành hiện thực. Lãi suất thấp vẫn bòn rút người tiết kiệm để trợ cấp cho những tập đoàn theo mô hình tư bản nhà nước.
Bên cạnh đó, tín dụng ngầm, tỷ lệ nợ của chính quyền địa phương, tham nhũng… đang được coi là những nguy cơ đối với sự ổn định của cả hệ thống kinh tế Trung Quốc. Chính quyền trung ương Trung Quốc không thể kiểm soát được hết tất cảmọi việc đang xảy ra ở địa phương.
Báo cáo của ngân hàng JPMorgan công bốvào năm 2013 ước tính, kích cỡ của phân khúc tín dụng “ngầm” của Trung Quốc đã tăng gấp đôi từ năm 2010 đến 2012, lên tới 6.000 tỷUSD.
Liên quan đến tham nhũng, gần đây nhất, ngày 15/5, Trung Quốc đã bắt giữ quan tham Vi Bằng Nguyên (Wei Pengyuan), Phó Trưởng phòng Quản lý than thuộc Ủy ban Quản lý Năng lượng Quốc gia. Khám nhà ông này, cơ quan chức năng Trung Quốc đã phát hiện số tiền mặt có được do tham nhũng lên tới 100 triệu NDT (16 triệu USD). Với số tiền có mệnh giá cao nhất là 100 NDT thì số tiền ở nhà ông này có thể chất cao tới 100 mét. Để đếm hết được số tiền này, cảnh sát đã phải sử dụng tới 16 máy đếm tiền, trong đó có 4 chiếc máy bị ngừng hoạt động giữa chừng do quá tải.
Các chuyên gia cho rằng chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình gần đây được lòng dân nhưng vấn nạn tham nhũng ở nước này đã ở quy mô rất lớn. Chiến dịch chống tham nhũng cũng đang dẫn đến kết quả cô lập, bất đồng và chia rẽ trong giới cầm quyền nước này nhưng ông Tập Cận Bình không thể dừng bước bởi hố sâu ngày càng tăng giữa người nghèo và người giàu tại Trung Quốc là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt những cuộc nổi dậy và bạo động gần đây.
Các bất ổn kinh tế - xã hội ở Trung Quốc thời gian qua là đề tài được các nước Phương Tây đặc biệt quan tâm, đặc biệt việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xuống khu vực Biển Đông được cho là phần nào sẽ đánh lạc hướng dư luận khỏi các vấn đề trong nước.
Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 5 - 2014