Trung Quốc tiếp tục tăng dự trữ vàng tháng thứ 6 liên tiếp


Trung Quốc đã tăng dự trữ vàng tháng thứ 6 liên tiếp, trở thành một trong những quốc gia tích cực thu mua vàng nhiều nhất thế giới thời gian gần đây.

Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang tăng cường dự trữ vàng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 13 năm trở lại đây. (Ảnh: CNBC).
Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang tăng cường dự trữ vàng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 13 năm trở lại đây. (Ảnh: CNBC).

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vừa công bố dữ liệu cho thấy dự trữ vàng của Trung Quốc tính đến cuối tháng 4/2023 đạt 2.076,47 tấn, tăng nhẹ 8,09 tấn so với hồi tháng 3/2023. Tuy nhiên, đây là tháng thứ 6 liên tiếp Trung Quốc tăng dự trữ vàng, tổng lượng vàng được nước này mua ròng vào trong 6 tháng qua lên đến 128 tấn.

Theo Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng toàn cầu mới nhất được Hội đồng Vàng Thế giới công bố, nhu cầu dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương đã tăng lên đáng kể trong quý I/2023. Dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã tăng thêm tới 228 tấn trong quý I/2023, cao hơn 34% so với mức 171 tấn ghi nhận hồi quý I/2013, qua đó xác lập mức tăng thêm mạnh nhất theo quý từ trước đến nay.

Tốc độ mua vàng của các ngân hàng trung ương hiện cũng ở mức nhất trong vòng 13 năm trở lại đây. Trong đó, PBoC là một trong những ngân hàng trung ương tích cực thu mua vàng nhất trên toàn cầu.

Vàng đang nổi lên như một tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh hệ thống tài chính toàn cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro và môi trường kinh tế thế giới đầy thách thức. Các ngân hàng trung ương tăng cường mua vàng nhằm đa dạng hoá tài sản và bảo vệ nguồn dự trữ trước các tác động kinh tế phức tạp.

Bên cạnh đó, giới phân tích nhận định vàng đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong một thế giới đa cực. Những quốc gia có lượng mua ròng vàng lớn nhất trong những tháng vừa qua có tới 3 thành viên thuộc nhóm các kinh tế lớn mới nổi (BRICS, gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Các quốc gia khối BRICS cần tăng dự trữ vàng để hỗ trợ đồng nội tệ của mình và đa dạng hoá dự trữ ngoại hối. Dự báo khối BRICS sẽ tiếp tục mua vàng dự trữ trong thời gian tới nhằm giảm hơn nữa sự phụ thuộc vào đồng USD.

Đồng USD vốn là đồng tiền dự trữ ngoại hối chủ chốt và cũng là đồng tiền thanh toán chủ yếu trong các hoạt động ngoại thương trên toàn cầu trong gần 100 năm qua. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều giao dịch thương mại quốc tế được thanh toán bằng các đồng tiền mới nổi, đặc biệt là đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. 

Dữ liệu của Cục Quản lý ngoại hối Trung Quốc cho biết tỷ lệ sử dụng đồng Nhân dân tệ trong giao dịch xuyên biên giới của Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 48% trong tháng 3/2023, từ mức gần 0% vào năm 2010. Trong khi đó, tỷ lệ này của đồng USD giảm từ 83% xuống còn 47% trong cùng giai đoạn.

Đây là lần đầu tiên đồng Nhân dân tệ vượt qua đồng USD trở thành đồng tiền được Trung Quốc sử dụng nhiều nhất trong giao dịch xuyên biên giới. Qua đó, đánh dấu cột mốc quan trong của nước này trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong giao dịch ngoại thương.

Tính đến cuối tháng 4/2023, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt 3,2048 nghìn tỷ USD, tăng 20,9 tỷ USD, tương đương 0,66% so với cuối tháng 3/2023. Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc cho biết, trong tháng 4, chỉ số USD giảm và giá tài sản tài chính toàn cầu nhìn chung tăng.

Dưới tác động kết hợp của chuyển đổi tỷ giá hối đoái và thay đổi giá tài sản, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã tăng lên. Theo cơ quan này, sự phát triển của kinh tế Trung Quốc cho thấy xu hướng phục hồi tích cực, điều này có lợi cho việc duy trì sự ổn định cơ bản của dự trữ ngoại hối.

Theo Tạp chí Công thương