Chiến tranh thương mại: Phải tìm ra lợi thế để vượt qua

PGS,T.S. Nguyễn Văn Lịch, Học viện Ngoại giao

Dự báo, những xung đột thương mại có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu và sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cũng như hàng loạt nước khác, đi liền với đó là hành động đáp trả của các nước đã đẩy căng thẳng thương mại ngày càng leo thang.

Dự báo, những xung đột này còn có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu và sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế thế giới. Trước thực tế này, một câu hỏi đang được đặt ra là mức độ ảnh hưởng tới Việt Nam như thế nào và nên ứng phó ra sao?

Chính sách bảo hộ mậu dịch ngày càng lan rộng

Có thể nói rằng, cuộc chiến thương mại trên thế giới đã bắt đầu. Quyết định của Tổng thống Trump áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực từ 0 giờ ngày 6/7/2018 (giờ Mỹ). Đây được xem là bước đi đầu tiên có thể dẫn tới một loạt các mức thuế mới. Không chỉ với Trung Quốc, Mỹ cũng đã áp dụng mức thuế mới với hàng loạt nước khác.

Lẽ tất nhiên, các nước này cũng đang "đáp trả" Mỹ. Cụ thể, ngày 5/6/2018, Mexico đã áp thuế đối với hàng hóa Mỹ. Ngày 6/7/2018, Nga đã quyết định áp thuế bổ sung từ 25 - 40% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Ngày 5/7/2018, Hàn Quốc cho biết, những biện pháp hạn chế của Mỹ đối với các mặt hàng thép, máy giặt và pin năng lượng mặt trời của nước này sẽ khiến Hàn Quốc bị mất gần 16.000 việc làm trong 3 ngành sản xuất kể trên và thiệt hại 2,4 tỷ USD trong vài năm tới. Nam Phi cũng cảnh báo về những hậu quả khôn lường từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới.

Trong khi đó, nhiều thành viên lớn khác của WTO như EU, Ấn Độ, Canada... cũng đang có các biện pháp để đối phó với Mỹ. Thực tế này đang phủ bóng đen lên triển vọng của nền kinh tế thế giới. Việc Mỹ bảo hộ thương mại đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ của EU, G7, dẫn đến việc Hội nghị thượng đỉnh G7 vừa qua đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ kết quả nào.

Cuộc chiến này cho thấy Tổng thống Trump kiên trì theo đuổi chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ thương mại, với việc  Mỹ đã rút khỏi TPP, TTIP, yêu cầu đàm phán lại NAFTA. Điều này đã gây ra những tác động tiêu cực cho toàn thế giới. Cộng đồng quốc tế đều cảm thấy lo ngại, thậm chí thất vọng trước tình hình căng thẳng thương mại đang leo thang.

Dự báo, xung đột này còn có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu và sẽ ảnh hướng tới tăng trưởng kinh tế thế giới, ước tính tương đương từ 1 đến 3% trong vài năm tới. Điều quan trọng là trong chiến tranh thương mại, không bao giờ có người thắng. Đàm phán và thỏa hiệp luôn là những giải pháp tốt hơn. Thế nhưng, các nước vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Theo cách tính của Trung Quốc, khi phân tích về nhập siêu của họ, cần phải tính tới 3 yếu tố: Thứ nhất, Mỹ kiểm soát hoạt động xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao và hàng không vũ trụ sang Trung Quốc. Thứ hai, trong khối lượng nhập siêu thương mại của Mỹ, có ít nhất 20% bị tính toán cao hơn so với giá trị thực tế. Thứ ba, nhập siêu thương mại Mỹ-Trung đã được hình thành trong suốt thời gian dài, loại bỏ nó là bất khả thi, vì đây là “căn bệnh trầm kha”. Mặt khác, việc Mỹ nâng cao hàng rào thuế quan sẽ trực tiếp tác động đến sức mua của người dân Mỹ.

Tuy nhiên, theo Trung Quốc, ảnh hưởng của mâu thuẫn thương mại giữa hai bên là không cao và có hạn. Mặt khác, Trung Quốc đã chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sang thúc đẩy đầu tư và tiêu thụ nội địa.

Cuộc chiến này còn có tác động tích cực cho Trung Quốc, vì họ sẽ đẩy mạnh tự chủ sáng tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ cơ bản, qua đó giúp Trung Quốc sớm thực hiện mục tiêu trở thành đất nước mạnh về sản xuất công nghiệp, khoa học công nghệ, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao. Đồng thời, Trung Quốc sẽ chuyển hướng thương mại, chẳng hạn như họ đang tích cực đặt mua đậu tương từ Brazil.

Đối với Mỹ, tình hình có vẻ phức tạp hơn: 70% nông sản xuất khẩu của Mỹ là đến các nước đang tiến hành đàm phán, hoặc có tranh chấp thương mại với Mỹ. 46% sản phẩm rượu mạnh xuất khẩu của Mỹ (759 triệu USD) sẽ thua thiệt vì các biện pháp trả đũa... 

Nông dân Mỹ sẽ mất 15% tổng thu nhập. Chỉ riêng chiến tranh thương mại với Trung Quốc, Mỹ sẽ mất gần 455.000 việc làm trong vài năm tới. Cuộc chiến này sẽ khiến kinh tế Trung Quốc thiệt hại từ 1,3 - 3,2% GDP, còn Mỹ thiệt hại từ 0,2 - 0,9% GDP.

