Tham gia FTA thế hệ mới:
Tư duy toàn cầu, hành động doanh nghiệp
So với FTAs đã ký kết, các FTA thế hệ mới đang được tích cực đàm phán và sẽ ký kết trong thời gian tới, có phạm vi rộng hơn, mức độ tự do hóa mạnh và sâu hơn, với các chuẩn mực cao hơn và tốc độ tự do hóa nhanh hơn. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với không chỉ doanh nghiệp trong nước mà còn các cơ quan quản lý nhà nước để tận dụng hiệu quả lợi ích mà các FTA mang lại.
Thời gian qua, những tác động của việc ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã được bàn thảo tại nhiều diễn đàn, nhất là khi nước ta đàm phán, ký kết với các đối tác quan trọng như Liên minh châu Âu, khu vực Thái Bình Dương. Song có thể thấy, việc ký kết FTA với các đối tác không phải mới được thực hiện, nước ta đã ký hiệp định với một số thị trường riêng lẻ từ trước. Các hiệp định này chủ yếu tập trung điều chỉnh về thương mại hàng hóa bằng cách xóa bỏ dè dặt một số loại thuế, loại bỏ hàng rào phi thuế quan và có lộ trình thực hiện dài. Các quy định cũng không vượt quá cam kết trong Tổ chức thương mại thế giới mà nước ta tham gia.
Tại Tọa đàm của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam tổ chức mới đây, Chuyên gia nghiên cứu kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, so với FTAs đã ký kết, các FTA thế hệ mới đang trong quá trình đàm phán và sẽ ký kết thời gian tới có phạm vi rộng hơn, không chỉ thu hẹp trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, mà còn bao gồm nhiều lĩnh vực khác như thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ, và các vấn đề thương mại mới khác.
Hơn nữa, mức độ tự do hóa của những FTA này mạnh hơn và sâu hơn nhiều so với những hiệp định đã ký trước đây, với các chuẩn mực cao hơn và tốc độ tự do hóa nhanh hơn. Hơn nữa, các đối tác của ta trong TPP và EU đều là những nước có khoảng cách địa lý tương đối xa và chỉ mang tính bổ sung lẫn nhau chứ không cạnh tranh trực tiếp. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng chính là thách thức đối với doanh nghiệp trong nước.
Với các thị trường mới này, doanh nghiệp có nhiều điều kiện để tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu - một xu thế đang ngày càng mạnh mẽ trong nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nếu không chuẩn bị tâm thế kỹ lưỡng các doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực ngay ở thị trường nội địa, cũng như tại các thị trường xuất khẩu chủ lực.
Bởi, năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp Việt vẫn còn thấp; tư duy và năng lực chủ động sáng tạo, thích ứng trong hội nhập của doanh nghiệp chưa cao, thiếu tầm nhìn và chiến lược cạnh tranh dài hạn; nhận thức về các cam kết, luật pháp của nước đối tác còn nhiều hạn chế. Tính kết nối, liên kết nội bộ giữa các doanh nghiệp trong nước còn quá lỏng lẻo, chưa tạo được sức mạnh cạnh tranh thống nhất. Trong khi đó, việc tham gia các FTA thế hệ mới sẽ đặt nước ta phải cạnh tranh gay gắt trên cả ba cấp độ (sản phẩm, doanh nghiệp nhà nước và Nhà nước).
Do vậy, để chủ động hơn trước yêu cầu cam kết sâu của các FTA thế hệ mới, các chuyên gia kinh tế đề nghị, các doanh nghiệp trong nước cần nắm vững các cam kết để thực thi đúng khi các FTA chính thức được ký kết, tránh bị kiện và tận dụng hiệu quả cơ hội mà các FTA này mang lại. Các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp, để nâng cao sức cạnh tranh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và quản lý, tạo nền tảng cho phương thức phát triển mới.
Trong đó, đối với cơ quan quản lý, cần tích cực đổi mới cơ chế, tư duy quản lý và phát triển theo hướng tư duy toàn cầu, hành động doanh nghiệp/địa phương; cần có cơ chế thúc đẩy liên kết vùng, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế.