Trung Quốc tung gói kích thích kinh tế “khủng”, doanh nghiệp Việt nào hưởng lợi?


Việc Trung Quốc tung ra gói kích thích kinh tế lớn nhất từ đại dịch COVID-19 được kỳ vọng tạo ra tác động lan toả tích cực đến một số doanh nghiệp Việt Nam.

Gói kích thích kinh tế lần này của Trung Quốc tập trung vào việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa, thị trường bất động sản, và thị trường chứng khoán.
Gói kích thích kinh tế lần này của Trung Quốc tập trung vào việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa, thị trường bất động sản, và thị trường chứng khoán.

Kỳ vọng tác động lan toả đến thị trường khu vực

Mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã tung ra một loạt chính sách kích thích kinh tế trong bối cảnh quốc gia này gặp nhiều khó khăn do sự trì trệ của thị trường bất động sản và tiêu dùng nội địa ảm đạm. Theo đó, gói kích thích kinh tế bao gồm các giải pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán.

Đây được đánh giá là gói kích thích kinh tế lớn nhất từ đại dịch COVID-19 đến nay của Chính phủ Trung Quốc, thậm chí quy mô có thể lớn hơn cả gói kích thích kinh tế trong khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Theo đánh giá sơ bộ của J.P Morgan Chase (Mỹ), riêng việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) giảm tỷ lệ dự trữ bắt buốc 0,5%, xuống mức thấp nhất từ năm 2020, sẽ bơm khoảng 1.000 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 142 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc cũng cho phép các công ty chứng khoán, bảo hiểm, các quỹ đầu tư tiếp cận nguồn vốn của PBoC để mua cổ phiếu, trái phiếu, ETFs với hạn mức hơn 70 tỷ USD. PBoC cũng có gói vay lãi suất 1,75% dành cho các ngân hàng với hạn mức khoảng 42 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp niêm yết mua lại cổ phần.

Với gói kích thích kinh tế quy mô lớn và động thái quyết liệt, Trung Quốc đã cho thấy quyết tâm vực dậy nền kinh tế đang trì trệ và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường. Theo đánh giá của Chứng khoán Agribank (Agriseco), những chính sách trên sẽ có những tác động nhất định tới nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo đó, các chính sách của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ kích thích cầu tiêu dùng nội địa qua đó gia tăng nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các nước khác, bao gồm Việt Nam. Hiện nay Trung Quốc là đối tác thương mại lớn, là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 37,86 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2024.

Về phía nhập khẩu, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 99,29 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm. Với kỳ vọng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc phục hồi sẽ giúp chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu được tiết giảm, hỗ trợ chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam, Chứng khoán Agribank nhận định.

Doanh nghiệp Việt nào sẽ hưởng lợi?

Kim ngạch xuất khẩu một số nhóm mặt hàng tiêu biểu của doanh nghiệp nội địa Việt Nam sang Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay (triệu USD). (Nguồn: Tổng cục Hải quan, Agriseco)
Kim ngạch xuất khẩu một số nhóm mặt hàng tiêu biểu của doanh nghiệp nội địa Việt Nam sang Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay (triệu USD). (Nguồn: Tổng cục Hải quan, Agriseco)
Theo Chứng khoán Agribank, các nhóm ngành thép, dầu khí, cao su, và thuỷ sản của Việt Nam sẽ hưởng lợi từ sự lan toả của gói kích thích kinh tế trên.

Đối với ngành thép, các nhóm giải pháp của Trung Quốc tập trung vào nới lỏng chính sách tiền tệ hay hỗ trợ thị trường nhà ở đều kỳ vọng tác động tích cực đến thị trường bất động sản, ngành xây dựng và vật liệu của quốc gia này. Nhu cầu vật liệu xây dựng như thép có thể tăng lên từ vùng đáy và hỗ trợ giá thép toàn cầu dần phục hồi.

Đối với ngành dầu khí, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc sẽ chiếm hơn 1/4 tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu. Với kỳ vọng các chính sách hỗ trợ sẽ giúp nền kinh tế Trung Quốc phục hồi, nhu cầu tiêu thụ dầu có thể tăng lên một cách nhanh chóng và khiến giá dầu tăng cao.

Đối với ngành cao su, kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2024 đạt 1,14 tỷ USD, chiếm 65% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Kỳ vọng các ngành công nghiệp sản xuất đặc biệt là ngành sản xuất ô tô của Trung Quốc sẽ phục hồi kéo theo nhu cầu cao su tăng trưởng. Các doanh nghiệp cao su của Việt Nam kỳ vọng hưởng lợi trong bối cảnh giá cao su tăng cao như hiện tại.

Xem thêm: "Thị trường thép Trung Quốc dần tạo đáy, giá thép Việt Nam kỳ vọng tăng trở lại từ quý 4" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đối với ngành thuỷ sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản quan trọng của Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 1,02 tỷ USD, chiếm khoảng 16% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Với các chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế, kích thích cầu tiêu dùng, kỳ vọng các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc như cá tra, tôm sẽ được hưởng lợi và tiếp tục cải thiện.

Dựa trên điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết hiện nay, Chứng khoán Agribank đánh giá có 08 doanh nghiệp tiêu biểu có thể hưởng lợi từ tác động lan toả của việc Trung Quốc kích thích kinh tế, gồm: Tập đoàn Hoà Phát (HPG) và Tập đoàn Hoa Sen (HSG) trong ngành thép; Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) và Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, PVD) trong ngành dầu khí; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (GVR) và Công ty Cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk (DRI) trong ngành cao su; Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) và Công ty Cổ phần Nam Việt (ANV) trong ngành thuỷ sản.

Bên cạnh đó, với tín hiệu mạnh mẽ từ phía Trung Quốc trong việc kích thích kinh tế, các quốc gia khác trong khu vực bao gồm Việt Nam được kỳ vọng sẽ có thể tiếp tục duy trì và tăng cường các chính sách nới lỏng tiền tệ, kích thích kinh tế.

Ngoài ra, cú hích từ gói kích thích kinh tế sẽ tăng tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán, tạo ra nhân tố thúc đẩy quá trình đảo chiều dòng vốn ngoại từ trạng thái bán ròng thành mua ròng tại các thị trường châu Á giai đoạn cuối năm.

Theo Tạp chí Công thương