TS. Nguyễn Đình Cung: Đừng thổi phồng chiến tranh thương mại gây hoang mang cho nhà đầu tư

Theo N.A/ndh.vn

Ông Cung cho rằng cuộc chiến sẽ không có tác động nhiều đến nền kinh tế thực của Việt Nam.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM. Nguồn: ndh.vn
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM. Nguồn: ndh.vn

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng không nên đẩy quá cao tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tới kinh tế Việt Nam. Cơ bảnViệt Nam có lợi nhưng nhiều người đẩy tiêu cực của cuộc chiến đến mức có hại. Theo quan sát của ông Cung, cuộc chiến sẽ không có tác động nhiều đến nền kinh tế thực của Việt Nam.

"Hãy nghĩ rằng chúng ta có lợi trong chiến lược và địa chính trị. Chúng ta không nên quá thổi phồng tác động của chiến tranh thương mại gây hoang tâm lý cho các nhà đầu tư", Viện trưởng CIEM nhận định tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam: Cải cách và triển vọng trong một thế giới nhiều biến động" ngày 20/7.

Theo CIEM, tác động gián tiếp khá khó lường do phản ứng quá nhanh và quá mức của nhà đầu tư trên thị trường tài chính có thể ảnh hưởng đến tỷ giá, dòng vốn ra - vào Việt Nam và có thể tương tác với cả thị trường vốn Việt Nam. Nhìn theo hướng tích cực, ông Cung cho rằng thị trường chứng khoán điều chỉnh thực chất có lợi cho kinh tế Việt Nam trong dài hạn, tránh nền kinh tế nóng quá dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô.

Về phía nền kinh tế thực, CIEM phân tích động trực tiếp của việc Mỹ áp bổ sung thuế nhập khẩu thêm 25 điểm phần trăm đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (trị giá 34 tỷ USD, từ 6/7/2018) có thể khá hạn chế.

Tác động tổng thể của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể khiến tăng trưởng, tổng cầu kinh tế thế giới giảm. Tuy nhiên theo ông Cung, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chưa phải là những mặt hàng nhạy cảm với cầu, theo đó, chưa thấy rõ tác động.

Trong khi đó, các mặt hàng Mỹ đánh thuế Trung Quốc phần lớn là công nghệ cao, tại thời điểm hiện nay Việt Nam chưa có nhu cầu đối với các mặt hàng đó. Nguy cơ hàng Trung Quốc trong diện đánh thuế xuất sang Việt Nam ồ ạt là không có. Bởi những mặt hàng này nằm trong diện đánh thuế là hàng "Made in China 2025" và Việt Nam không đủ dung lượng.

Về nguy cơ hàng hóa từ Mỹ sang Việt Nam, theo ông Cung có thể có đối với các mặt hàng nông sản, đậu tương, thịt bò... Ở mức độ nào đó, điều này có thể khiến giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam. Các hàng hóa này có thể vào và cạnh tranh với nông sản Việt Nam nhưng không quá lo ngại.

"Điểm này sẽ có lợi cho Việt Nam vì có thể chia sẻ sự quan tâm của Mỹ đối với vấn đề giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Viêt Nam", ông Cung nhận định.

Theo vị chuyên gia, điều cần quan tâm là vấn đề tạm nhập tái xuất nông sản Mỹ vào Việt Nam rồi sang Trung Quốc. Điều đó xảy ra có thể khiến Trung Quốc dựng hàng rào kỹ thuật đối với nông sản Việt Nam, khiến nông sản Việt có thể bị vạ lây. Tương tự, Việt Nam cần quan tâm đến vấn đề sắt thép từ Trung Quốc có thể tạm nhập tái xuất sang Mỹ. "Việt Nam cần tránh bằng được những khả năng này", Viện trưởng CIEM bày tỏ.

Việc Trung Quốc sử dụng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu từ Việt Nam là một khả năng bất lợi. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách vĩ mô (CIEM) cho rằng cơ hội, dù ít và khó khăn, vẫn hiện hữu khi Việt Nam có thể tranh thủ thu hút những dòng vốn đầu tư chuyển hướng khỏi Trung Quốc. Nghĩa là có thể nhập có chọn lọc những sản phẩm công nghệ phù hợp của Trung Quốc với giá cạnh tranh hơn.

"Cuộc chiến này có thể kéo dài, quy mô có thể thay đổi tùy vào bối cảnh. Đây là cuộc chiến cạnh tranh về địa chính trị, không chỉ đơn thuần là cuộc chiến thương mại. Việc cuộc chiến kéo dài bao lâu còn phải xem xét.

 

Rõ ràng Trung Quốc đã thách thức vị trí siêu cường của Mỹ, trước mắt là về kinh tế. Mỹ sẽ không muốn nhìn thấy điều đó và họ đã hành động.

 

Trong cuộc chiến này, các bên sẽ lôi kéo liên minh. Tuy nhiên, hiện nay các nước không muốn thay đổi trật tự này. Các nước không muốn Trung Quốc dẫn dắt luật chơi toàn cầuvì Trung Quốc là một nước khó đoán định.Khi Trung Quốc lôi kéo EU (đối tượng cũng chịu trừng phạt thương mại của Mỹ), nhưng EU đã không mấy quan tâm đến lời mời nay. Đây là cách cần nhìn tổng thể hơn về cuộc chiến thương mại này".

 

TS. Nguyễn Đình Cung