Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

PV. (Tổng hợp)

(Tài chính) Theo dự kiến, ngày 27/2/2013, Ban Kinh tế Trung ương, dưới sự chủ trì của ông Vương Đình Huệ - Trưởng ban Kinh tế Trung ương sẽ làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). PVN là đơn vị đầu tiên Ban Kinh tế Trung ương làm việc, với nội dung chủ yếu xoay quanh báo cáo kết luận của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển PVN đến 2015 và 2025.

Hoạt động kinh doanh của PVN được dư luận đặc biệt quan tâm
Hoạt động kinh doanh của PVN được dư luận đặc biệt quan tâm
Đây cũng là buổi làm việc chính thức đầu tiên của ông Vương Đình Huệ trên cương vị Trưởng ban Kinh tế Trung ương với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Ngoài các thành viên của Ban Kinh tế Trung ương, tham dự cuộc gặp với PVN còn có đại diện của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, lãnh đạo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.

Sau khi được tái lập, Ban Kinh tế Trung ương được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ trước hết là chủ trì, tham gia nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các chính sách lớn về kinh tế - xã hội cho Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.  Ban Kinh tế Trung ương cũng sẽ chịu trách nhiệm thẩm định các đề án về kinh tế-xã hội trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Cùng với đó là hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương trong thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách về kinh tế-xã hội; chủ trì hoặc tham gia sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quyết định… của Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kinh tế - xã hội.

Ban Kinh tế Trung ương sẽ giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư nắm tình hình, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, đổi mới, tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững theo chương trình, kế hoạch và phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư...

Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước, việc Ban Kinh tế Trung ương lựa chọn làm việc đầu tiên với một tập đoàn lớn như PVN là một tín hiệu đáng chú ý.

PVN là tập đoàn đảm nhận lĩnh vực quan trọng của kinh tế Việt Nam. Theo báo cáo của PVN, năm 2012, tập đoàn này lần đầu tiên đạt kỷ lục về doanh thu - hơn 770.000 tỷ đồng, bằng 117% kế hoạch năm, tăng 14,4% so với năm 2011. Tập đoàn nộp ngân sách Nhà nước hơn 186.000 tỷ đồng, tăng 18,5% so với kế hoạch. Tổng lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp tập đoàn đạt 113.000 tỷ đồng bằng 119,4% kế hoạch năm.

Trong năm 2012, hoạt động dịch vụ dầu khí mang lại doanh thu trên 234.000 tỷ đồng cho PVN, bằng 102% kế hoạch năm, tăng 13% so với 2011 và chiếm 30% tổng doanh thu toàn tập đoàn.

Năm 2013, PVN đặt mục tiêu doanh thu 653.300 tỷ đồng và nộp ngân sách 143.200 tỷ đồng.