Tác động đến kinh tế Việt Nam

Đứng trước thực tế trên đây, một câu hỏi đang được đặt ra là Việt Nam có bị ảnh hưởng gì không và mức độ ảnh hưởng thế nào ? Có thể khẳng định ngay rằng, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, vì cả Mỹ và Trung Quốc hiện là 2 đối tác thương mại lớn của chúng ta. Trong trường hợp này, nếu một trong hai nước bị thất bại, chắc chắn thương mại nói riêng, quan hệ kinh tế nói chung của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Trong trường hợp cuộc chiến chưa ngã ngũ, thì hoặc là các bên còn mải lo đối phó, hoặc là họ sẽ phải đi tìm đối tác thay thế, nên có thể vị trí của Việt Nam sẽ bị lu mờ đi.  Mặt khác, khi chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, các nước sẽ chú trọng thị trường nội địa, lập hàng rào chắc chắn hơn. Điều đó sẽ gây ra khó khăn cho thương mại Việt Nam.

Tuy nhiên, ảnh hưởng đến Việt Nam sẽ không lớn, do chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và dòng chảy thương mại khó có thể thay đổi nhanh chóng trong thời gian ngắn. Quá trình sản xuất vẫn cần khâu gia công ở nơi có lợi thế về lao động như Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam còn chịu tác động tiêu cực do tăng trưởng toàn cầu giảm đi, làm cho xuất khẩu của Việt Nam giảm theo.

Mặt khác, cũng cần thấy rằng, trong cuộc chiến này, vẫn có những cơ hội cho Việt Nam. Chẳng hạn, do khó khăn từ thị trường Mỹ, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu từ Việt Nam, nhất là nông sản. Mặt khác, khi hàng Trung Quốc bị đánh thuế cao hơn ở thị trường Mỹ, sức cạnh tranh của nó sẽ giảm đi. Đây là cơ hội cho nhiều nước xuất khẩu vào Mỹ; trong đó có Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đang chiếm 90% thị phần xuất khẩu cá tra vào Mỹ, trong khi Trung Quốc chỉ chiếm 10%. Hơn nữa, Trung Quốc hầu như chỉ xuất khẩu các sản phẩm chế biến sẵn, nên giá thành cá tra của họ cao gần gấp đôi so với cá tra Việt Nam. Khi bị áp thuế quá cao, các sản phẩm cá tra chế biến của Việt Nam được kỳ vọng sẽ là lựa chọn thay thế.

Nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất sang Mỹ được hưởng lợi thế, nếu Việt Nam không nằm trong danh sách phải chịu thuế suất nhập khẩu cao của Mỹ. Trung Quốc không thể bán xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ như trước, họ có thể đi tìm thị trường mới, hoặc mở rộng quy mô của thị trường cũ, trong đó có Việt Nam. Mỹ cũng vậy. Về đầu tư, với mức thuế cao của Mỹ, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn hơn so với Trung Quốc.

Khuyến nghị với cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp

Về nhận thức, phải thấy rõ rằng, cạnh tranh thương mại vốn là thuộc tính cố hữu của nền kinh tế thị trường. Vấn đề là nó sẽ  xảy ra khi nào ở đâu, với ai… vì thế, các doanh nghiệp cần bình tĩnh, tránh tâm lý hoang mang và cần chủ động thông tin, quản trị rủi ro và tận dụng hội nhập, biết phân chia lại thị trường.

Mặt khác, chiến tranh thương mại cũng có hai mặt, như đã chỉ ra ở trên. Nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm ra những lợi thế, ít nhất cũng là “lợi thế so sánh” để khai thác, tranh thủ cơ hội để vươn lên, vượt qua khó khăn.

Trước những khó khăn trước mắt này vẫn cần tiếp tục hội nhập vào thị trường thế giới. Để giảm bớt căng thẳng thương mại, Việt Nam cần có các biện pháp chủ động, như thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước, áp dụng hệ thống tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn và mở rộng thêm các ngành dịch vụ.

Bên cạnh đó, cần có các giải pháp để giữ vững được các thị trường truyền thống như EU, Đông Âu, khai thác những lĩnh vực còn khả năng phát triển. Mặt khác cũng cần tích cực tìm kiếm thêm các thị trường mới.

Việt Nam cũng cần tích cực khai thác những lợi ích từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết, vì các Hiệp định này đều tạo nhiều thuận lợi cho thương mại của chúng ta.

Đáng chú ý, trong đó, có nhiều thị trường quan trọng, có thể bù đắp vào phần giảm sút, do chiến tranh thương mại gây nên. Đáng kể trong số này là FTA Việt Nam-Nhật Bản, FTA Việt Nam-EAEU, CPTPP…

Hơn thế nữa, các FTA này còn giúp Việt Nam tiếp nhận được nhiều công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ 4.0, để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, đặc biệt là cập nhật danh mục hàng hóa bị áp thuế của cả Mỹ và Trung Quốc, cũng như động thái tỷ giá cả đồng USD và Nhân dân tệ, để doanh nghiệp có phản ứng kịp thời.

Các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu sâu hơn nữa những quy định mới của Mỹ, nhất  là với các loại hàng hoá trong danh mục bị áp thuế, để đa dạng hoá xuất khẩu vào Mỹ. Đồng thời, cần nghiên cứu sâu hơn danh mục những hàng hoá của Trung Quốc bị hạn chế xuất khẩu vào Mỹ, mà Việt Nam đang cần, để có thể nhập khẩu một cách có lợi nhất.

Ngoài Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam cũng cần theo dõi các biện pháp bảo hộ của các nước khác có ảnh hưởng đến chúng ta. Trên cơ sở đó, mới có thể đề ra các chính sách ứng phó có hiệu quả.